Hàng loạt các hội nghị ASEAN đang diễn ra tại Manila, Philippines trong dịp Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á kỷ niệm 50 năm ngày thành lập (8/8/1967 – 8/8/2017). Mặc dù vẫn còn nhiều vấn đề chưa hoàn thiện, nhưng tờ The Economist (Mỹ) gần đây vẫn đánh giá hiệp hội này là “sân chơi duy nhất tại Châu Á” và “cung cấp một cơ hội hiếm có cho các nhà lãnh đạo toàn cầu xây dựng lòng tin”.

Mặc dù ASEAN có nhiều thành tựu, nhưng vẫn còn nhiều điều phải suy ngẫm. Tương lai của ASEAN sẽ ra sao? Chương mới của tổ chức khu vực này sẽ như thế nào?

Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN tổ chức tại Manila, Philippines ngày 6/8/2017.

Tự hào là một công dân ASEAN, tôi nhiệt tình chia sẻ câu chuyện về hiệp hội này trong nhiều diễn đàn quốc tế khác nhau, từ Diễn đàn Oslo gần đây tới Hội nghị thượng đỉnh G20. Tôi đã thấy rằng cộng đồng quốc tế đánh giá khá cao ASEAN, và họ có nhiều lý do tốt đẹp để làm như vậy.

Có câu nói rằng: “Chúng ta không biết chúng ta đang có được điều gì cho đến khi mất nó”. Điều này cũng đang diễn ra với ASEAN.

Không khó để chỉ ra những thiếu sót của ASEAN, nhưng chúng ta hãy thử tưởng tượng khu vực của chúng ta và thế giới của chúng ta sẽ ra sao nếu không có ASEAN. Khu vực này là nơi mà các tranh chấp dễ dàng chuyển dịch thành các cuộc chiến tranh toàn diện, nơi mỗi quốc gia chỉ cạnh tranh và bỏ qua hợp tác, và một thế giới nơi mà Đông Nam Á chỉ là một đấu trường cho các cường quốc phô trương sức mạnh của họ.

Thay vì những điều không tốt đẹp kể trên, nhờ có ASEAN, chúng ta đã có một khu vực hòa bình, không gặp phải một cuộc xung đột vũ trang lớn nào kể từ sau Chiến tranh Việt Nam; một khu vực mà hiệp định thương mại tự do năm 1992 đã khiến giao thương trong khu vực tăng từ 80 tỷ USD năm 1993 lên gần 550 tỷ USD vào năm 2015, thúc đẩy ASEAN trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới; và Đông Nam Á là một trong những động lực của hòa bình và thịnh vượng cho toàn thế giới.

Tóm lại, ASEAN đã thành công trong việc xây dựng một hệ sinh thái của hòa bình và thịnh vượng trong khu vực.

Hơn nữa, ASEAN đã chuyển mình từ một hiệp hội lỏng lẻo thành một cộng đồng các nước Đông Nam Á mạnh hơn, giúp phục vụ người dân khu vực tốt hơn.

Ngày nay, chủ nghĩa khu vực có vẻ như đang bị suy thoái ở nhiều nơi, từ việc nước Anh rút khỏi Liên minh Châu Âu tới khủng hoảng ngoại giao tại Vùng Vịnh, nhưng ASEAN tiếp tục thể hiện sự thống nhất và ổn định.

Những thành tựu này không có nghĩa là chúng ta dừng lại và tự mãn. Đưa ra nhiều nỗ lực hơn nữa là đặc sắc ở đây, như việc ASEAN vừa cùng Trung Quốc thống nhất được khung cơ bản của bộ quy tắc ứng xử chung trên biển Đông.

Tuy nhiên, chúng ta luôn được nhắc nhở rằng “chúng ta thông minh hơn không chỉ bởi sự hồi tưởng về quá khứ của chúng ta, mà còn bởi trách nhiệm với tương lai của chúng ta”.

Là những người may mắn đã được thừa hưởng một Đông Nam Á hòa bình và thịnh vượng hơn, thế hệ của chúng ta phải chịu trách nhiệm tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn nữa cho ASEAN.

Định hướng tương lai: Vì nhân dân

Sau khi nói tất cả điều trên, tôi vẫn rất phấn khích về tương lai mà ASEAN đang hướng tới. Tôi tin rằng điều tốt nhất vẫn chưa đến.

Điều tốt đẹp nhất mà tôi muốn đề cập đến là hướng tới nhân dân.

Tương lai của ASEAN là một khu vực không chỉ có hòa bình và thịnh vượng, mà còn là nơi người dân được coi là tâm điểm của tất cả.

Chương tiếp theo của ASEAN cần được định hướng nhiều hơn cho người dân và hướng tới người dân, nơi nỗ lực cống hiến của hiệp hội là để đáp ứng nhu cầu của mọi người dân trong toàn khu vực.

Để đạt được mục đích đó một cách thực chất, có ba vấn đề mà ASEAN nên tập trung, nếu tổ chức này muốn đảm bảo vị trí trong tương lai.

Thứ nhất, ASEAN cần tập trung vào việc thúc đẩy một nền kinh tế toàn diện và cạnh tranh có hiệu quả cho tất cả mọi người trong khu vực. Vì hiện tại tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người của một nước thành viên ASEAN chỉ chưa bằng 1/40 so với một nước thành viên khác, sự bất bình đẳng giữa các nước và trong cùng một nước vẫn là một thách thức lớn.

ASEAN phải chấp nhận sự chuyển đổi kỹ thuật số nhanh chóng trong thế giới toàn cầu hóa mà vẫn đảm bảo rằng không người dân nào, đất nước nào bị bỏ lại phía sau.

Nền tảng để giảm sự bất bình đẳng, chẳng hạn như sáng kiến về hội nhập ASEAN, phải được tăng cường.

ASEAN nên tăng cường sự kết nối nội khối phù hợp với kế hoạch tổng thể kết nối của hiệp hội nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư trong tất cả các ngóc ngách của khu vực.

Hơn thế nữa, ASEAN nên làm việc về các thỏa thuận thương mại như Hợp tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.

Thứ hai, ASEAN cũng nên khai thác tiềm năng to lớn của lao động di cư có tay nghề thấp.

ASEAN đã có những bước tiến lớn trong phong trào của các chuyên gia có kỹ năng cao thông qua các Hiệp định Công nhận lẫn nhau (MRA).

Tuy nhiên, đa số công nhân di cư trong khu vực không phải là những chuyên gia có tay nghề. Ví dụ, MRA chỉ bao gồm ít hơn 1% tổng lực lượng lao động ở Thái Lan và Indonesia.

Cần phải làm nhiều hơn nữa để đảm bảo việc bảo vệ những người lao động di cư có tay nghề thấp và trung bình theo cách bảo vệ lợi ích của cả nước nơi những lao động này ra đi và quốc gia họ đến.

Thứ ba, ASEAN không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục hòa nhập trong khi tăng cường khả năng thể chế. Điều này đặc biệt phù hợp khi đối mặt với những thách thức ngày càng tăng mà hiệp hội phải giải quyết, từ các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống rộng lớn, đến mức độ cấp bách để có một Ban thư ký ASEAN mạnh mẽ hơn.

Tương lai của ASEAN sẽ được định hình thông qua các biện pháp khác nhau, trong đó có nhu cầu giải quyết mối quan hệ ngoại giao mở rộng đặc biệt với các cường quốc chủ chốt, trong bối cảnh các cuộc ganh đua địa chính trị, đe dọa khủng bố và cách thức để ASEAN có thể duy trì sự hòa hợp giữa những hoàn cảnh chiến lược toàn cầu và khu vực đang thay đổi nhanh chóng.

Đối phó với tất cả những điều này sẽ đòi hỏi phải có sự thống nhất lớn hơn nữa, cũng như một tầm nhìn mới mẻ hơn và toàn diện hơn để giữ cho ASEAN hòa hợp…

Với sự tập trung vào con người và nhu cầu của họ, trong 50 năm tới, ASEAN sẽ trở thành một thế lực lớn hơn trên thế giới, nhưng quan trọng hơn, nó cần thấm nhuần cảm giác sâu sắc rằng tổ chức này thuộc về và được sở hữu bởi tất cả người dân trong khu vực, chứ không chỉ là của các nhà ngoại giao hay các tài phiệt kinh doanh.

Ngày nay, nhiều người trong chúng ta có thể bối rối khi được hỏi ASEAN là gì hay có ý nghĩa gì đối với mình. Nhưng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á sẽ không phải là quá xa vời đối với một người dân khu vực trong tương lai, người dân ASEAN khi đó ngoài việc nói rằng họ là người Indonesia hay người Việt Nam hay người Philippines, thì còn nói “Tôi cũng là người ASEAN”.

Tác giả: Bà Retno L. P. Marsudi, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia

 Xuân Thành (dịch)

Xem thêm: