APEC vừa qua, nhiều người vui vẻ gọi một số nhân vật tinh hoa của các nước là thần tượng. Tuổi trẻ dễ suy tôn thần tượng. Có bạn hỏi, APEC đón hầu hết những nhà lãnh đạo đình đám nhất thế giới, sao không thấy chị yêu thích và viết sâu nhân vật nào? Không, chả có ai là thần tượng của tôi hết, khốn nỗi vì tôi đọc về họ nhiều, từ nhiều chiều.

Lại hỏi, điều gì tôi thấy đáng nhớ nhất sau APEC? Đó là ý nghĩ: Cần thay đổi nhận thức về vai trò kỷ nguyên mới đang thay đổi thế giới. Công nghệ mới, dù ta chẳng biết là gì, thực ra đang chi phối cuộc sống mình hàng ngày. Nó kết nối và tích hợp trong không gian chung, khởi xướng chu kỳ tăng trưởng mới với tốc độ lao vun vút tới trước.

Kỷ nguyên số chắc chắn phải nằm trong tay những người chủ mới, lớp trẻ. Chủ mới quan tâm những thần tượng mới. 50% dân số Việt Nam, trong đó, đa số là người trẻ đang dùng điện thoại thông minh. APEC đã gửi một thông điệp: Việt Nam, muốn không bị rớt lại phía sau, thì phải làm chủ được các công nghệ mới và sống được với kỷ nguyên số.

Chuyện buồn về một số ứng dụng

Bài ghi nhận ngắn duy nhất về 3 ngày hội nghị của tôi có nhắc một chút về các start up Singapore thử sức qua việc “bịt các lỗ hổng” của không gian mạng để “rào” và ngăn mạng Alibaba, bảo vệ các nhà bán lẻ Singapore. Chưa kịp viết tiếp về họ, thì đọc được tin không vui này, cũng từ Singapore.

Sinh viên Việt Nam, em T.G.H, năm thứ hai ở Đại học SMU, vốn được học bổng Asean, vì muốn thay đổi điểm thi bị xấu, từ D+ qua B, mà hack tài khoản của thầy và em thành công, vào sửa được điểm thi. Đọc hồ sơ, thấy em có tài, biết tính: Chỉ nhìn thầy thao tác khi mở máy, từ chỗ ngồi của em mà đoán trúng mật mã tài khoản thầy và còn đi thuê máy để đối phó điều tra. Nhưng ông giáo cũng phát hiện mấy điểm số lạ và báo cho nhà trường. Sau một năm điều tra, ngày 8/11 mới đây, em bị phat tù 16 tuần, đúng theo luật an ninh mạng của Singapore.

Đau không? Có đáng không để sử dụng tài năng vào công việc phạm pháp đó?

Cùng lúc, mình lại đọc bài này từ Genk và báo Khám Phá.

Chuyện của Kevin Frans, một kiểu thần tượng mới?

Frans1
Kevin Frans (ảnh: Twitter)

Chàng trai mắt một mí, dân châu Á này, Kevin Frans, là một học sinh trung học và hiện em đang nộp đơn xin ứng tuyển vào đại học. Frans thiết kế mạng thần kinh máy – neural net, để nhận dạng giọng nói, khuôn mặt của người – khi em mới chỉ 15 tuổi. Cảm hứng của em tới trực tiếp từ những cố máy trí tuệ nhân tạo có khả năng thông thạo được những trò chơi trí tuệ như cờ vây, poker và cứ dựa vào đó, em lặng lẽ tự xây nên một hệ thống của riêng mình, mỗi lúc một mảnh ghép nhỏ.

“Em rất thích cách người ta tạo ra được những cỗ máy tính làm được những thứ mà trước tới giờ không làm được”, Frans nói và chỉ về một bức hình là một trang web mang tính tương tác, có thể tự động tô màu cho một bản vẽ theo phong cách truyện manga.

>> Cuộc ‘đổ xô tìm vàng’ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo

Frans tiếp cận lần đầu với nhóm “trí tuệ nhân tạo mở”, OpenAI, khi đứng ra nhận đương đầu với một trong nhiều vấn đề mà nhóm OpenAI đang vướng mắc. Khi cũng bị tắc, em dã gửi mail cho nhà nghiên cứu của OpenAI là John Schulman để xin lời khuyên. Sau khi trao đổi qua lại về một thuật toán tối ưu hóa, cho phép sử dụng nhiều máy tính để phân tích và giải quyết vấn đề, Schulman mới đọc qua về blog của Frans và ông chưng hửng: “Tôi không ngờ những email ấy lại tới từ một anh chàng còn đang học trung học.”

Rồi em xin vào thực tập tại OpenAI và qua phỏng vấn, em mới được gặp trực tiếp Schulman. Bây giờ em là thực tập sinh duy nhất ở đây chưa vào đại học. Tại đây, em bắt tay vào nghiên cứu robot và trí tuệ nhân tạo, xử lý để những cỗ máy này áp dụng kiến thức, dữ liệu cũ mà giải quyết vấn đề mới.

Bản nghiên cứu mới của Frans hợp tác cùng Schulman và ba chuyên gia nghiên cứu khác tới từ Đại học California, Berkeley, đã góp những tiến triển rõ rệt trong lĩnh vực nghiên cứu này. Frans kể là em đã phát triển một thuật toán giúp cho một con robot ảo học được cách sử dụng hệ thống chân của mình hiệu quả, biết sử dụng chuyển động nào cho hành động nào một cách hợp lý.

Trong các bài thử nghiệm, thuật toán này giúp hai con robot ảo với 2 và 4 chân làm được nhiều việc, bao gồm di chuyển trong mê cung, đi lại, bò một cách nhanh chóng và chính xác. Nghiên cứu đã được gửi lên ICLR, hội nghị hàng đầu về machine learning.

Khi cỗ máy tính ở nhà riêng không đủ mạnh để xử lý những ý tưởng lớn của em, em sử dụng thẻ ngân hàng, mở một tài khoản sử dụng dịch vụ điện toán đám mây của Google để thử nghiệm những dòng code mình thiết kế. Em khuyên các bạn trẻ nếu muốn học về machine learning thì nên thử sức đi. “Việc tốt nhất có thể làm là bước lên và thực sự thử nó, tự làm nên điều đó bằng chính đôi tay của mình”, Frans nói.

Em nói, em có thể giúp các bạn trẻ nghiên cứu trí tuệ nhân tạo. Và em bắt đầu bằng cách giúp cậu em trai 7 tuổi ham thích code và bắt đầu vừa nghịch, vừa học trên máy.

Chuyện Kevin thông minh nhưng quan trọng hơn là đầy đam mê và mơ ước lớn, phải chăng đem lại cảm hứng cho các em học sinh. Nhìn chung, các em học sinh không hứng thú với trí tuệ nhân tạo lắm, nhưng Kevin bạn mình say mê thế, làm được thế thì các em kết nối với Kevin, xây dựng sự hứng thú với trí tuệ nhân tạo, và cùng học tập, nghiên cứu là điều quá hay chứ?

Theo Facebook nhà báo Vũ Kim Hạnh

Xem thêm: