gia-dinh
Ảnh minh hoạ (pixabay)

Cặp đôi vàng Hollywood, Angelina Jolie-Brad Pitt, làm tốn không biết bao giấy mực truyền thông, và làm cả triệu con tim cả thế giới phập phồng theo tình yêu của họ, nay họ chia tay, truyền thông đương nhiên lại điên cuồng, người hâm mộ lại xốn xang.

Đọc những bình luận cả trên mạng và báo về cuộc hôn nhân này, tôi thấy nhiều câu thật quen thuộc, cả âm thanh riết róng cay nghiệt cũng rất quen kiểu: “nhân quả báo ứng” đang đến với Angelia, phá vỡ hạnh phúc người khác rồi cũng có ngày phải tự tay viết đơn kết thúc cuộc hôn nhân của mình.

Trên tất cả diễn đàn về hôn nhân – gia đình mà hầu hết thành viên là phụ nữ, đề tài ngoại tình/ly hôn bao giờ cũng nóng nhất, ngôn từ cũng luôn là gươm dao hay tên tẩm độc. Chỉ đọc bình luận về cô gái chạy khỏi đám cháy với bra trên mặt đã đủ sởn gai ốc ‘loại phò phạch cave sao không chết thiêu luôn đi’ (!)

Tôi cũng là phụ nữ có gia đình, mẹ của hai con, tôi rất hiểu tâm lý sợ bị cướp mất hạnh phúc, sợ đổ vỡ của nhiều người; nhưng tôi hoảng sợ hơn với cách giữ hạnh phúc của nhiều bà mẹ. Họ sinh con với mục đích giữ đàn ông, lôi con vào cuộc trói chân các ông chồng, riết róng cay nghiệt về những bóng ma đe dọa hạnh phúc gia đình.

Vô hình chung, những đứa con cũng bị nhiễm tính nghi kỵ, ghen ghét, ác cảm với tất cả những người phụ nữ xung quanh bố mình.

Ác nghiệt hơn, khi mục đích giữ chân đàn ông không được, nhiều đứa trẻ bị chính mẹ chúng vứt bỏ hay ghẻ lạnh; hoặc là mục tiêu để mẹ chúng trút nỗi cay đắng, hận đời. Nhiều đứa trẻ rơi vào trạng thái hoảng loạn trầm cảm, thậm chí tự tử khi bố mẹ ly hôn.

Đổ vỡ là đau khổ, giống như bệnh tật là nỗi ám ảnh; nhưng bạn không thể phòng chống đổ vỡ bằng cách xù lông cánh dựng lên những hàng rào cay nghiệt, hay phủ bóng đen mệt mỏi bất an xuống cuộc sống của mình và những tâm hồn non nớt của con. Nó chẳng giúp bạn ngăn cản đổ vỡ, mà chỉ tạo ra mầm mống tổn thương trầm trọng hơn. Giống như khi đang trẻ trung, khỏe mạnh, xinh đẹp, bạn không vui vẻ tận hưởng giây phút đó mà cứ canh cánh tưởng tượng cảnh mình bị ung thư.

Tôi chắc rằng một người mẹ vui vẻ khi biết mình ung thư sẽ khiến con mình đỡ đau khổ hơn bằng lời động viên kiểu: “mẹ con mình đã sống thật hạnh phúc, giờ con phải mạnh mẽ để sống nốt phần của mẹ”; hơn là “trời ơi đất hỡi bất hạnh quá con ơi, sao mẹ ăn ở hiền lành mà trời nỡ đày đọa mẹ thế này” sẽ khiến con càng suy sụp.

Một người mẹ an nhiên sẽ không riết róng “mấy con hồ ly cướp chồng” “đàn ông toàn bọn khốn nạn”, khiến con nhìn cuộc sống như vực thẳm; mà sẽ nói “bố mẹ đã rất yêu nhau, nhưng giờ hết yêu thì yêu người khác là chuyện bình thường; nhưng mãi mãi vẫn là bố mẹ của con, yêu thương con”. Chúng cũng sẽ thấy cuộc ly hôn không phải là ngày tận thế, bố/mẹ không phải “kẻ phản bội khốn kiếp” để từ mặt, và dễ dàng thân thiện với người mới của bố/mẹ và cuộc sống mới hơn.

Phúc đức tại mẫu, tôi nghĩ rằng không nên diễn ngôn câu này theo nghĩa kiếp này kiếp khác dài dòng, đơn giản là thái độ sống của người mẹ có tác động trực tiếp đến con. Một người mẹ khoan dung an nhiên sẽ tạo ra đứa con thanh thản, người mẹ cay nghiệt sẽ tạo ra đứa con cay đắng.

Và hãy thôi tiếc nuối sụp đổ hình tượng hôn nhân của Jolie và Brad, bởi họ đã sống những thời điểm hạnh phúc nhất, yêu thương nhất rồi. Ly hôn để mở ra những yêu thương mới, nên nghĩ thế!