“Đáng sợ: Trung quốc đang trên đường THỐNG TRỊ công nghệ toàn cầu”. Đấy là nhận định của David Dodwell, cựu nhà báo Financial Times (tờ báo London, đối trọng của Wall Street), đăng trên South China Morning Post.

kinh thien van
Kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới của Trung Quốc (Ảnh: khoahoc.tv)

Bất cứ một người dân Âu, Mỹ nào khi hỏi về công nghệ Trung Quốc, đều cười phá lên và nói rằng “Trung Quốc là quê hương của hàng nhái rẻ tiền, đầy rẫy trên những kệ hàng của siêu thị Walmart”.

Người Việt Nam chúng ta cũng thế, tất cả những gì liên quan đến Trung Quốc đều là hàng giả, hàng kém chất lượng, thua kém cả hàng Việt Nam.

Sau 2 năm liên tiếp dự hội nghị ABAC (APEC) ở San Francisco và Thâm Quyến, David Dodwell và các cộng sự đã thay đổi hoàn toàn cái nhìn về công nghệ Trung Quốc.

Cái dễ nhìn nhất là tốc độ Internet ở Thâm Quyến nhanh hơn ở San Francisco và tất cả các vụ mua sắm của các đồng nghiệp người Trung Quốc đều chỉ cần thanh toán qua chiếc điện thoại thông minh mang theo người. Người dân Trung Quốc không cần mang theo tiền mặt và thẻ tín dụng khi mua sắm. Đấy là những điều mà David Dodwell tai nghe mắt thấy.

David Dodwell nhận thấy không có một quốc gia nào mà sự bắt kịp sự bùng nổ công nghệ kỹ thuật số cũng như ứng dụng của nó với cuộc sống thường ngày của hàng trăm triệu người tiêu dùng lại thật và đáng kinh ngạc như ở Trung Quốc.

Ở Thượng Hải, có khoảng 450 ngàn xe đạp đậu xung quanh các tụ điểm trung tâm, người ta chỉ cần bật điện thoại, mở ứng dụng Mobike trên đó, quét mã QR trên xe đạp là có thể dùng nó, AliPay tính tiền sử dụng xe đạp theo giờ, có thể lấy xe ở một điểm và trả xe ở bất kỳ điểm nào mình muốn. Xe đạp được theo dõi bởi hệ thống định vị vệ tinh GPS.

Cuộc cách mạng thanh toán điện tử này ở Trung Quốc đã bỏ xa phần còn lại của thế giới. Trong khi thị trường thanh toán kỹ thuật số của Trung Quốc hiện nay lớn hơn Mỹ 50 lần.

Về CNTT, Trung Quốc đang sở hữu siêu máy tính Sunway TaihuLight có tốc độ xử lý nhanh nhất thế giới (93,015 triệu tỷ phép tính/giây, có 41.000 con chip đạt tổng 10,65 triệu vi xử lý). Trong 500 siêu máy tính mạnh nhất thế giới thì Trung Quốc có 202 chiếc, vượt Mỹ (chỉ có 144 chiếc).

Về Tàu cao tốc, Trung Quốc đã vượt mặt cả Mỹ, Đức, Pháp, Canada, Nhật. Cách đâu 2 tháng, Trung Quốc đã chính thức đưa vào vận hành thế hệ tàu Fuxing, được mệnh danh là “quái vật đường sắt”, với tốc độ di chuyển 350 km/h (vận tốc cực đại đạt 400 km/h). Trung Quốc đã ghi tên mình vào kỷ lục thế giới hạng mục tàu chạy nhanh nhất hành tinh (với tốc độ này nếu tính điểm xuất phát và điểm đến ở trung tâm Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh thì thời gian chạy tàu cao tốc đúng bằng thời gian đi máy bay).

Về lĩnh vực năng lượng, Trung Quốc đã cho ra đời trang trại năng lượng mặt trời nổi lớn nhất hành tinh tại tỉnh An Huy có công suất 40 megawatts, cung cấp đủ điện cho 15.000 hộ dân.

Về sử dụng công nghệ tài chính (FINTECH), các hoạt động chuyển tiền, thanh toán, đầu tư, cho vay, bảo hiểm, với tỷ lệ chấp nhận 69% Trung Quốc đã vượt Anh (42%) và Ấn Độ (52%) trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới. Kết quả này là nhờ phương thức chuyển tiền và thanh toán di động.

Đặc biệt, tháng 6 năm 2016 Trung Quốc đã khai trương kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới ở Quý Châu, với mục đích khám phá vũ trụ, tìm kiếm sự sống ngoài trái đất. Đây chính là thách thức nghiêm trọng phần còn lại của thế giới về khoa học công nghệ.

Ngoài ra còn một danh sách các sản phẩm công nghệ cao tại Trung Quốc như công nghệ pin lithium, dịch chuyển hạt proton lên vệ tinh cách trái đất 500km, hay mạch máu được làm từ tế bào gốc bằng công nghệ in 3D…

******

Để đạt được những điều thần kỳ đó, Trung Quốc đã đầu tư mạnh mẽ cho khoa học, công nghệ, cho nghiên cứu phát triển. Thay vì copy, ăn cắp công nghệ, Trung Quốc chuyển sang giai đoạn tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ. Từ con số 0 USD năm 2000, năm 2016 Trung Quốc đã phải trả tới 20 tỷ USD cho bản quyền sở hữu trí tuệ.

Trong cuộc CMCN 4.0, Trung Quốc xác định “Trí tuệ nhân tạo sẽ trở thành động cơ mới cho sự phát triển kinh tế”. Trung Quốc đặt mục tiêu vượt qua các đối thủ công nghệ để trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu trong vòng chưa đầy 15 năm tới.

Hiện nay, Trung Quốc đang là một trong ba nước đi đầu về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo cùng với Mỹ và Ấn Độ. Baidu đặt phòng thí nghiệm AI ở Silicom Valey, đầu tư vào công nghệ xe tự lái, còn Alibaba đang nghiên cứu dùng AI để nhận biết hàng giả bán trên trang Alibaba.

Hãng Viễn thông Huawei có đến 68.000 người làm nghiên cứu phát triển thuần tuý (chiếm 40% tổng nhân viên), những kết quả nghiên cứu của họ sẽ đặt nền tảng cho công nghệ 5G trên toàn Trung Quốc vào năm 2020. Năm 2015, Huawei đã trở thành tổ chức công bố bằng sáng chế quốc tế lớn nhất thế giới.

Năm 2014, với 928.000 bằng sáng chế mới, Trung Quốc đã vượt Mỹ (579 ngàn), Nhật Bảm (326 ngàn) trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về phát minh sáng chế.

Vĩ thanh

Là nước láng giềng có nhiều duyên nợ do lịch sử để lại với Trung Quốc, lại đang có những bất đồng về biển đảo, nên đa số người Việt Nam chúng ta có ác cảm với tất cả cái gì liên quan đến Trung Quốc.

Thế nhưng, Trung Quốc thật sự là một quốc gia “đáng sợ” đang trên đường thống trị công nghệ toàn cầu là nguy cơ có thật.

Vì vậy cách thông minh nhất là chúng ta cần có cái nhìn thực tế hơn, đầy đủ hơn về tiềm lực, sức mạnh công nghệ cũng như kinh tế của Trung Quốc. Đặc biệt là chúng ta cần học hỏi cả về tư duy, cách làm của Trung Quốc. Không có gì xấu hổ khi học hỏi những cái hay của người khác, dù đó là người mà mình không ưa.

(Tổng hợp từ South China Morning Post…)

Theo facebook Đỗ Cao Bảo

Xem thêm: