Với kiến thức hạn hẹp của mình, tôi chỉ viết lại qua trải nghiệm thực tế sau hai lần sang Trung Quốc đi du lịch, nên có thể không hiểu hết, hoặc không biết hết, chỉ chia sẻ lại để có thể lờ mờ đoán về một tương lai khi Luật An ninh mạng chính thức được áp dụng ở Việt Nam.

luat an ninh mang
Bức ảnh được chụp vào ngày 26/5/2014, khi hành khách xếp hàng bên ngoài để đi qua cổng kiểm tra an ninh trước khi vào nhà ga ở Bắc Kinh, trong một đợt thắt chặt kiểm tra an ninh trước ngày kỷ niệm cuộc đàn áp Thiên An Môn. Thủ tục mới này tiêu tốn thêm một giờ đồng hồ của người dân tại thành phố nổi tiếng đông đúc (20 triệu cư dân) vào giờ cao điểm. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)

Lần đầu sang Trung Quốc, tôi đi Thượng Hải, Bắc Kinh, Hàn Châu, Tô Châu. Lần sang Trung Quốc gần nhất, tôi đi qua Đại Lý, Côn Minh, Lệ Giang, Lugu, Shangri-La. Vì chưa tìm hiểu trước, nên khi vừa bay đến Côn Minh, nhóm 3 người chúng tôi đã vô cùng hoảng hốt vì không thể truy cập được Facebook, Google, Instagram, Google play, Google map, Apple Store, Viber, Youtube… Chỉ duy nhất một thứ vào được trong điện thoại là Zalo.

May trong nhóm có một bạn gốc Hoa. Cả nhóm đi vòng quanh sân bay hỏi những người làm dịch vụ, là những người tiếp xúc thường xuyên với du khách quốc tế nhất, nhưng bọn tôi hoảng hốt hơn là tất cả đều hỏi: “Facebook, Google là cái gì vậy?

Đường phố hay tất cả các hàng quán đều sử dụng duy nhất chữ viết tiếng Hoa và không có chữ cái Latinh, mặc dù lúc đặt phòng khách sạn ở Việt Nam, bọn tôi vẫn thấy ghi tên khách sạn bằng chữ Latinh. Trước đây vẫn dò đường bằng Google map thì qua đây bọn tôi như người câm, điếc, và mù.

Ở đây, họ dùng Baidu thay Google, Wechat thay Facebook,… Không chỗ nào chấp nhận thẻ visa thanh toán tiền… Tóm lại, tất cả những ứng dụng cả thế giới đều sử dụng thì người Trung Quốc không phải không dùng mà là không biết tới.

Nhờ sự hỗ trợ từ bạn bè qua Zalo, sau gần hai ngày sống tách biệt với nhân loại, cuối cùng chỉ duy nhất một chiếc điện thoại Iphone của bạn tôi đã có thể tải được ứng dụng bẻ khóa VPN để vào Facebook. Khi mở app Facebook, sau vài chục giây như hàng chục thế kỷ chờ đợi, một tiếng ” ting” thông báo quen thuộc vang lên, 3 đứa tôi ôm nhau gào khóc ngoài sân bay như 3 kẻ điên. Lúc đó cả nhóm đang chuẩn bị bay sang Lệ Giang. Sau đó 3 đứa phải thay nhau sử dụng bằng một chiếc điện thoại đó suốt chục ngày trời.

Tất cả những thông tin trong nước và quốc tế đều phải qua bàn tay nhào nặn từ chính phủ. Tìm kiếm một số sự kiện thì ra kết quả thế này:

Thảm sát Thiên An Môn 10.000 người chết: kết quả tìm kiếm chỉ có hình ảnh người dân đang đi dạo

Các từ khóa: Lục Tứ, chiến tranh biên giới Liên Xô-TQ, sự kiện 709 (là sự kiện chính quyền Trung Quốc bắt và sách nhiễu ít nhất 319 người đấu tranh nhân quyền vào tháng 7/2015), hay những từ khóa cơ bản như: dân chủ, nhân quyền, lưu vong, ĐCSTQ, Độc lập Tân Cương, độc lập Tây Tạng, Đạt Lai Lạt Ma, Đàn áp ở Tây Tạng…: tất cả đều 0 kết quả.

Sự việc tẩy não khủng khiếp phải kể đến là việc truyền thông Trung Quốc đã liên tục đưa ra các tin tức giả mạo để phỉ báng môn tu luyện Pháp Luận Công, khiến người dân ác cảm và thậm chí cả thù hận. Người dân chỉ biết tin và nghe theo những gì được tuyên truyền mà không hề hay biết rằng đằng sau đó, những người tập Pháp Luân Công đã bị bắt giam, tra tấn, khiến hàng triệu người mất tích hoặc chết một cách bí ẩn vì bị mổ nội tạng.

trung quoc tay nao nguoi dan bang luat an ninh mang nhu the nao
Những người tập Pháp Luân Công diễu hành trên Đồi Capitol ở Washington, DC, ngày 17/7/2014, kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công của chính quyền Trung Quốc. Ảnh: Jim Watson/AFP/Getty Images)

Ngày cuối cùng bay về Việt Nam, cả cái sân bay lớn với hàng ngàn người chen lấn xô đẩy, tất cả đều là người Trung Quốc. Nhóm tôi đứng xếp hàng ngay ngắn ở cửa ra máy bay để nhân viên soát vé thì một đám hàng chục người Trung Quốc (lớn tuổi) kéo tới chen lấn đẩy bọn tôi tuốt ra phía dưới, đẩy tôi ngã, sau đó một nhóm người Trung Quốc khác kéo tới chen lấn hỗn loạn như cái chợ. Nhân viên soát vé bình thản như chuyện thường ngày.

Một trong những ấn tượng xấu xí khác là nhà vệ sinh. Hệ thống nhà vệ sinh bẩn thỉu vương vãi, không nước không cửa không bàn cầu, chỉ là một cái rãnh. Không chỉ nhà vệ sinh công cộng, ngay cả nhà vệ sinh trong nhà hàng cũng tương tự.

Tôi quá sợ hãi bởi sự bưng bít thông tin, bẻ cong sự thật của Chính phủ, và vì người dân Trung Quốc chẳng biết gì ở thế giới ngoài kia. Phải chăng họ luôn tin Trung Quốc là đất nước hùng mạnh nhất thế giới? Họ chẳng cần học tiếng nước ngoài, họ tin vào những điều truyền thông của chính quyền Trung Quốc tuyên truyền, vì thực ra họ chẳng có gì để so sánh, họ cứ ngang nhiên chen lấn, khạc nhổ, mỉa mai người khác như cái cách mà cả thế giới đang nhìn về họ.

Tôi chỉ cảm thấy rợn gai ốc về sự khủng khiếp của việc tẩy não thông qua cái gọi là an ninh mạng. Rồi tương lai con cháu của chúng ta sau này, sẽ như thế.

Quan điểm cá nhân trên chỉ là từ trải nghiệm ngắn ngủi của bản thân, về những gì đã trải nghiệm, về những thứ đã thấy, về những con người đã gặp, dĩ nhiên đa số tôi toàn gặp người tốt, nhưng đây không phải là một bài review du lịch, nên tôi chỉ nói những thứ cần nói.

Theo Facebook Nguyễn Lan Uyên

(*) Bản đăng đã được chỉnh sửa so với nguyên bản.

Xem thêm: