Trong “cuộc chiến vỉa hè” chưa hồi kết, một cụm từ được nhắc đến nhiều lần nhất có lẽ chính là “thượng tôn pháp luật”.

“Thượng tôn pháp luật” là một khẩu hiệu lãng mạn. Nó không chỉ là một phương tiện mà còn là một mục tiêu của xứ sở này. Có thượng tôn pháp luật, tức sẽ có nền pháp quyền. Có nền pháp quyền, tức sẽ không còn lạm quyền. Không còn lạm quyền, tức sẽ có phát triển. Còn hơn cả một khẩu hiệu, nó là chỉ dấu cho một xã hội văn minh.

Mà văn minh thì ai mà không muốn hướng đến. Pháp quyền và thượng tôn pháp luật ai mà không muốn theo đuổi.

Tuy nhiên, có lẽ chúng ta sẽ phải gắng hiểu hơn về những gì đang theo đuổi, đang hướng đến. Pháp quyền là gì và nó thể hiện ra sao? Phải chăng pháp quyền và thượng tôn pháp luật chỉ đơn giản là một đòi hỏi mọi người, mọi nhà (kể cả Nhà nước lẫn nhà dân) phải tuân thủ theo những gì pháp luật có, pháp luật quy định?

Không thể phủ nhận, thái độ tôn trọng và tuân thủ pháp luật là một đặc điểm tối quan trọng của nền pháp quyền. Nhưng mình nghĩ nó sẽ cần nhiều hơn như thế. Một câu hỏi kinh điển đó là tuân theo pháp luật thì tốt thôi, nhưng lỡ pháp luật sai thì sao? Lỡ đâu pháp luật đang thay vì kiến tạo công bằng thì lại là chất xúc tác cho bất công? Martin Luther King từng ví von rằng “đừng quên tất cả những gì Hitler làm đều hợp pháp và tất cả những gì những chiến sĩ tự do Hungary làm đều là bất hợp pháp” (và lịch sử thì biết Hitler đại diện cho cái gì và người Hungary đại diện cho giá trị nào).

cuoc chien via he
Theo định nghĩa về pháp quyền của Liên Hợp Quốc, pháp quyền không chỉ dừng ở thái độ tuân theo pháp luật mà còn là việc pháp luật phải được tạo thành như thế nào. (Ảnh: TTVN)

Liên Hiệp Quốc (LHQ) trong một nỗ lực kiến tạo tương lai của mình đưa ra một định nghĩa rất hay về pháp quyền. Theo đó, nó không chỉ dừng ở thái độ tuân theo triệt để pháp luật mà còn mở rộng hơn nữa đó là pháp luật phải được tạo thành như thế nào. LHQ gắn cái pháp luật được tuân thủ đó vào tiêu chí rằng nó phải được “công bố minh bạch”, “áp dụng công bằng” và “tài phán độc lập”. Hơn thế nữa, pháp luật đó còn phải “tuân thủ cái giá trị và chuẩn mực nhân quyền quốc tế”. Để đạt đến pháp quyền thực chất, các yếu tố sau phải được đảm bảo đó là “thượng tôn pháp luật”, “bình đẳng và công bằng tư pháp”, “phân quyền”, “rõ ràng”, “phúc trình công bằng”, và đảm bảo “sự tham gia của mọi người vào tiến trình ra quyết định” (dân chủ). Định nghĩa của LHQ có thể không làm hài lòng nhiều học giả nhưng nó giải thích khá nhiều cho những thắc mắc, băn khoăn mà chúng ta gặp phải trong nhiều ngày qua.

Hãy thử nhìn lại cuộc chiến vỉa hè đang sôi động, có thực sự chúng ta sẽ đạt được thượng tôn pháp luật và pháp quyền duy nhất chỉ bằng cách bắt tất cả mọi người tuân theo quy định của Nhà nước bằng sức mạnh của xe cẩu, dàn khoan?

Để có thể thoải mái nói về pháp quyền thì cuộc chiến vỉa hè chắc cần phải đặt trong bối cảnh lớn hơn, thay vì chỉ nói về việc chúng ta đã có luật và thực thi. Cuộc chiến vỉa hè không chỉ là cuộc chiến của ông Hải và những vi phạm của người dân quận 1, hoặc của ông Chung chủ tịch Hà Nội và hệ thống bảo kê. Nó còn là câu chuyện về sự tham gia của người dân vào việc ra các quyết định liên quan đến sự thoải mái, tiện lợi, hoặc kể cả sinh kế của bản thân. Một người bán hàng rong có tiếng nói bao nhiêu trong câu chuyện dọn dẹp vỉa hè? Hoặc một câu hỏi lớn mà bạn mình đặt ra đó là vỉa hè có thực sự chỉ dành là lối đi bộ không? Hay nó còn phải được sử dụng vì những chức năng khác? Cuộc chiến vỉa hè có vẻ như đang là khúc dạo đầu cho một dự thảo luật về việc thu phí sử dụng vỉa hè và đề án phố hàng rong của thành phố và thực sự chúng ta không biết rõ rằng tiếng nói của người dân là bao nhiêu trong các đề án này. Thiếu vắng sự tham gia của người dân vào việc xây dựng nên pháp luật để chính bản thân bị ràng buộc, nền pháp quyền sẽ bị méo mó và khẩu hiệu thượng tôn pháp luật sẽ không còn trọn vẹn nữa.

Mình nghĩ cuộc chiến vỉa hè hóa ra là một điềm lành cho đất nước. Như một ý kiến mình lắng nghe, giờ đây kể cả giới tạm gọi là tinh hoa như khách sạn New World cũng đang cảm nhận cái cảm giác của Đoàn Văn Vươn vài năm về trước. Bằng sự cưỡng chế và khẩu hiệu “thượng tôn pháp luật”, Nhà nước đã gửi đi thông điệp rằng giờ đây những chân giá trị khác từng có ích cho cuộc sống của chúng ta như tiền tệ, quan hệ, hậu duệ giờ đây sẽ phải đứng dưới quyền năng của pháp luật. Và mọi cuộc thảo luận giờ đây sẽ phải đi xung quanh câu chuyện pháp luật. Nếu những người vi phạm (hoặc nạn nhân) của cuộc chiến vỉa hè tin rằng họ làm đúng theo pháp luật, thì giải pháp có lẽ không phải là lao vào những cuộc tranh cãi vô bổ với đoàn cưỡng chế hay những cuộc điện thoại không còn nhiều ý nghĩa mà phải là đơn kiện và tòa án. Còn nếu họ nhận thấy bản thân đã đứng vào phía bên kia của pháp luật và trở thành kẻ phản diện trong diễn ngôn thượng tôn đang bay lượn khắp nơi trên mặt báo, thì sự giải độc duy nhất có lẽ phải thông qua con đường thay đổi chính cái pháp luật đó, bằng tiếng nói của mình với dân biểu do mình bầu ra, và bằng lá phiếu để phế truất những người không phục vụ cho quyền lợi của họ. Cuộc chiến vỉa hè nếu có không phải diễn ra giữa các cơ quan chấp pháp (những người thực sự có nghĩa vụ chấp hành pháp luật) và người dân mà sẽ là giữa người dân và Nhà nước về việc tìm ra đâu là cách khai thác vỉa hè một cách hiệu quả, công bằng, và dân chủ nhất.

Mình tin rằng vang vọng của cuộc chiến vỉa hè sẽ là sự ý thức về quyền và cảm nhận dân chủ của người dân. Pháp quyền đúng nghĩa bắt đầu từ lá phiếu của người dân và kết thúc bằng một bản án có hiệu lực pháp luật chứ không chỉ nằm gói gọn trong diễn ngôn về “thượng tôn pháp luật”. Pháp quyền phải là một mục tiêu và là một tiến trình đảm bảo những giá trị cao hơn chứ không thể là một công cụ cho một chiến dịch nào đó, dù là nhân danh bất kỳ điều gì tốt đẹp.

Facebook Lê Nguyễn Duy Hậu

Xem thêm: