Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump lâu nay dường như vẫn nghĩ rằng gây sức ép với Trung Quốc để kiềm chế Kim Jong-un là cách tốt nhất đẩy lùi Bắc Triều Tiên mở rộng chương trình hạt nhân và tên lửa. Nhưng thực tế, chế độ Bình Nhưỡng ngày càng tiến xa hơn và hiện tại nước này đã thử thành công tên lửa xuyên lục địa (ICBM) có thể vươn tới tiểu bang Alaska, Hoa Kỳ. Bắc Kinh gần như không làm được gì để ngăn cản tham vọng hạt nhân và tên lửa của chế độ nhà Kim. Cách tiếp cận của ông Trump đã sai ở đâu?

Dựa vào Trung Quốc để kiềm chế Bắc Triều Tiên, thực tế gần đây đã chứng minh là một cách tiếp cận sai, và có một lý do để giải thích cho việc này là: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không có lý do mạnh mẽ nào để không chấp nhận việc Bình Nhưỡng dùng chính sách ‘ô hạt nhân’ chống lại nguy cơ bị Hoa Kỳ lật đổ.

Trung Quốc đánh giá sự ổn định khu vực là điều tối quan trọng cho việc phát triển thương mại. Do đó, chế độ Bắc Kinh không muốn có một cuộc chiến tranh hạt nhân xảy ra ở ngay ‘sân sau’ của mình. Trung Quốc cũng không thể đạt được lợi ích gì khi chế độ nhà Kim sụp đổ và lúc đó Hàn Quốc – đồng minh của Mỹ mới là nước chịu trách nhiệm quản lý đất nước Triều Tiên thống nhất. Trung Quốc cũng nhận thấy rằng Hoa Kỳ thực tế không thể tấn công vũ trang Bắc Triều Tiên vì khi đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của nhân dân Hàn Quốc và kể cả lính Mỹ đang đồn trú tại miền Nam.

Kết quả là Trung Quốc không mất gì nhiều khi Bắc Triều Tiên mạnh mẽ hơn. Thậm chí khi Bình Nhưỡng mạnh, Bắc Kinh sẽ đạt được mục đích chiến lược là ‘vùng đệm” của họ sẽ càng trở nên bất khả xâm phạm hơn.

Để hiểu được trò chơi địa chính trị đang diễn ra như thế nào, hãy bắt đầu với những nỗ lực của ông Trump. Ông bắt đầu bằng việc hướng sự chú ý tới lập trường hiếu chiến của Bắc Triều Tiên, điều mà ông không hề ngạc nhiên. Chế độ Kim Jong-un muốn được chú ý, muốn thử ý chí của chính quyền Trump mới tiếp quản Nhà Trắng và muốn dạy cho chính quyền mới bài học rằng nước Mỹ không thể làm được gì nhiều khi phải đối đầu với một nước có sức mạnh hạt nhân.

Ông Trump đã phản ứng với sự khiêu khích của Bình Nhưỡng bằng việc chuyển hướng sang Trung Quốc. Tổng thống Mỹ đăng tweet rằng Bắc Kinh sẽ đạt được lợi ích về các thỏa thuận thương mại mới với Washington nếu nước này chấp nhận “giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên”.

Nhưng vài tháng trôi qua và không có điều gì xảy ra. Trung Quốc không cần thêm lợi ích thương mại từ Mỹ vì thực tế đòn bẩy thương mại của họ với Washington đã đủ mạnh mẽ rồi. Ông Trump đã mơ hồ về những lợi ích đó. Cuối cùng, ông chủ Nhà Trắng qua Twitter đã bày tỏ sự thất vọng của mình với việc Trung Quốc chưa giúp được gì trong vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Tiến trình từ kỳ vọng tới thất vọng của ông Trump đã gửi tới Bình Nhưỡng tín hiệu rằng Tổng thống Mỹ đã nhận ra ông ta không thể làm được gì nhiều hoặc chính bản thân chế độ Kim Jong-un giải mã tiến trình đó như thế và đưa ra phản ứng bằng cách tiếp tục thử tên lửa. Trớ trêu thay, cuối cùng Bắc Triều Tiên lại thử thành công ICBM, một thành công lớn cho chế độ vốn thường xuyên thất bại trong các vụ phóng thử đạn đạo.

Ông Trump một lần nữa lại hướng trực tiếp sự chú ý vào Trung Quốc sau khi chế độ nhà Kim thử thành công ICBM. Nhưng lần này là một lời đe dọa chứ không phải thêm những ngôn từ ngọt ngào. Ông Trump đã tweet rằng Hoa Kỳ không nên giao thương với các nước không giúp được gì mình và lưu ý về việc thương mại giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đang tăng mạnh trong quý I/2017 – thực sự có thể là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang cố gắng tăng cường quan hệ với Bình Nhưỡng để đạt được đòn bẩy trên bàn đàm phán với Mỹ.

Đại sứ của Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc (LHQ), bà Nikki Haley cũng đẩy mạnh áp lực lên Trung Quốc. Bà Haley đe dọa đề xuất với Hội đồng Bảo an LHQ lệnh trừng phạt mới với Bắc Triều Tiên. Điều này sẽ đẩy Trung Quốc vào tình thế bối rối khi phải thực hiện quyền phủ quyết trước động thái mới này của Mỹ.

Bắc Triều Tiên không có động cơ nào để quay lại bàn đàm phán. Mối quan tâm của Bình Nhưỡng là phát triển các loại vũ khí cần thiết để ngăn chặn bị tấn công. Vũ khí thông thường của miền Bắc đã là mối đe dọa với Seoul và khi có vũ khí hạt nhân sức răn đe của Bắc Triều Tiên với miền Nam càng được củng cố.

Nếu Bắc Triều Tiên vận hành đất nước theo phương thức có thể đạt lợi ích từ hoạt động thương mại khu vực và quốc tế, nước này đã có thể đàm phán với quốc tế một thỏa thuận tạm dừng việc sở hữu vũ khí, giống như nhũng gì chế độ Iran đã cam kết với chính quyền của Tổng thống Barack Obama. Iran khác Bắc Triều Tiên vì nước Cộng hòa Hồi giáo này chưa phát triển được năng lực tấn công hạt nhân đáng kể, nên họ có thêm động lực để tiến tới đồng ý một thỏa thuận dừng tham vọng hạt nhân.

Chế độ Kim Jong-un thì khác, nước này gần như không tham gia vào nền kinh tế toàn cầu, ngoại trừ các giao dịch với Trung Quốc. Triết lý nền tảng ‘Chủ thể’ (Juche) của chế độ nhà Kim về cơ bản là tự trị, tự túc. Do đó, Bắc Triều Tiên không bị ảnh hưởng bởi những động lực tích cực từ bên ngoài.

Ở chiều hướng ngược lại, Trung Quốc muốn trở thành một nhân tố toàn cầu có trách nhiệm và  không muốn xảy ra chiến tranh trong khu vực dẫn tới bất ổn. Sai lầm của ông Trump là nghĩ rằng có thể tận dụng mong muốn này của Bắc Kinh để chuyển thành động cơ đưa lên bàn cân đàm phán với Trung Quốc trong vấn đề Bắc Triều Tiên.

Trung Quốc biết rằng mục tiêu cuối cùng của phương Tây sẽ là thay đổi chế độ tại Bình Nhưỡng. Sau đó, có thể dẫn tới thống nhất hai miền Triều Tiên. Và viễn cảnh là sẽ có hàng ngàn quân Hoa Kỳ đồn trú tại Hàn Quốc, điều mà Trung Quốc coi là mối nguy hiểm rất lớn với mình.

Chủ tịch Tập Cận Bình đang trong tiến trình mở rộng vị thế chiến lược khu vực và toàn cầu của Trung Quốc. Ông Tập không muốn đưa cho Hoa Kỳ một cơ hội để thực hiện một động thái chống lại chiến lược đó, trừ khi đó là lựa chọn cuối cùng. Vì lý do đó, chế độ Trung Quốc rất cần Bắc Hàn để làm đòn bẩy duy trì sự ổn định.

Do đó, đừng hy vọng những lời de dọa của ông Trump với Trung Quốc sẽ đạt được bất kỳ hiệu quả nào tốt hơn những lời ngon ngọt của chính ông dành cho ông Tập và chế độ Bắc Kinh trước đây.

Điều duy nhất mà sẽ có thể làm thay đổi Trung Quốc là một lời đe dọa khả tín về một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Nhưng ông Tập có thể chắc chắn ông Trump sẽ không đi quá xa. Một cuộc chiến tranh như vậy sẽ gây thiệt hại rất lớn về người cho cả Hàn Quốc và binh lính Mỹ trong khu vực.

Bây giờ trước mặt Tổng thống Trump và Hoa Kỳ sẽ chỉ còn hai sự lựa chọn: Nhượng bộ để ngồi vào bàn đàm phán với Bắc Hàn và Trung Quốc hoặc phát động chiến tranh để chấm dứt mối nguy hại hàng đầu cho an ninh nước Mỹ và đồng minh.

Tác giả: Noah Feldman

Noah Feldman là một nhà bình luận của tờ Bloomberg View. Ông là giáo sư luật hiến pháp và luật quốc tế tại Đại học Harvard và là từng thư ký của Thẩm phán David Souter của Toà án Tối cao Hoa Kỳ. Ông đã xuất bản 7 cuốn sách, trong đó có cuốn  “Ba vai trò của James Madison: Thiên tài, Đảng viên, Tổng thống” và cuốn “Chiến tranh lạnh: Tương lai của Cạnh tranh Toàn cầu”.

Xuân Thành (dịch)

Xem thêm: