Ngày 15/10, một cư dân mạng Hồng Kông thường giúp đỡ những người biểu tình tại tiền tuyến, đã đăng tải một bài viết kể câu chuyện cảm động về cậu thiếu niên 15 tuổi vì kiên trì kháng nghị, có nhà mà không thể về, phải lưu lạc nơi đầu đường xó chợ.

Hồng Kông
Người biểu tình Hồng Kông cùng giơ bàn tay xòe 5 ngón để biểu thị với chính phủ rằng “5 yêu cầu không thể thiếu một”. (Ảnh: ShutterStock)

Tác giả nhớ lại, vào một ngày tháng 9, lúc hơn 3 giờ đêm, bạn bè kể với cô ấy rằng đã nhìn thấy một cậu bé đang ngủ trên chiếc ghế đá dài tại một khu nhà. Cô ấy nghĩ có thể là “một đứa trẻ cần được giúp đỡ”, ngay lập tức cô cầm một bộ quần áo và một chiếc khăn quàng cổ chạy đi ngoài. Bạn bè gửi cho cô bức ảnh của cậu bé, là một bức ảnh khiến lòng người xót xa. Cậu bé mặc chiếc áo cánh mỏng và quần đùi, hơi co mình lại, dùng cánh tay làm gối, hành trang vẻn vẹn chỉ có một chiếc ba lô, yên lặng nằm nghiêng người.

Xuống xe tìm thấy cậu bé, cô nhẹ nhàng ngồi bên cạnh, rất nhanh, cậu bé tỉnh dậy, đôi mắt mơ màng mở to dò xét nhìn cô. Sau khi chia sẻ, cậu bé nói với cô rằng: “Ba mẹ đã khoá thêm một ổ khoá đóng cửa sắt lại, nên em có chìa khoá cũng không vào nhà được, chỉ có thể nằm trên ghế đá qua đêm, đợi trời sáng rồi đi học.”

Cậu kể rất nhiều chuyện trong nhà, về bạn học và cuộc biểu tình: “Em muốn làm nhân viên cứu hộ. Tại hiện trường mịt mờ khói bụi vào đợt tháng 7, có một anh bước tới, hỏi xem có thể rửa mắt cho anh ấy không, em đã rất vui được giúp anh ấy.”

Cậu bé mở chiếc ba lô bên cạnh ra, trong đó chỉ có chút thuốc trị liệu, đa phần đều là những thứ cậu bé nhịn ăn nhịn uống tiết kiệm tiền lẻ mua được. “Lúc nghỉ hè, em chỉ được ăn một bữa buổi tối. Sau đợt nghỉ hè, hàng ngày em nhất định phải ăn hết sạch suất cơm trưa tại trường, vì buổi tối chưa chắc đã có cơm ăn. Ba mẹ yêu nước nên từ trước khi nghỉ hè đã cắt tiền tiêu vặt của em. Một chị lớn hơn em 2 tuổi thi thoảng cũng đi làm thêm kiếm thêm và chia cho em 40 đô la Hồng Kông (tương đương 120.000 VNĐ), coi như tiền tiêu vặt một tuần của em. Thế là em vẫn còn may mắn mua được sữa Vitasoy nhét cho đầy bụng!”

Cậu bé còn kể với cô rằng, sự kiện ngày 21/7 đã đánh thức “hạt giống cách mạng” trong tâm em. Cậu bé từ cương vị là một cứu hộ viên, càng ngày càng tiến càng bước về phía trước. Hiện giờ cậu đã trở thành một người biểu tình nơi tiền tuyến. “Em dùng cánh tay bị thương của mình giành giật những người anh em với bọn khủng long thần tốc. Em đã giải cứu anh ấy thành công.” Cậu bé kể tỷ mỷ về mỗi trận chiến nơi tiền tuyến như một điều trân quý.

Sau khi trời sáng, cô gái mời cậu bé ăn sáng. Ngồi tại nhà ăn đông người chen chúc, ánh mắt cậu lộ vẻ mất tự nhiên. Khi mời cậu ăn sáng cậu liên tục nói khẽ: “Không cần đâu ạ, em ăn rất ít là đủ rồi, hay là chị chia cho em một cái bánh bao là được.”

Cô gái gọi cho cậu bé một bữa ăn sáng đầy đủ, hy vọng bữa sáng có thể khiến cậu bé cảm nhận được rằng ánh mặt trời ấm áp cũng đang soi sáng cho cậu. “Em ăn trước đi, đừng đợi chị!” Mặc cô ấy nói thế nào, cậu bé vẫn kiên quyết đợi đến khi bữa sáng của cô ấy được mang tới mới cùng ăn. Quả là một cậu bé ngoan lễ phép, hơn nữa còn rất biết tôn trọng người lớn tuổi!

Quả nhiên đúng như lời cậu bé nói, dẫu tối qua không ăn tối, cậu cũng chỉ có thể ăn hết phân nửa suất ăn sáng. Cô gái liên tục khích lệ cậu ăn nhiều hơn, đổi lại là câu trả lời cứa lòng: “Mỗi ngày em chỉ được ăn một bữa, nên dạ dày của em cũng quen với một lượng thức ăn nhỏ. Bữa sáng hôm nay đã rất phong phú rồi ạ, tiếc là không thể gói phần dư lại làm bữa tối.”

Sau bữa sáng, cô gái tiễn cậu bé, cậu đã trở thành học sinh đầu tiên đợi bác lao công mở cổng trường ngày hôm đó.

Vài ngày sau, sau khi cậu bé tiếp tục tham gia hoạt động biểu tình, cậu lại không thể trở về nhà. Cô gái tìm cho cậu bé chỗ ở tạm, nhìn cậu bé đắp chăn ngủ say cô gái mới định rời đi. Nhưng cậu bé ngủ không hề an giấc, hai tay nắm chặt tấm chăn, cuộn chặt mình, nằm nghiêng. Cặp lông mày nhíu lại như thể trong giấc mơ đã xuất hiện một thứ rất đáng sợ.

hong kong rao chan
Người biểu tình dựng các rào chắn trên đường, ngày 6/10/2019 (Ảnh: inmediahk.net)

Cho đến một hôm, cậu bé bị mất liên lạc, hỏi han trong số vài người bạn ít ỏi của cậu cũng tìm không rõ tung tích. Trong tâm cô lo lắng rốt cuộc chuyện gì đến cũng sẽ đến: Cậu bé nằm trong danh sách bị bắt giữ.

Cô gái lập tức thông báo cho luật sư tình nguyện giúp đỡ. Khi chờ đợi suốt 48 tiếng, trong đầu cô không ngừng luân chuyển cảnh cảnh sát lạm dụng bạo lực như thể xem trên truyền hình trực tiếp. Bất giác cô gái tưởng tượng không biết liệu cậu bé có trở thành một trong số những người biểu tình bị bạo lực ngược đãi hay không? Thái độ cương nghị của cậu liệu có khiến cảnh sát liên tục ngược đãi cậu? Thân thể 15 tuổi yếu ớt ấy liệu có đủ sức chịu đựng sự giày vò về tinh thần của cảnh sát? Liệu cậu bé có được bình an, khoẻ mạnh quay trở về? Quả thực cô gái không dám nghĩ tiếp.

“Em ra ngoài rồi! Em lại tiếp tục biểu tình!” Sau khi được bảo lãnh tại ngoại, cậu bé mượn điện thoại của luật sư gọi cho cô, nghe giọng cậu bé nghèn nghẹn. Kìm nén những giọt nước mắt, cô gái an ủi cậu bé, liên tục hỏi xem cậu có bị ngược đãi không. Dẫu cậu bé đảm bảo rằng mình không bị thương, cô vẫn kiên quyết phải gặp được cậu bé mới yên lòng.

May mắn thay, khi bị bắt cậu bé chỉ bị thương nhẹ. Trong thời gian đợi bảo lãnh, cậu không bị đối đãi như cầm thú. Nỗi lo trong lòng cô tạm lắng xuống, nghĩ tới việc cậu bé sẽ phải đối mặt với hai tội danh hình sự, cô gái cảm thán không biết phải làm sao mới khiến em không cảm thấy cô độc?

Trong cuộc điện thoại báo bình an, sau khi bình tĩnh lại, cậu bé nói ra lời thề với bản thân và với Hồng Kông. Cậu nói: “Em sẽ không vì lo sợ tương lai sẽ bị kết án hình sự mà dừng lại. Em sẽ dùng tuổi thanh xuân của em làm vốn chống lại kẻ độc tài muốn thôn tính Hồng Kông. Dẫu tội hình sự nhiều thế nào cũng không thể khiến em khiếp sợ mà thoái lui. Hồng Kông đã yêu em 15 năm, em sẽ dùng 15 năm trong tương lai để đổi lại bằng những cuộc biểu tình. Em muốn khi em 30 tuổi và mãn hạn tù, em sẽ vẫn cảm nhận được đây là Hồng Kông mà em yêu nhất! Em, xin thề không cúi đầu.”

Cuối cùng tác giả nói, những đứa trẻ Hồng Kông dùng cách của mình để biểu đạt tình yêu với Hồng Kông, trực tiếp, sâu sắc hơn cả những người trưởng thành. Các em nguyện xả thân để bảo vệ Hồng Kông. Liệu chúng ta vẫn sẽ để biết bao đứa trẻ nữa phải một mình đối diện với trách nhiệm mà lẽ ra những người trưởng thành phải gánh vác? Chúng ta phải giằng xé bao lâu, dẫm đạp lên biết bao giọt nước mắt mới học được cách không chịu cúi đầu như tụi trẻ?

Minh Tú

Xem thêm: