song-ao
Minh hoạ bởi Kim Dong-kyu. (Dựa trên tác phẩm “Wanderer Above the Sea of Fog” của hoạ sĩ Caspar David Friedrich)

Sự tấn công không hồi kết của tin tức, tin đồn và các hình ảnh đã biến chúng ta thành những kẻ nghiện tin thất thường. Nó đã khiến tôi suy sụp. Và nó cũng có thể làm bạn suy sụp.

Tác giả: Andrew Sullivan, Dương Anh dịch

Tôi đang ngồi trong một thiền điện trong một tập viện chuyển đổi ở trung tâm Massachusetts khi tôi thò tay vào túi tìm chiếc iPhone của mình. Một người phụ nữ ở ngay ngoài căn phòng chìa ra một cái rổ, cười một cách rộng lượng, như thể một linh mục với bộ chén vàng. Chính thế mà tôi phải giao ra thiết bị nhỏ đó, chỉ để cảm thấy sự hoảng loạn đột ngột dâng lên trên đường tôi trở về chỗ ngồi của mình. Nếu không phải vì tất cả mọi người đang nhìn chằm chằm vào mình, cõ lẽ tôi đã quay lại ngay lập tức và xin lại cái điện thoại. Nhưng tôi đã không làm như vậy. Tôi biết lý do mình đến đây.

Một năm trước đây, như nhiều kẻ nghiện tin khác, tôi đã cảm nhận được một sự sụp đổ sắp xảy ra với mình. Trong 15 năm, tôi đã từng là một người bị ám ảnh bởi các trang web, bởi việc viết và đăng bài trên blog nhiều lần một ngày, bảy ngày một tuần, và bởi việc bám riết lấy một nhóm giám tuyển web hoạt động mỗi 20 phút một lần trong suốt những giờ cao điểm. Mỗi buổi sáng của tôi bắt đầu với việc đắm chìm hoàn toàn vào dòng chảy của ý thức và tin tức trên Internet, nhảy từ trang web này sang trang web khác, từ mẩu tin này sang mẩu tin khác, những tin tức nóng hôii nhất, lướt không biết bao nhiêu hình ảnh, video, cập nhật hàng loạt những biểu tượng đang được lan truyền (meme). Suốt cả ngày, tôi đưa ra đánh giá hoặc một tranh luận hoặc một trò đùa về những gì đã và đang xảy ra. Và đôi lúc, khi có sự kiện nổi lên, tôi lại dành hàng tuần cuồng loạn tìm từng mẩu tin bé tí về một câu chuyện đang tiến triển để có thể châm ngòi kể về nó ở ngoài đời thực. Tôi tham gia vào những cuộc đối thoại không hồi kết với người đọc, những kẻ đang cãi cố, đang khen ngợi, đang la ó, đang đính chính. Đầu óc tôi chưa bao giờ liên tục bận bịu bởi quá nhiều điều khác nhau đến thế và bị “chiếm đóng” một cách công khai như thế trong một thời gian quá dài đến vậy.

Nói theo cách khác, tôi đã từng là một người thích nghi từ rất sớm đối với cái mà chúng ta gọi là sống ảo. Và qua nhiều năm, tôi nhận ra mình không còn cô đơn nữa. Facebook đã sớm cho tất cả mọi người không gian blog và khán giả của riêng mình. Ngày càng nhiều người sở hữu điện thoại thông minh – thứ kết nối họ ngay lập tức với hàng tá những nội dung nóng hổi dồn dập, buộc họ không ngừng phải chọn lọc, tiếp thu và tiêu hóa những luồng ý kiến trực tuyến như tôi đã từng làm.

Twitter nổi lên như một hình thức viết blog liền tay về những suy nghĩ lẻ tẻ. Người dùng đã nghiện việc nhận được phản hồi cũng giống như tôi thật lâu trước đây – và thậm chí còn ở mức độ nghiêm trọng hơn. Sau đó nhứng ứng dụng này dần lắng xuống, cũng giống như trời mưa, nhấn chìm những gì còn lại của khoảng thời gian rảnh rỗi của chúng ta. Ngày nay, cái kiểu sống ảo này, kiểu sống không-bao-giờ-ngừng này, luôn-luôn-cập-nhật này đã hiện hữu khắp nơi. Còn nhớ khi tôi quyết định bỏ thêm tiền vào trang blog cá nhân của mình vào năm 2007 và cập nhật nó khoảng mỗi nửa giờ, người biên tập nhìn tôi như thể tôi bị điên. Nhưng sự điên rồ bây giờ là quá bình thường; tốc độ cập nhật nhanh-không-tưởng một thời của một blogger chuyên nghiệp nay đã trở thành điều hiển nhiên trong mắt tất cả mọi người.

Tôi từng đùa rằng, nếu như Internet giết chết bạn thì tôi sẽ là cái xác đầu tiên được tìm thấy. Nhiều năm về sau, trò đùa này càng ít được đem ra dùng. Trong năm cuối cùng của cuộc đời viết blog của mình, sức khỏe của tôi bắt đầu xấu đi. Bốn lần nhiễm trùng phế quản trong vòng 12 tháng càng ngày càng trở nên khó khắc phục. Những kỳ nghỉ, nếu như có, thì cũng đơn thuần là cơ hội để ngủ. Những giấc mơ của tôi bị lấp đầy bởi những đoạn mã tôi sử dụng mỗi ngày để cập nhật trang web của mình. Những mối quan hệ bạn bè đã dần mất đi bởi thời gian tôi (không) lên mạng giảm xuống. Bác sĩ của tôi thực hiện thêm một đợt điều trị bằng kháng sinh, cuối cùng hỏi thẳng: “Cậu thật là sống sót khỏi HIV để chết vì web phải không?

Nhưng phần thưởng thì rất nhiều: một lượng độc giả lên đến 100,000 người một ngày, một doanh nghiệp truyền thông mới ăn nên làm ra; một tràng liên tục những thứ gây khó chịu, khai sáng hoặc chọc giận tôi; một ngách trong trung khu thần kinh của cuộc đối thoại toàn cầu đang bùng nổ; và một phương thức để đo lường sự thành công – một bộ dữ liệu lớn và đẹp đẽ – một bể tắm do-pa-min bất biến cho cái tôi của tác gia. Nếu bạn được phép làm mới lại bản thân như một cây bút trong thời đại Internet, tôi cam đoan mình sẽ là người tiên phong. Vấn đề là tôi chưa từng bao giờ có thể làm lại bản thân thành một con người.

Tôi đã cố gắng đọc sách, nhưng kỹ năng đó giờ đây bắt đầu rời xa tôi. Sau một vài trang giấy, ngón tay tôi giật giật đòi một chiếc bàn phím. Tôi đã thử ngồi thiền, nhưng tâm trí tôi nảy lên và căng ra mỗi khi tôi cố gắng áp chế nó. Tôi có một lộ trình tập thể dục đều đặn, và nó cho tôi một điều nhẹ nhõm duy nhất có lẽ là trong một giờ đồng hồ mỗi ngày. Nhưng qua thời gian, trong thế giới ảo rộng khắp này, tiếng kêu gào hò hét trên mạng trực tuyến ngày càng trở nên ầm ĩ. Dù tôi dành hàng giờ mỗi ngày, một mình và im lặng, dính chặt lấy cái laptop, tôi vẫn có cảm giác như thể mình đang liên tục ở giữa một đám hổ lốn của ngôn từ và hình ảnh, của âm thanh và những ý tưởng, của cảm xúc và những đả kích – một đường ống gió của những âm thanh điếc tai và chết người. Quá nhiều trong số đó là không thể cưỡng lại được, tôi hoàn toàn hiểu. Quá nhiều trong số những công nghệ này là không thể đảo ngược được, tôi cũng hiểu. Nhưng tôi đã bắt đầu lo sợ rằng lối sống mới này đang thực sự trở thành một lối không-sống.

Trong một vài tháng qua, tôi nhận ra rằng mình – cũng như hầu hết những kẻ nghiện khác – đã luôn bị gắn chặt với một hình thức của sự phủ nhận. Trong một thời gian dài tôi đã coi cuộc sống trực tuyến như một sự bổ sung cho cuộc sống thực tế của mình, như thể một tiện ích vậy. Vâng, tôi dành nhiều giờ vào vai một giọng nói xa xôi để giao lưu với người khác, nhưng cuộc sống thực và thân xác tôi thì vẫn ở đây. Nhưng rồi tôi bắt đầu nhận ra rằng, khi sức khỏe và hạnh phúc của mình lụn bại dần thì đây không phải là kiểu trường hợp tôi sẽ có cả hai, cái này và cái kia, mà là kiểu sẽ chỉ có cái này hoặc cái kia. Mỗi giờ tôi dành ra ở trên mạng thì không được sử dụng ở thế giới thực. Mỗi phút tôi đắm chìm vào một tương tác ảo, tôi không tham gia vào việc gặp gỡ giữa con người với con người. Mỗi giây đắm mình vào những thứ tầm phào là mỗi giây mất đi cho bất kỳ một hình thức tự kiểm điểm, sự yên bình hay duy linh nào đó. “Đa nhiệm” là một ảo ảnh. Đây là một câu hỏi có kết quả bằng không. Tôi có thể hoặc là sống như một tiếng nói trực tuyến hoặc sống như một con người trong thế giới mà con người ta đã sinh sống từ khi thời gian bắt đầu.

Và vì vậy, sau 15 năm, tôi đã quyết định sống trong thực tại.

(to be continued)