“Như bây giờ, làm sao hiểu được là người Sài Gòn, người Việt Nam thương quý Hà Triều-Hoa Phương, thương quý Út Bạch Lan, Viễn Châu, Thanh Tòng … biết chừng nào!”

Bà ra đi lúc 23g tối qua 4/11/2016 tại nhà riêng. Sầu nữ Út Bạch Lan, cô Hương của “Nửa đời hương phấn”, và nhiều vai nữa, luôn ở trong nỗi nhớ tiếc và quý trọng của tôi, có lẽ cũng của nhiều người dân thành phố này. Là “cây đại thụ” trong làng cải lương, bà từ chối làm đơn xin phong tặng “nghệ sĩ nhân dân” (như trường hợp Thành Lộc) và cho tới khi bà qua đời, “nhân dân” thiệt luôn coi bà là nghệ sĩ của họ. Cô Út hay má Út, tiếng gọi thân thương mà nghệ sĩ lớp sau kính trọng gọi bà, người dạy họ cả trên sân khấu lẫn ngoài đời, hay tên gọi “Sầu nữ Út Bạch Lan” mới là những tên gọi mà bà thích.

Chân dung “Sầu nữ” Út Bạch Lan thời rực sáng.
Chân dung “Sầu nữ” Út Bạch Lan thời rực sáng.

Chân dung “Sầu nữ” Út Bạch Lan thời rực sáng.Ngày 24/10, dù đau ốm, bà còn lên sàn tập vỡ “Mẹ ngồi sàng gạo” của NS Bắc Sơn để chuẩn bị hát kiếm tiền trao học bổng cho con em nghệ sĩ nghèo. Qui y , ăn chay trường, bà sống vui với những chuyến đi hát và trao quà từ thiện cho những người thợ nghèo, nông dân những vùng hẻo lánh xa xôi. Hãy nghe bà , một “ngôi sao lừng lẫy” nói về sân khấu cải lương nơi bà rực sáng, thành danh:

“Tôi luôn luôn giữ trong lòng mình hình ảnh đẹp của sân khấu cải lương một thời. Để có được giai đoạn vàng son đó, cả một tập thể nghệ sĩ, họa sĩ, soạn giả, người lo phục trang, âm thanh, ánh sáng, hậu đài, ông bầu bà bầu các gánh hát… đều sống chết trọn vẹn với nghề. Tôi nhớ về những họa sĩ thiết kế sân khấu mà tôi vẫn còn giữ trong lòng sự ngạc nhiên và kính phục, họa sĩ: Phan Phan, Lô Ca… Qua bàn tay của họ, sân khấu cải lương đẹp như mơ với những hình ảnh dòng sông, con đò, thác nước thật trên sân khấu, rồi hình ảnh mái nhà tranh, những cơn mưa nhân tạo… Tất cả các kỹ thuật đó họ đều tự mày mò, dùng trí tưởng tượng và óc sáng tạo, tận dụng những nguyên vật liệu gần gũi nhất tạo nên hiệu ứng thật, mang đến cảm xúc thật cho sân khấu. Khán giả tranh mua vé hàng đầu để được đón nhận những giọt mưa thật từ sân khấu bắn xuống mặt, để được sống trong khung cảnh như mơ mà những người dàn dựng sân khấu tạo nên…”

Nhớ Út Bạch Lan, là nhớ tới cô Hương của “Nửa đời hương phấn” , vở diễn ghi một cột mốc đáng nhớ có lẽ vào năm 1960: Thành Được-Út Bạch Lan vừa chính thức kết hôn, cặp soạn giả Hà Triều Hoa Phương vừa về đầu quân cho đoàn cải lương cũng mới thay tên, đoàn Thanh Minh Thanh Nga, mà bà bầu Thơ mới đặt thay tên Thanh Minh cũ. “Nửa đời hương phấn” ra mắt, chấn động với cặp “uyên ương” Thành Được-Út Bạch Lan (báo chí hồi đó gọi “sến” vậy). Vỡ diễn còn sống nhiều năm nữa, gần gũi, thân thương với bao nhiêu thế hệ người Sài Gòn.

Hồi tôi còn làm ở báo Tuổi Trẻ, soạn giả Hà Triều đến chơi, anh than, viết tuồng giờ khó quá (sau đó, tôi chở anh đi thực tế các nhà máy bằng cái xe Suzuki dame cũ mèm và rồi …anh cũng chẳng viết được vỡ nào). Tôi nhắc “Nửa đời hương phấn” để động viên anh, còn “tếu táo” là tôi thuộc hết lớp Phụng Hoàng mà Tùng-Hương và cô Diệu (em gái Hương) gặp nhau trong ngang trái. Anh chưng hửng, thách tôi hát thử vài câu. Khó gì, tôi hát ngay, rằng…

“Dù biết em thành hôn với ai đi nữa thì chị cũng ráng về với em. Để mừng ngày em xuất giá, cho vui lòng ba với má,

Chị cũng nở mặt nở mày với lối xóm bà con.

Còn Dượng Ba đây, là một thanh niên có học thức, lại đàng hoàng,

Chị vô cùng sung sướng thấy em có một người chồng đúng như lòng chị ước mong”.

Haha, Hà Triều cười to, kinh ngạc. Anh nói, thích một tuồng hát thì mình hiểu, nhưng thuộc thì… khó hiểu nha KH!.

Anh, người soạn giả của “nhân dân”, làm sao anh hiểu được tình cảm “nhân dân” dành cho anh và tác phẩm của anh.

Như bây giờ, làm sao hiểu được là người Sài Gòn, người Việt Nam thương quý Hà Triều-Hoa Phương, thương quý Út Bạch Lan, Viễn Châu, Thanh Tòng … biết chừng nào!