Việc chi tiêu của chính phủ cũng tựa một doanh nghiệp. Cũng có nguồn thu và cũng có nguồn chi. Nguồn thu của chính phủ gồm có; thuế, bán tài nguyên, và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước (cứ cho là doanh nghiệp nhà nước có lời). Nguồn chi của chính phủ là trả lương bộ máy nhà nước và đầu tư công, v.v..

Nếu nguồn thu đủ chi, thì chính phủ sẽ không vay nợ. Nếu nguồn thu không đủ thì chính phủ phải vay nợ. Vay nước ngoài và vay nhân dân. Chính phủ nợ 2 đối tượng, đó là nợ nước ngoài phải trả bằng ngoại tệ, và nợ nhân dân trả bằng tiền Việt.

Bài toán nợ nước ngoài không thể giải bằng tiền Việt nên chính phủ phải vay đầu này đắp đầu kia để trả nợ, hoặc dùng tiền Việt (loại tiền mà họ có thể in ra) để mua đô la trong dân nhằm trả nợ nước ngoài. Bài toán nợ nhân dân thì lại là một bài toán hoàn toàn khác.

Để có tiền trang trải cho vấn đề trả lương và đầu tư, chính phủ hoặc vay tiền trong dân hoặc in tiền ra sử dụng. Nếu vay tiền trong dân, để chi tiêu trước mắt thì sẽ không lạm phát. Nếu in tiền sẽ lạm phát. Vì áp lực không để lạm phát vượt quá 2 con số (tức 10%/ năm) thì không thể in tiền bừa bãi. Chính vì lẽ đó chính phủ vừa in tiền vừa vay dân để khống chế lạm phát dưới 10%. Vậy họ vay dân bằng cách nào? Bằng cách phát hành trái phiếu chính phủ.

Trái phiếu và lạm phát
Lạm phát. (Tranh minh họa: Cafebiz)

Vậy trái phiếu chính phủ là gì? Thực chất nó là giấy vay nợ của chính phủ mà thôi. Anh đưa tôi tiền, tôi trao anh giấy chứng nhận là tôi đã vay của anh. Tờ giấy chứng nhận đấy của chính phủ người ta gọi nó là trái phiếu. Trên trái phiếu ấn định tỷ lệ lãi suất, thường rất thấp so với lãi suất ngân hàng. Vì lãi suất thấp mới là cái chết cho những ai giữ trái phiếu.

Hiện nay quỹ BHXH đang giữ tiền của dân cỡ 16 tỷ USD, nhưng giữ tiền Việt chứ không phải ngoại tệ, 16 tỷ USD chỉ là giá trị quy đổi mà thôi. Chính phủ đang thiếu tiền, nếu in ra thì lạm phát sẽ vượt 10% là chắc chắn. Vì thế chính phủ in tiền một ít và phát hành trái phiếu lấy hết số tiền BHXH đó để chi tiêu. Đến lượt cơ quan quản lý quỹ BHXH họ có thể (hoặc không) dùng trái phiếu đó bán ra dân để lấy lại tiền.

Dù ai nắm giữ trái phiếu như là một tài sản, thì tài sản này vẫn sẽ bị mất giá trị theo thời gian. Vì sao? Vì lãi suất trái phiếu thấp hơn lạm phát, nên nếu giữ trái phiếu thì giá trị sẽ giảm. Ví dụ hình tượng, tôi mua trái phiếu chính phủ trị giá 1 tỷ lúc đó tương đương xe Fortuner, trái phiếu với kỳ hạn 10 năm. Sau 10 năm tôi nhận 2 tỷ nhưng Fortuner lúc này có giá là 3 tỷ. Vậy do lạm phát lớn hơn lãi suất, tôi đã bị mất 1/3 giá trị chiếc Fortuner, cho dù chính phủ trả cả vốn lẫn lời.

Trái phiếu và lạm phát
Lạm phát. (Tranh minh họa: Cafebiz)

Có người cho rằng, việc chính phủ phát hành trái phiếu để lấy quỹ BHXH là cách giải quyết “tài tình”. Nhưng chính người đó không nhìn ra rằng việc phối hợp giữa phát hành trái phiếu và in tiền sẽ làm hao hụt tài sản nhân dân (tiền BHXH là tài sản nhân dân). Trái phiếu phát hành phải đi đôi với đồng tiền ổn định mới là chính phủ chân chính, còn phát hành trái phiếu kèm lạm phát là sự thiệt thòi vô lý đối với người dân. Đã từng có người bán nhà mua trái phiếu để sau này nhà nước thanh toán lại số tiền có giá trị bằng tô phở…

Theo Facebook Đỗ Ngà
Chỉnh sửa và đăng tải dưới sự cho phép của tác giả

Xem thêm: