Ở Australia, đôi khi có những sự cố y khoa xảy ra bị kiện ra toà án vì vấn đề đến mức rất trầm trọng hoặc các bên liên quan không đồng ý với cách giải thích và thu xếp nội bộ với nhau.

Phân xử sự cố y khoa ở xứ người…

Để đảm bảo tính công bằng, khách quan, độc lập và chính xác, toà án sẽ phán quyết dựa trên ý kiến của các chuyên gia về sự cố y khoa cụ thể đó. Toà án sẽ đưa bệnh án và hồ sơ y khoa đến nhiều chuyên gia có thâm niên, kinh nghiệm và uy tín để các chuyên gia này xem xét và cho ý kiến một cách độc lập rồi gửi về cho toà án. Thí dụ một sự cố y khoa có liên quan đến bệnh nhân tiết niệu nằm tại khoa Hồi Sức Cấp Cứu, toà án sẽ xin ý kiến của ít nhất 2 bác sĩ chuyên khoa về tiết niệu, 2 bác sĩ hồi sức cấp cứu. Ngoài ra, toà án có thể sẽ xin thêm ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa nhiễm khuẩn, ngoại tổng quát v.v…

Đến ngày xét xử, tất cà các chuyên gia này được triệu tập đến phiên toà để trình bày và bảo vệ ý kiến của mình một cách công khai minh bạch về sự cố y khoa mà toà án đang xét xử. Toà án sẽ kết luận bản án y khoa dựa trên ý kiến thống nhất của các chuyên gia về sự cố y khoa đó. Nếu các chuyên gia vẫn có các ý kiến khác nhau, toà án sẽ mời thêm các chuyên gia khác để cùng tiếp tục thảo luận. Cứ thế cho đến khi có sự đồng thuận cao nhất để toà có thề dựa vào đó mà tuyên án. Trong quy trình lấy ý kiến chuyên gia đó, hầu như luôn có sự tham gia của các chuyên gia Hồi sức Cấp cứu (HSCC) vì đa số các bệnh nhân nặng đều được gửi đến điều trị hoặc kết thúc tại khoa HSCC. Mặc khác, các chuyên gia HSCC còn có kiến thức y khoa tổng quát liên quan đến nhiều chuyên ngành nội khoa nên sẽ có nhiều thuận lợi khi phân tích và tổng hợp các sự cố y khoa liên quan đến nhiều chuyên ngành khác nhau.

Cảnh sát và các thám tử có thể tham gia vào vụ án nhưng vai trò của họ dừng lại ở mức độ truy tìm và bảo vệ các bằng chứng và nhân chứng. Họ không can thiệp vào ý kiến của các chuyên gia y khoa và quyết định của toà án. Không có một cá nhân hay đảng phái chính trị nào, dù đang cầm quyền, có thể can thiệp vào ý kiến của các chuyên gia y khoa và toà án.

Không ai được xem là có tội hay bị giam vào nhà tù cho đến khi có phán quyết của toà án.

Như vậy, thực chất kết luận của toà án về một sự cố y khoa là kết luận đồng thuận của các chuyên gia y khoa có kinh nghiệm và uy tín thuộc các chuyên ngành có liên quan đến sự cố y khoa đó.

Ngoài ra còn có rất nhiều sự giám sát và ý kiến của các hội đoàn y khoa độc lập nhằm đảm bảo sự công bằng và quyền lợi cho bên nguyên cáo và bên bị cáo. 

Chuyện xứ ta…

Vụ án bác sĩ Hoàng Công Lương liên quan đến một sự cố y khoa nhưng xảy ra ở Việt Nam với mọi việc diễn ra một cách hoàn toàn khác.

Bác sĩ Lương làm việc lại Đơn nguyên thận nhân tạo thuộc khoa Hồi sức Tích cực tại BVĐK tỉnh Hòa Bình. Sự cố y khoa xảy ra khi Bs Lương ra chỉ định chạy thận nhân tạo định kỳ cho bệnh nhân. Nguyên nhân sự cố được cho là nguồn nước chạy thận nhân tạo bị ô nhiễm khiến 18 bệnh nhân đang chạy thận đồng loạt có biểu hiện sốc, nôn mửa, rét run sau khoảng 45 phút chạy thận. Sau tai biến xảy ra đã có 9 trường hợp tử vong.

Công an ngay lập tức vào cuộc, khởi tố và bắt tạm giam bác sĩ Hoàng Công Lương để điều tra bằng các nghiệp vụ của ngành công an. Cơ quan công an cho rằng đã có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm để bắt giam bác sĩ Hoàng Công Lương dựa theo điều 242 của Bộ luật Hình sự. Bác sĩ Hoàng Công Lương bị bắt giam theo phán xét của ngành công an chứ không phải của toà án.

Việc khởi tố và bắt giữ bác sĩ Hoàng Công Lương đã gây ra một chấn động vô cùng lớn đối với các y bác sĩ trong ngành y tế Việt Nam. Ngoài chuyện công lý cho BS Lương, mọi người cảm thấy bất an vì thấy mình không được bảo vệ khi thực hiện các nghĩa vụ y khoa của người thầy thuốc. Họ thấy mình cũng có thể bị khởi tố và bị bắt giam vì các sự cố y khoa là không thể tránh khỏi và lúc nào cũng có thể xảy ra.

bs hoang cong luong, Tòa án Úc sẽ phân xử như thế nào khi xảy ra sự cố y khoa gây tranh cãi?
Bác sĩ Hoàng Công Lương khi đang thăm khám bệnh nhân. (Ảnh: FB BS Hoàng Công Tình)

Dư luận trong giới y khoa càng bức xúc khi trong một thời gian dài không thấy ý kiến chính thức ở góc độ nghề nghiệp từ Bộ Y Tế để bảo vệ bác sĩ Hoàng Công Lương. Bộ Y Tế cuối cũng cũng lên tiếng nhưng cũng ở vị trí của một cơ quan nhà nước cùng phía với Bộ Công an.

Bên cạnh rất nhiều ý kiến mang nhiều cảm xúc trên cộng đồng mạng, các chuyên gia y tế Việt Nam bắt đầu lên tiếng về vụ án BS Hoàng Công Lương ở góc độ chuyên môn, trong đó có GS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực Bệnh Viện Bạch Mai, chủ tịch Hội HSCC Việt Nam.

Chiều 2/6/2017, ngay khi sự cố xảy ra, GS.TS Nguyễn Gia Bình đã dẫn đầu một đoàn bác sĩ BV Bạch Mai đến BV Đa khoa Hoà Bình để hội chẩn trực tiếp và tìm phương án đưa bệnh nhân về Hà Nội. Ông đã tham gia giải quyết sự cố y khoa này vào thời điểm sớm nhất.

Ngay từ khi Bs Hoàng Công Lương bị khởi tố và bắt giam, với tư cách là người đứng đầu một Hiệp hội nghề nghiệp chuyên môn, GS Bình đã gửi ngay một lá thư cho Bộ trưởng Bộ Công An, nêu rõ việc truy tố và bắt giữ BS Hoàng Công Luơng là không hợp lý. Ông nêu rõ sự cố y khoa gây chết người không thuộc về trách nghiệm của BS Hoàng Công Lương và không đồng ý với việc bắt giữ BS Hoàng Công Lương (*).

Gs Bình đã có ý kiến ở vị trí một chuyên gia về HSCC. Tuy nhiên trong hoàn cảnh Việt Nam, bên cạnh uy tính của GS Bình, hành động này còn đòi hỏi một sự dũng cảm “uy vũ bất năng khuất”. Người đứng đầu Bộ Công an không hài lòng với lá thư này. Bộ Công an vào tháng 6 năm 2017 vẫn còn đầy đủ 6 Tổng Cục…

Tôi hân hạnh có dịp gặp GS Bình tại Sydney trong một kỳ nghỉ hiếm hoi của ông với gia đình sau nhiều năm ông làm việc “không có ngày phép, không có Noel, không có Tết nhất gì cả…”, khi vụ án Hoàng Công Lương xảy ra. Đó là một người đàn ông của gia đình, có tác phong chỉnh chu, ăn nói nhẹ nhàng, rất uyên bác nhưng vô cùng khiêm tốn. Cách tiếp cận vấn đề của ông cho thấy đó là một người luôn gạn đục khơi trong, hướng đến sự liêm chính và lẽ phải trong những hoàn cảnh rất khó khăn. Ông cho biết sẽ không bao giờ bỏ qua vụ án này và sẽ tiếp tục có các kiến nghị đến cùng ở góc độ của một chuyên gia HSCC.

Quả thật, ông đã tiếp tục làm như vậy. Ngày 14/1/2019, Toà án Nhân dân tỉnh Hoà Bình mở lại phiên toà xét xử BS Hoàng Công Lương. GS Bình tiếp tục tiếp tục bảo lưu ý kiến và kiến nghị để bảo vệ BS Lương ở góc độ một chuyên gia HSCC.

Ngoài ra, không thể không kể đến sự dấn thân không mệt mỏi của BS Bùi Nghĩa Thịnh để bảo vệ người đồng nghiệp của mình. Bên cạnh chuyên môn cơ bản là một bác sĩ HSCC, BS Thịnh cũng là một chuyên gia có rất nhiều kinh nghiệm về vận hành và duy trì hệ thống lọc thận trong bệnh viện.

Cảm nghĩ

Tôi muốn thể hiện sự khâm phục của mình trước những hành động để tìm ra sự công bằng và lẽ phải của GS Bình, BS Thịnh và nhiều đồng nghiệp khác trong vụ án BS Hoàng Công Lương.

Một bản án y khoa không bao giờ chính xác và có tính thuyết phục khi nó không có được sự đồng thuận từ các chuyên gia y khoa thuộc các chuyên ngành y khoa liên quan.

Trong vụ án này, ý kiến của GS Bình là ý kiến của một chuyên gia trực tiếp giải quyết sự cố. Ông cũng là người có đủ uy tín, kiến thức, và tư cách đại diện cho một hội nghề nghiệp để các cơ quan tư pháp cần lắng nghe khi xét sử vụ án có những đặc trưng riêng của nghề nghiệp y khoa.

Những gì cần nói các chuyên gia đã nói. Tuy nhiên chúng ta cũng cần có thêm những đóng góp, những tiếng nói và hành động để bảo vệ sự công bằng, lẽ phải và đồng nghiệp của mình vì “điều sau cùng chúng ta nhớ không phải là tiếng nói của kẻ thù mà là sự im lặng của bè bạn”, (“In the end, we will remember not the words of our enemies but the silence of our friends.” – Martin Luther King)

Võ Hồng Lĩnh, Bác sĩ điều trị, Khoa ICU, Bệnh viện Prince of Wales, Sydney

Theo Facebook Bác sĩ Võ Hồng Lĩnh

(*) Theo GS Nguyễn Gia Bình, BS Hoàng Công Lương không phạm tội, “bởi lẽ bác sĩ là người thực hiện công việc khám chữa bệnh khi thấy có chỉ định lọc máu và bệnh nhân đủ điều kiện thì cho thực hiện kỹ thuật lọc máu. Đảm bảo nguồn nước không phải chuyên môn và nhiệm vụ của bác sĩ vì trong quy chế chuyên môn của Bộ Y tế không có”.

Hiện tại, hơn 16. 000 chữ ký đã gửi đến tòa lần trước và gần 30.000 chữ ký điện tử gửi qua trang web phản đối quan điểm của cơ quan tư pháp Hòa Bình cho rằng BS Hoàng Công Lương có tội. 

(GS.TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam: Bác sĩ là người ‘mua xăng’, ‘bán xăng’ thuộc về bệnh viện, Báo Tiền Phong, ngày 16/1/2019)

Xem thêm: