“Chúng ta ăn quá nhiều bởi vì những thứ mà ta thực sự thèm muốn không cách nào tìm thấy trong tủ lạnh”. 

Gluttony 2
Bức tranh Gula (Thói phàm ăn) của tác giả Pieter Bruegel the Elder (Ảnh: Wiki)

Một vấn đề của thế giới hiện đại là một phần đáng kể trong chúng ta ăn quá nhiều. Để đáp ứng cơn thèm ăn, nhiều ngành công nghiệp khổng lồ đã ra đời và ngày càng phát triển. Hằng ngày, họ ra rả khuyên chúng ta nên ăn nhiều hơn các loại sản phẩm tốt cho sức khỏe: như diêm mạch, hạt lựu, salad rau quả, súp táo và canh cải. Một số loại thực phẩm “ăn càng nhiều càng tốt”.

Nhưng những người này đã hoàn toàn sai lầm về nguyên nhân tại sao ta lại ăn quá nhiều. Điều đó không có gì liên quan tới thức ăn, vì thế việc cố gắng thay đổi chế độ ăn không phải là phương hướng chúng ta cần tập trung nhiều nỗ lực vào. Chúng ta cuồng ăn bởi thứ mà ta thực sự khao khát không có sẵn trên giá bếp, trong tủ lạnh, trong nhà hàng hay trên kệ giá siêu thị.

Tất nhiên, thực tế là dường như mọi thứ ta muốn ta đều dễ dàng trong tầm với. Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trở thành thánh điện trong một xã hội tôn thờ chủ nghĩa tiêu dùng, các cửa hàng đủ loại không ngừng nỗ lực để làm ta thỏa mãn.

Quý bà quý ông có muốn dùng thử món tôm hùm hảo hạng không? Hay một phần rau trồng ngay vườn trộn với dầu ô liu nhập khẩu từ tận một nông trại trên dãi núi Pi-rê-nê trong trẻo?

Nhưng nếu ta thực sự có thể lựa chọn bất cứ điều gì, phải chăng đó nên là một thực đơn hơi khác?

Chẳng hạn:

Một cuộc nói chuyện không căng thẳng với cha, rưới nước sốt “tha thứ”.

Sự quan tâm ân cần, dịu dàng của mẹ (phù hợp với những khách hàng đang thực hành chế độ ăn “không phán xét”).

Một tình bạn trọn vẹn, phục vụ cùng những câu bông đùa hơi gượng cùng cuộc trêu đùa trìu mến.

Một cuộc nói chuyện thú vị, rắc thêm vài mẩu chuyện phiếm hài hước (phần cho 2 người).

Và món tráng miệng, có lẽ: Một thìa lớn sự sáng suốt phết mật ong.

Hoặc là (món đặc biệt của gia chủ) một giây phút tan chảy của lòng trắc ẩn pha thêm nước mắt của thấu hiểu.

Nói cách khác, thức ăn không phải là thứ chúng ta thèm muốn.

Thực đơn của tất cả nhà hàng hiện nay, bất kể sang trọng đến mức nào, cũng chỉ thỏa mãn được chúng ta những khẩu phần nhỏ mọn. Ngành công nghiệp thực phẩm họ hiểu và đáp ứng được một phân khúc chật hẹp nhu cầu tiêu dùng thực sự của chúng ta.

Nhưng ngược lại, chúng ta cũng chẳng hiểu bản thân mình. Trong các cuộc giao lưu, ta nói quá nhiều về thức ăn và đồ uống mà quá ít về những thèm muốn thực sự của bản thân. Ta không cần nhiều pizza, pho mát Tây Ban Nha, mỳ Ý hay bít tết Argentina. Cái ta cần là tình bạn chân thành để gửi gắm những bí mật khó nói nhất, để được lắng nghe và tha thứ; ta cần tiếng nói tin tưởng giúp ta bình tĩnh trong những thời khắc khó khăn, an ủi rằng ta có thể đứng vững trước những cơn bão tố sắp đến. Trong một thế giới thừa mứa thức ăn, ta đều cô đơn và tức giận trên chính bàn tiệc với gia đình và trong ta đang kêu khóc được chia sẻ, chuộc lỗi và chăm sóc.

Hoặc chúng ta cần ai đó có thể giúp ta phát hiện ra tài năng thực sự trong công việc và đề nghị giúp ta hiện thực hóa tiềm năng thực sự của bản thân.

Ta biết rằng khi với tay tới những bịch khoai tây chiên hay chiếc bánh hamburger chế biến sẵn, vấn đề của ta không biến mất. Nhưng ta lại không biết phải làm sao trong khi cái tủ lạnh ngay đằng kia có thể cung cấp cho ta sự thỏa mãn khỏa lấp tạm thời.

Ta ăn quá nhiều bởi vì chúng ta ghét bản thân mình tới mức không có lý niệm nào về tôn trọng sự khỏe mạnh của cơ thể chính mình. Bi kịch của ta không phải là cơn thèm ăn không kiềm chế được, mà là ta không cách nào chạm tới những thứ thuộc về tinh thần và xúc cảm mà ta cần để nuôi dưỡng tâm hồn đang rạn nứt của mình.

Sự thừa mứa thức ăn dẫn đến sự phát triển của ngành công nghiệp ăn kiêng – nhưng những chuyên gia dinh dưỡng này chỉ hiểu được triệu chứng của việc ta không hạnh phúc chứ không phải nguyên nhân – và vì thế giải pháp họ đưa ra chỉ có tính tạm thời và mong manh. Ăn kiêng không giúp chúng ta gầy đi và giữ dáng trong thời gian lâu dài, bởi nó không động chạm tới nguyên nhân gốc rễ khiến ta điên cuồng ngấu nghiến đồ ăn.

Vài trăm năm trước, phần lớn nhân loại gần như không thể tìm được thứ ngon miệng để ăn. Về sau này, một lượng lớn tài năng và nguồn lực của nhân loại được dùng để tạo ra những thứ hòng thỏa mãn vòm miệng của chúng ta. Và chúng ta đã thành công vượt ngoài những kỳ vọng điên rồ nhất. Nhưng trong rất nhiều lĩnh vực khác, chúng ta gần như chưa bắt đầu nghiên cứu để sản xuất ra những thứ từ lâu mong mỏi. Những mặt hàng này, nói trắng ra là sự thấu hiểu, ân cần, tha thứ, hòa giải và tình thân. Ta ăn quá nhiều không phải bởi vì ta tham lam (điều mà chúng ta quá thường xuyên tự buộc tội bản thân), mà là vì ta sống trong một thế giới nơi cửa hàng trống trơn những nguyên liệu mà ta thật sự khao khát.

Theo Blog Động Đình Quân

Xem thêm: