Có một câu nói của Benjamin Franklin – một trong những người cha lập quốc của Hoa Kỳ – mà mọi người hay nhắc, đại ý rằng, trong thế giới này, không điều gì là chắc chắn ngoại trừ hai thứ là cái chết và thuế.

danh thue
(ảnh: Shutterstock)

Đóng thuế là nghĩa vụ của người dân trong một đất nước. Nhà nước thu thuế người dân để thực hiện các nhiệm vụ vì quyền lợi chung của nhân dân mà mỗi cá nhân không thể làm nổi, ví dụ như trang bị cho quốc phòng, hệ thống phòng ngừa dịch bệnh, hệ thống cơ sở hạ tầng, và đi xa hơn nữa là hệ thống phúc lợi xã hội nhằm phân phối và chia sẻ lợi ích giữa những cá nhân trong trong cùng một đất nước với nhau.

Riêng đối với giới kinh tế gia, có một câu hỏi rằng đâu là sự tối ưu của việc đánh thuế. Trong suốt một thời gian dài, mức thuế tối ưu đã trở nên là một lĩnh vực nghiên cứu đầy tiềm năng thu hút nhiều nhà nghiên cứu, với đủ các mô hình từ tĩnh đến động.

Việc quyết định đánh thuế hay không giờ đây nó không chỉ còn là để làm tối ưu bài toán trong nước nữa, mà nó còn phụ thuộc vào tư tưởng quản trị quốc gia và sự cạnh tranh giữa các quốc gia với nhau trong việc thu hút các nguồn đầu tư, thu hút giới nhà giàu đến định cư, và thu hút cả những người già đến dưỡng lão. Dưới đây là vài ví dụ.

Na Uy là một quốc gia Bắc Âu, và cũng như các nước Bắc Âu khác nổi tiếng về mức thuế cao, tuy vậy, để cạnh tranh, từ cuối thập niên 1980s, họ đã giảm thuế xuống còn 28%, và trong 5 năm gần đây liên tục giảm xuống 27%, rồi 25% năm 2016, và 24% vào năm 2017. Mức giảm thuế như vậy vừa giúp kích thích nền kinh tế, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư, lại ngăn ngừa các doanh nghiệp công nghệ bỏ chạy sang các nước xung quanh.

Ở Hoa Kỳ, một phần trong các lý do các công ty của Hoa Kỳ không mặn mà đầu tư trong nước trước đây mà chuyển sang nước ngoài vì lý do thuế. Mức thuế trước đây là 35% cho các doanh nghiệp – thuộc hàng những nước cao nhất trong các nước phát triển. Vì lý do đó mà các công ty công nghệ ở Hoa Kỳ tìm cách lách thuế, chuyển các hoạt động tài chính sang các nước như Ireland. Mức thuế cao này cũng làm chùn chân các công ty nước ngoài muốn đầu tư ở Hoa Kỳ. Và hậu quả là họ chọn đầu tư ở các nước châu Âu như Anh, Ireland. Sau khi Hoa Kỳ giảm thuế từ 35% xuống còn 21% thì các bộ trưởng tài chính của khoảng 5 nước lớn châu Âu phản đối trong một lá thư gửi Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ. Vì sau khi Hoa Kỳ giảm thuế như vậy thì đột ngột trở thành một trong những nước phát triển có thuế doanh nghiệp thấp nhất, và các công ty châu Âu sẽ tìm cách chuyển cơ sở sang hoạt động ở Hoa Kỳ. Châu Âu cho rằng đây là cách cạnh tranh không công bằng.

thu thue
So sánh mức thuế doanh nghiệp của Hoa Kỳ với các nước phát triển khác trước khi Hoa Kỳ giảm thuế. (Nguồn: Business Insider)

Kinh tế cổ điển cho rằng mức thuế đối với các sinh lời từ đầu tư tài chính (capital gain tax) tối ưu thì phải bằng không. Điều này ám chỉ rằng cứ để dòng tài chính tự do di chuyển, và như vậy, nó sẽ tự động chuyển đến những nơi nào tối ưu nhất, tức sinh lời nhiều nhất, cũng đồng thời là công ty tiềm năng mang lại giá trị cao nhất cho nền kinh tế.

Trên thế giới hiện nay, chỉ có một số ít các quốc gia không đánh thuế lên mức sinh lời từ đầu tư tài chính, và một trong số đó là Singapore. Sự không đánh thuế lên mức sinh lời tài chính này còn có một hàm ý nữa, đó là nhờ làm vậy mà Singapore thu hút được giới siêu giàu tới định cư ở Singapore. Giới siêu giàu chỉ việc định cư sinh sống ở Singapore, gửi các khoản đầu tư từ thị trường tài chính khắp nơi trên thế giới, và an nhàn hưởng trọn khoản sinh lời mà không phải trả chính phủ Singapore một xu, trừ khi bạn là người Mỹ. Là người Mỹ thì bạn có chạy khắp thế giới thì các khoản sinh lời của bạn đều phải đóng thuế. Chính vì lý do đó mà nhiều nhà giàu người Mỹ chạy khỏi nước Mỹ và từ bỏ luôn quốc tịch Mỹ, chỉ để trốn thuế.

Eduardo Saverin, một đồng sáng lập Facebook và là một tỷ phú gốc Mỹ, là một người như vậy. Anh ta đã từ bỏ quốc tịch Mỹ và giờ sống an nhàn ở Singapore. Đổi lại, khi giới siêu giàu sống ở Singapore thì trả các khoản thuế khác cho chính phủ Singapore như thuế tiêu dùng, thuế thu nhập nội địa, thuế tài sản nhà ở, thậm chí đầu tư cho sự phát triển của Singapore. Một ảnh hưởng khác là sự xuất hiện của giới siêu giàu sẽ đi kèm với nó là sự tăng giá nhà ở, và một cách gián tiếp giúp làm giàu cho Singapore và ngân sách chính phủ.

Một nước khác không đánh thuế lên mức sinh lời từ đầu tư tài chính, và cũng như Singapore, không đánh thuế đối với các khoản thu nhập ở nước ngoài, đó là Costa Rica. Trước đây, Costa Rica, một nước Nam Mỹ với dân số chỉ có gần 5 triệu người, từng là một nước nghèo và bất ổn chính trị. Costa Rica sau đó đã thực hiện một số cải cách cơ bản. Họ bỏ quân đội sau cuộc nội chiến vì quân đội thường lợi dụng để khuynh đảo chính trường. Số tiền đầu tư vào quân đội thì họ chuyển sang đầu tư vào giáo dục và y tế. Chỉ trong vòng 50 năm, họ đã trở nên là một thành công ở khu vực Nam Mỹ khi có lực lượng lao động có trình độ, nói được song ngữ Tây Ban Nha – Anh, và một nền y tế tiên tiến.

Họ thực hiện thêm 3 điều nữa, đó là xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường, và bãi bỏ thuế đối với các khoản thu nhập có nguồn gốc từ nước ngoài — tức các khoản thu nhập do bạn cho thuê nhà hay đầu tư tài chính ở bên ngoài Costa Rica thì bạn không phải đóng thuế. Họ làm điều này để làm gì? Để đón dòng người già từ Hoa Kỳ và châu Âu sang định cư, dưỡng lão. Những người già, hoặc người giàu muốn nghỉ hưu sớm chuyển qua Costa Rica – một nơi được mệnh danh là thiên đường nhiệt đới với những bãi biển và thiên nhiên trong lành cùng với mức sống rẻ – sinh sống, mua nhà đất, đầu tư, chi tiêu, thúc đẩy nền kinh tế của họ. Chỉ với những chính sách đơn giản như vậy nhưng đòi hỏi những nỗ lực chính trị ghê gớm, giờ đây Costa Rica đã trở thành một Thuỵ Sĩ của châu Mỹ, thuộc một trong những đất nước hạnh phúc nhất thế giới.

Trên đây là những câu chuyện mà hàm ý của nó hy vọng sẽ giúp những nhà chính sách Việt Nam rút ra những kinh nghiệm về chính sách thuế và nhanh chóng cải tổ.

Nguyễn Huy Vũ
19/4/2018

Xem thêm: