Sau lễ Thanksgiving (lễ Tạ ơn), thầy dạy tiếng Anh của mình lên lớp nói, thầy vừa đọc tin, trong vòng đúng 3 ngày vừa qua, dân Mỹ đã bỏ ra 17 tỷ đô la để mua sắm hàng hóa. Đó chỉ là con số ở lãnh vực mua bán lẻ tiêu dùng, trong một dịp mua sắm nhân ngày lễ Thanksgiving, chưa kể các ngày lễ lớn khác như Noel, năm mới…

Các bạn cứ hình dung, tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam, trong mọi lãnh vực kinh tế của năm 2017 là 220 tỷ đô la. Vậy mà chỉ riêng 3 ngày, dân Mỹ đã mua bán lẻ gần bằng 1/10 con số của 365 ngày Việt Nam mua bán đủ thứ, từ trái thanh long tới dầu mỏ. Một con số nhỏ, đủ nói lên dân Mỹ “ghiền” mua sắm đến mức nào. Và hẳn nhiên, họ có tiền, có hàng hóa để thực hiện điều đó.

nen kinh te tieu dung my
Một góc siêu thị chuyên đồ thực phẩm ở gần nhà tác giả. (Ảnh: Nguyễn Danh Lam)

Đã không dưới một lần mình bị lạc hướng ra, không thể kiếm nổi cái bãi đậu xe của mình trong hàng chục bãi đậu xe rộng mênh mông quanh một khu mua sắm. Bước chân vào một khu mua sắm, bạn hoàn toàn có thể phải dùng tới GPS (định vị vệ tinh) để tìm hướng đi, trong một ma trận các cổng ra vào, đông tây nam bắc, lầu dưới lầu trên… Dân Mỹ rất giỏi trong việc định hướng, họ đã được học trong trường từ nhỏ, giống hướng đạo sinh ở Việt Nam, hoặc các bạn coi phim Mỹ cũng thấy, họ định vị đông tây nam bắc, hoặc các hướng theo kim đồng hồ… rất tài tình… Ấy thế nhưng, ngay cả dân Mỹ bản xứ cũng lạc hướng trong một khu mua sắm là chuyện không lạ.

Ở Việt Nam chúng ta có các mô hình bán lẻ như chợ, siêu thị, thương xá, gần đây cũng đã xuất hiện mô hình “mall”, nhưng thiệt tình cái “mall” ở Việt Nam so với “mall” ở Mỹ nó… khác lắm. Gần nhà mình có cái The Woodlands Mall, đó là một… thành phố với 4 cổng ra vào như 4 cửa ô. Trong mall có đường xá, công viên, hồ nước, dịch vụ xe bus miễn phí để chở khách đi mua sắm từ building (tòa nhà) này đến building kia. Trong mỗi building khổng lồ lại chia ra thành nhiều khu, nhiều hãng bán lẻ, mỗi hãng lại có một “ma trận” riêng.

Ngoài các mô hình trên, ở Mỹ cũng rất phổ biến loại hình siêu thị chuyên dụng, như siêu thị điện tử, điện gia dụng, vật liệu xây dựng- nội thất, nông sản, dược phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ, thú nuôi… Ngay cả đến một lãnh vực khu biệt như mua bán dụng cụ để vẽ tranh, các họa sĩ cũng sẽ mê mẩn khi bước vô một cái Art Supply… Đó là chưa kể, họ vẫn giữ được nhiều hình thức mua bán rất “nguyên thủy” khác như chợ phiên, chợ lều, chợ quê… hay các cửa hàng tiện dụng nho nhỏ bên đường…

Ngoài ra, để đáp ứng đủ thứ phân khúc khách hàng, họ có mall cho người giàu, dân trung lưu và cũng có đủ thứ siêu thị cho người nghèo, nơi hàng hóa được on sale với giá rẻ, thậm chí có cả chuỗi siêu thị từ thiện, nửa bán nửa tặng các món hàng đã qua sử dụng…

Ấy thế nhưng, tất cả các mô hình mua bán “cổ điển” trên đây chỉ có lượng hàng hóa được tiêu thụ 1/2 so với gã bán hàng qua mạng Amazon, ngay trong dịp lễ vừa rồi. Chưa kể còn nhiều nhà bán lẻ qua mạng khác.

Vào mùa lễ, các chuyến bay, xe tải lớn nhỏ vận chuyển hàng hóa tuôn đi khắp mọi nẻo nước Mỹ. Lương tài xế vận chuyển hàng trên dưới 100 ngàn đô/năm. Hệ thống siêu thị Walmart đăng thông tin tuyển tài xế với mức khởi điểm 76 ngàn đô/năm ở khắp nơi, nhưng vẫn thiếu. Hiện toàn nước Mỹ đang thiếu hơn 50 ngàn tài xế xe tải. Mà hệ thống đường xá, cách thức vận chuyển ở Mỹ rất khỏe. Cả lãnh thổ phủ kín cao tốc, với tốc độ trung bình 60 miles/h (khoảng gần 100 km/h). Trên hệ thống đường liên bang (Interstate) không có trạm thu phí, không có giao cắt đèn xanh đèn đỏ và tất nhiên, không có một bóng cảnh sát chặn đường “kiểm tra giấy tờ”… Một tài xế hoàn toàn có thể hoạt động độc lập, hành nghề đơn lẻ, tới điểm nhận hàng, “de” thùng xe vô kho, nhân viên và máy móc chuyển hàng lên, khi lái tới điểm giao hàng lại “de” thùng xe vô, cho máy bốc xuống, tiền được chuyển vô tài khoản.

Ngoài hệ thống xe tải nặng, còn cả một “rừng” các hãng giao hàng tận nhà. Khách hàng lên mạng chọn đồ, chuyển tiền, một đôi bữa sau đi làm về, đã thấy hàng được đặt nơi bậc cửa. Vào mùa lễ, bên thềm nhà có thể có cả một “núi” các thùng hàng được giao, từ các món đắt tiền như đồ điện tử, cho tới một thứ lặt vặt như con búp bê, cái ly uống nước… Hiện tượng trộm đồ hầu như không xảy ra, tuy vẫn có lác đác ở những khu “phức tạp”. Song có một thực tế, hình thức giao hàng “đem tới thềm nhà bỏ đó” là rất phổ biến, được áp dụng trên toàn lãnh thổ Mỹ.

Trên đây là một vài nét phác rất sơ lược về hệ thống mua sắm ở Mỹ. Một nền kinh tế hàng hóa vô cùng sôi động. Họ làm ra tiền là xài, không cần lo lắng tới tương lai, vì nhìn chung nền kinh tế, thu nhập luôn được bảo đảm. Các ngân hàng sẵn sàng ứng tiền để khách xài, càng xài nhiều điểm tín dụng càng tăng. Tín dụng càng tăng thì càng dễ dàng được cho vay tiếp để xài.

Có nhiều thông tin cố tình xoáy vô điểm này và cho rằng, dân Mỹ luôn nợ đầm đìa, nhiều người bị “gài bẫy” mua sắm đến mức nghiện nặng, không còn khả năng thanh toán, bị ngân hàng siết nợ đến khốn đốn. Thực ra, điều này là có chớ không phải không – thậm chí đã gây nên cuộc khủng hoảng vì cho vay nợ quá dễ dãi khi mua nhà tại Mỹ năm 2008. Nhưng mối quan hệ giữa ngân hàng và người tiêu dùng là quan hệ dân sự, không thể đem người tiêu dùng tống vô tù vì nợ. Luật phá sản cũng không dồn ai tới đường cùng. Ngân hàng cũng có nhiều cách thức để cân đối. Trên nữa còn đồng vốn liên bang khổng lồ để can thiệp – tùy vào cách thức xử lý khủng hoảng của phía hành pháp. Nên nợ tiêu dùng ở Mỹ là nợ chủ động. Tất cả đều nợ, tỷ phú, bình dân đều nợ… Nợ là một hình thức mua bán phổ biến, hết sức bình thường. Nó kích cầu cho nền kinh tế. Người ta xài nghĩa là nuôi người làm ra, nuôi nhà sản xuất, nuôi chuỗi cung ứng, trong đó có chính bản thân mình. Cho vay lãi suất thấp, hoặc lãi suất 0, để mua hàng là cách để đẩy dòng vốn luân chuyển một cách nhanh nhất. Nó gần như hoàn toàn tích cực chớ không phải tiêu cực.

Tuy nhiên, nền kinh tế tiêu dùng cuồn cuộn ấy hẳn không thể không có mặt trái. Dân Mỹ xài phóng tay, mua một món đồ chưa hết công năng sử dụng người ta đã ném bỏ, khi có một món hàng mới tân kỳ hơn. Rất ít thứ hàng gia dụng người ta có khái niệm sửa chữa. Hư một chi tiết nhỏ là quăng thùng rác. Điều này chúng ta có thể kiểm chứng được ở ngay thành thị và nông thôn Việt Nam. Một chiếc điện thoại, một cái tivi còn rất mới, nhưng khi có cái đời mới hơn được bán ra, chúng ta đã muốn “có mới nới cũ”. Việc “đem cái cũ về quê cho bà con” là khá phổ biến khi nền kinh tế phát triển. Ở Mỹ hẳn nhiên cũng vậy, hàng dân Mỹ quăng thùng rác có thể tận dụng ở nhiều nơi trên thế giới. Vì vậy người ta thống kê, nếu toàn bộ dân số thế giới ai cũng xài như dân Mỹ thì cần phải có nguồn tài nguyên của 4 Trái đất. Và nước Mỹ chính là nước xả vào bầu khí quyển nhiều nhất các loại khí gây hiệu ứng nhà kính…

Tuy nhiên, con thú tiêu dùng khủng khiếp ấy cũng được kềm chế ít nhiều ở Mỹ qua các thiết chế mềm. Thí dụ thông qua tôn giáo, văn hóa, đạo đức… người ta vẫn giữ được cách sống tiết kiệm, sẻ chia hơn. Tỷ phú ở Mỹ đi xe bình dân, ăn nhà hàng bình dân là khá phổ biến. Người ta sản xuất, khai thác tài nguyên càng lúc càng văn minh hơn. Các dạng thức kinh tế xanh, sản xuất – tiêu dùng xanh đang được nghiên cứu và biến thành hiện thực mỗi ngày…

Làm công việc buôn bán online, hoặc đi mua sắm, thiệt tình hai vợ chồng mình thường xuyên nói với nhau: Vô cùng xót, vô cùng tội, khi một món hàng ở Mỹ nó rẻ đến… đáng ngại. Từ chiếc xe hơi cho đến cặp mắt kiếng, gói đồ ăn… khi mua tại Mỹ, vận chuyển về Việt Nam, qua bao nhiêu mắt xích – mà hầu hết chi phí lại nặng ở chính phía quê nhà, khi đến tay người tiêu dùng phía Việt Nam nó đã phải tăng lên gấp mấy lần giá trị gốc của nó. Dân mình vốn đã thu nhập thấp, lại phải gánh những chi phí quá cao để có một món hàng. Nghĩ mà quặn trong bụng.

Đó là chưa kể đến những chuyện “tréo ngoe”, thí dụ một hũ cà phê, một bịch hột điều, một đôi giày, một chiếc điện thoại… Chúng được sản xuất từ chính nguồn nguyên liệu tại Việt Nam, hoặc trên đôi tay, trên mồ hôi nước mắt của chính người Việt… Nhưng để mua một bịch cà phê tại chính nơi đã sinh ra nó, người dân không thể yên tâm đó là cà phê thật, hay một món hàng thật. Và món hàng ấy phải đi một vòng thế giới, gởi về từ nơi không hề khai sinh ra nó, và người tiêu dùng ở nơi khai sinh nó lại phải chấp nhận bỏ ra một khoản phí gấp nhiều lần, để lấy được cái niềm tin, đó là hàng thật…

“Phi lý”, “phi lý” đến tận cùng. Nhưng chúng ta đã rơi ra khỏi đoàn tàu cao tốc của nền kinh tế thế giới từ quá lâu. Khi nhận ra, chúng ta đành… chạy bộ theo đoàn tàu cao tốc ấy. Và người tiêu dùng gánh đủ. Thật xót xa…

Theo Facebook Nhà văn Nguyễn Danh Lam

Xem thêm: