Đêm qua mất ngủ vì buổi tối đọc cái tin người tài xế taxi bỏ lại sản phụ trên đường. Một người mưu sinh bằng cái xe, nguồn sống của cả gia đình trông vào nó, lại thiếu tri thức mà tin vào điều mê tín, kiêng kị thì sợ người ta đẻ trên xe mình cũng là điều dễ hiểu. Vì dễ hiểu mà cảm thấy xót xa.

nỗi sợ hãi, tội ác, xã hội Việt Nam bất an
Bị cầm tù bởi nỗi sợ. (Ảnh minh họa/Shutterstock)

Con người nhìn chung là độc ác, nhưng ác chỉ vì nỗi sợ hãi thì quả luôn là cái ác khiến người ta bị ám ảnh khôn cùng.

Chứng kiến cái ác của kẻ mạnh, đôi khi người ta sẽ trở nên mạnh mẽ kiên cường.

Chứng kiến cái ác của những kẻ yếu, cảm xúc thường chấn động tới mức run rẩy.

Chuyện này làm mình nhớ lại vụ taxi trên cầu vượt Thái Hà 4 năm trước.

Đêm 8/11/2015, một chiếc xe taxi đã đâm hàng loạt người trên cầu vượt Thái Hà ở Hà Nội. Đó không phải là một vụ tai nạn giao thông thông thường, bởi kết thúc bằng việc người tài xế nhảy từ độ cao 5 mét xuống đường để tự vẫn. Anh ta sợ hãi sau khi gây thảm họa, nhưng trước đó anh ta đã gây ra thảm họa cũng bởi nỗi sợ hãi.

Xem những hình ảnh ghi lại toàn bộ quá trình xảy ra sự việc đêm 8/11 thì câu chuyện được bắt đầu trước đó vài phút, cách hiện trường gần 1 km. Vài phút trước, trên cầu vượt Ngã tư sở, cách cầu vượt Thái Hà gần 1 km, chiếc taxi đang di chuyển bình thường ở phần đường dành cho xe ô tô thì từ phía sau, một chiếc xe bán tải phát tín hiệu xin vượt. Người lái taxi bối rối, bởi xin vượt trên cầu là trái quy định, và việc nhường đường không dễ dàng, phải rất khó khăn thì người lái taxi mới có thể chuyển làn, và có thể do áp lực bởi sự hối thúc phía sau nên anh ta không bật xi nhan khi chuyển làn. Chiếc xe phía sau, có lẽ quá sốt ruột nên cũng đã chuyển làn để vượt phải. Một sự hiểu lầm đã xảy ra khi người điều khiển chiếc xe bán tải cho rằng chiếc taxi cố tình tạt đầu chặn hướng di chuyển. Sau khi vượt lên, xe bán tải đã ép xe taxi vào thành cầu, một số người trên xe nhảy xuống uy hiếp người tài xế taxi. Bi kịch xảy ra khi người lái taxi thoát khỏi sự uy hiếp bởi những người trên xe bán tải đã bỏ chạy với tốc độ cao, khi sau lưng là sự truy đuổi của những người trên xe bán tải.

Một người chết, hàng chục người bị thương vì chiếc xe taxi được điều khiển bởi một người đàn ông tuyệt vọng, mất kiểm soát bởi nỗi sợ hãi. Một vụ tai nạn kinh hãi, nhưng khi xem lại hình ảnh được ghi nhận bởi camera giao thông thì con số thương vong kể trên vẫn có thể được coi là may mắn, bởi số lượng nạn nhân hoàn toàn có thể cao hơn nhiều nếu không phải đêm khuya.

Người ta thường nói rằng ở những cộng đồng có nhiều bạo lực thì người dân bất an, song, tôi cho rằng ngược lại mới đúng. Ở những cộng đồng mà người dân càng bất an thì bạo lực càng dễ dàng xuất hiện.

Người lái taxi có lựa chọn khác không? Dĩ nhiên, lúc này, khi hoàn toàn bình tĩnh đứng ngoài tình huống, chúng ta có thể đưa ra những lựa chọn khác nhau. Có thể anh ta nên chấp nhận đỗ xe để chịu trận, nhẹ thì một trận đòn thừa sống thiếu chết, nặng thì có thể thêm tan nát chiếc xe. Như thế, dĩ nhiên vẫn còn hơn là có thể đâm chết nhiều mạng người.

Nhưng người lái taxi đó có thể nghĩ được gì ngoài việc chạy thoát sự truy đuổi hung hãn của những người trên chiếc xe kia? Nếu nghĩ được, chắc chắn anh ta không chọn cách nhảy khỏi cây cầu cao 5 mét xuống con đường đầy xe cộ phía dưới. Khi cái chết của chính mình anh ta cũng còn không nghĩ tới, liệu anh ta có thể nghĩ đến sự an toàn của những người vô can? Tội ác, nếu như gọi vụ tai nạn giao thông này là một tội ác, thì nó mang khuôn mặt sợ hãi.

Tại sao người lái taxi đó lại sợ hãi đến thế? Bởi, họ là những người yếu thế trong cái đô thị vài triệu dân này, là những người lao động nghèo, kiếm sống trong nỗi sợ hãi triền miên. Họ sợ cướp, sợ bị những kẻ có quyền, thế bức hiếp khi va chạm giao thông, sợ bị phạt tiền, sợ bị giam xe và mất cơ hội sinh nhai khi lơ đễnh phạm luật. Nỗi sợ triền miên khiến họ mất niềm tin vào những kết quả lạc quan khi sự cố xảy ra. Và, như một phản xạ tự vệ, họ bỏ chạy, với niềm tin duy nhất là tay lái của mình.

Họ bỏ chạy khi cảnh sát giao thông nhảy lên nắp capo, bỏ chạy khi bị truy đuổi bởi cảnh sát, bỏ chạy khi bị côn đồ hành hung. Họ bỏ chạy, và việc không gây ra tai nạn giao thông chỉ là may mắn. Khi tai nạn xảy ra như câu chuyện đêm 8/11, họ là kẻ gây tội ác bởi vì nỗi bất an.

Vụ việc ở cầu vượt Thái Hà đêm 8/11/2015 không phải là một vụ tai nạn thông thường. Đó là một tội ác, một tội ác đáng sợ bởi tất cả những người liên quan đến cái chết, đến sự nguy hiểm của những người vô tội đều không biết rằng mình gây tội ác. Người lái taxi gây ra cái chết cho một người, và làm bị thương hàng chục người khác chỉ vì sợ hãi cái chết đến với mình. Còn những người tạo ra nỗi sợ hãi chết người của tài xế taxi thì hồn nhiên ghi hình và chia sẻ lên mạng xã hội như là một chiến công. Tất cả những nạn nhân đều không thể biết số phận của họ bị đe dọa như thế nào, và tội ác xảy ra bất thình lình không dấu hiệu.

Tội ác sinh ra từ nỗi sợ luôn là thứ tội ác đáng sợ nhất. Người ta thường nói rằng ở những cộng đồng có nhiều bạo lực thì người dân bất an, song, tôi cho rằng ngược lại mới đúng. Ở những cộng đồng mà người dân càng bất an thì bạo lực càng dễ dàng xuất hiện. Những vụ bạo lực ghê gớm nhất thường được gây ra bởi những người yếu đuối. Họ gây ra tội ác trong những tình huống mà lý trí bị mất kiểm soát trong nỗi sợ, và không ai có thể nhận ra những dấu hiệu để mà phòng tránh.

Phạm Trung Tuyến (Nhà báo)

Đăng theo Facebook Phạm Trung Tuyến. Tựa bài do TTVN đặt. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.

Xem thêm: