Từ Libya đến các nước trên bán đảo Balkan cho tới Nam Phi, nước Nga của Putin vừa âm thầm vừa phô trương trong các hoạt động làm suy yếu trật tự thế giới trong đó Mỹ là kẻ đứng đầu.

Ông Putin gặp ông Obama bên lề Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu – COP 21 tại ngoại ô Paris ngày 30/11/2015

Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama từng có lần cho rằng nước Nga hậu Soviet chỉ là “một cường quốc khu vực”, nhưng đó không phải là những gì Moscow đang thể hiện ngày nay. Trong những năm gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã vươn “vòi bạch tuộc” ra toàn cầu, tung ra các cuộc “tấn công quyến rũ” phong cách Nga tới các địa phương xa xôi, nơi ảnh hưởng của Điện Kremlin đã từng hiện diện nhưng rồi lại bị xoá nhoà. Nay tiếng nói, bàn tay và dấu chân của Nga đã in khắp phần lớn Trung Đông và Châu Âu, nhiều phần của châu Phi và thậm chí ở cả Châu Mỹ Latinh.

Moscow đã phát hiện nhiều cơ hội và đang bận rộn khai thác sự chia rẽ trong nội bộ phương Tây. Nghị trình của Nga rất rõ ràng: Khẳng định ảnh hưởng của Moscow bằng chính thiệt hại của Washington và hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ mà nước Mỹ đã xây dựng và dẫn dắt từ Thế chiến II. Bộ công cụ của Nga bao gồm làm xói mòn các chính phủ dân chủ, gây căng thẳng sắc tộc và tôn giáo, và xây dựng các tiền đồn mới để thu thập thông tin tình báo và trù liệu sức mạnh quân sự. Nơi nào mà Hoa Kỳ và các đồng minh của nước này rút lui hoặc không thành công, Nga rất háo hức bước vào.

Ông Putin có thể chỉ ra một chuỗi các thành công trong những năm gần đây. Sự can thiệp sâu của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 đã và đang gây ra cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất mà Washington gặp phải từ sau bê bối Watergate năm 1974, làm cho Tổng thống Donald Trump ngày càng bị lún sâu vào các cuộc điều tra cáo buộc thông đồng với Điện Kremlin. Tại Syria, bom đạn, vũ khí, quân trang của Nga đã làm đảo lộn cuộc nội chiến Syria và cứu nguy cho đồng minh thân cận của ông Putin, Tổng thống Bashar al-Assad. Ngay cả khi bà Marine Le Pen, một ứng viên thân Nga trong cuộc bầu của Tổng thống Pháp vừa qua đã thảm bại trước ông Macron, thì đó vẫn là một lời nhắc nhở rằng không một nước nào ở Châu Âu có thể dám bỏ qua nguy cơ bị Nga can thiệp vào nền chính trị trong nước.

Nhưng trên đây chỉ là những trường hợp nổi bật nhất về việc ông Putin vươn bàn tay quyền lực của mình ra thế giới. Ở những nơi khác trong Trung Đông, Moscow đã sử dụng hoạt động buôn bán vũ khí, làm giả thông tin, hoạt động tình báo, nỗ lực ngoại giao hay sử dụng sức mạnh cứng trắng trợn ra để thúc đẩy mục đích của mình. Trong vài tuần gần đây, ông Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan – nhân vật đã thực hiện các bước đi trị quốc độc đoán và tách nước này khỏi các đồng minh NATO – đã thông báo sẽ sớm hoàn thành thương vụ Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 tiên tiến của Moscow trị giá 2,5 tỷ USD .

Trong sự hỗn loạn của đất nước Libya sau khi nhà độc tài Muammar Gadhafi rớt đài, ông Putin đã tìm ra ra một cơ hội khác. Moscow đã kết thân và hợp tác với ông Khalifa Haftar, một Tướng lĩnh dưới thời Gadhafi nay trở thành thủ lĩnh phiến quân, đã từng chiến đấu với các chiến binh Hồi giáo tại thành trì của ông ở Benghazi. Haftar cũng từng được huấn luyện quân sự tại Liên Xô. Vài tháng gần đây, các lực lượng đặc nhiệm của Nga và máy bay không người lái đã được điều động từ một căn cứ của Nga ở Ai Cập để hỗ trợ lực lượng của Tướng Haftar.

Tại Libya, ông Putin có các động cơ về cả địa chính trị và thương mại. Các hoạt động của Nga hiện tại là để trả đũa việc quân liên minh do Mỹ lãnh đạo đã lật đổ Gadhafi – đồng minh của Moscow và nó cũng giúp Điện Kremlin định hình tương lai của Libya. Nga rất háo hức làm hồi sinh các hợp đồng vũ khí, dầu mỏ và xây dựng có khả năng sinh lợi mà đã bị hủy bỏ từ sau sự sụp đổ của Gadhafi.

Tiếp theo là ở Ai Cập, Cairo là một đối tác của Hoa Kỳ và có quan hệ chặt chẽ với Washington trong những năm gần đây, nhưng cũng đang bị ông Putin lôi kéo. Chính quyền ông Obama đã đóng băng một số thương vụ chuyển giao vũ khí để bày tỏ sự không hài lòng với nhà cai trị độc tài của Ai Cập, Tổng thống Abdel Fattah Al Sisi, và Nga nhân cơ hội đó đã bước vào để cung cấp cho Ai Cập kho vũ khí của mình. Các nhà sản xuất vũ khí quốc doanh của Nga, không bị xáo trộn bởi những vi phạm về nhân quyền và dân chủ, đang mong muốn giành lại thị phần mà họ mất hàng thập kỷ trước đây do Ai Cập rời khỏi quỹ đạo của Liên Xô.

Tại Vịnh Ba Tư, mối quan hệ giữa Washington và các đối tác lâu năm của họ  – các chế độ quân chủ Hồi giáo Sunni giàu dầu mỏ, đã gặp nhiều cản trở trong suốt nhiệm kỳ của ông Obama, mở cho Moscow thêm cơ hội kết thân ở đây. Các phái viên Nga hiện đang làm việc để đạt thỏa thuận với các nước Ả – rập về vấn đề Syria, bán vũ khí tiên tiến và thậm chí phối hợp cùng nhau để giảm sản lượng dầu nhằm chống đỡ đà giảm giá. Những động thái gần đây của chính quyền Trump nhằm xoa dịu mối quan hệ với Ả-rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất và Ai Cập cho đến nay đã thất bại trong việc ngăn trở tình bạn mới mẻ của các nhà lãnh đạo Ả Rập với những người Nga.

Mưu lược Nga cũng đang khiến phương Tây phải đau đầu ngay tại địa hạt của mình: Bán đảo Balkan. Thành viên mới nhất của NATO, nước Montenegro nhỏ bé, sẽ sớm xét xử vắng mặt hai điệp viên tình báo Nga bị tình nghi có vai trò trong một nỗ lực đảo chính thất bại vào tháng 10/2016. Các công tố viên Montenegro đã đưa ra các bằng chứng cho thấy có âm mưu của Nga nhằm ám sát Thủ tướng Milo Djukanovic và đưa Montenegro ly khai NATO. Các gián điệp của Nga bị cáo buộc đứng đầu âm mưu này và được cho là đã cung cấp cho những các phần tử đảo chính điện thoại di động mã hóa, tiền mặt để mua vũ khí, đồng phục cảnh sát và áo khoác chống đạn. Cuộc đảo chính này đã thất bại, nhưng qua đó có thể thấy Nga đã mong muốn mở rộng sự bành trướng của  họ ở Balkan mạnh mẽ thế nào.

Tham vọng của Nga vượt xa những giới hạn quen thuộc ở Châu Âu và Trung Đông. Tại Nam Phi, Nga có liên quan đến bê bối của Tổng thống Jacob Zuma. Ông Zuma đang bị cáo buộc tham nhũng ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có vụ ông giữ vai trò trong việc dàn xếp một hợp đồng trị giá 76 tỉ USD với ông Putin để một công ty nhà nước Nga xây dựng tám nhà máy điện hạt nhân ở Nam Phi. Một tòa án Nam Phi gần đây đã phán quyết rằng thỏa thuận này vi phạm hiến pháp và luật chi tiêu công. Ông Zuma, từng được đào tạo quân sự (có lẽ là cả nghiệp vụ tình báo) ở Liên Xô trong thời gian ông tham gia phong trào chống phân biệt chủng tộc. Sau này khi giữ vai trò Tổng thống Nam Phi từ năm 2007, đã được ông Putin chủ động lôi kéo.

Gần biên giới của mình hơn, đồng minh trong thời Chiến tranh lạnh của điện Kremlin tại Nicaragua, nhà Mác-xít Daniel Ortega, đã trải thảm chào mừng Nga xây dựng các cơ sở bí mật ở thủ đô Managua. Các quan chức cao cấp của Nga nói rằng họ cũng đang nỗ lực thiết lập lại sự hiện diện quân sự và tình báo tại Cuba.

Tại sao Hoa Kỳ nên quan tâm đến triển vọng gia tăng ảnh hưởng toàn cầu của ông Putin? Rốt cuộc, Nga không thể mong đợi thống trị Châu Âu. Moscow không thể đơn giản mà có thể có ảnh hưởng thống trị trong vùng Trung Đông hỗn loạn hoặc biến Balkans thành vệ tinh của mình. Bất kể vị thế nào nước Nga có thể tìm thấy ở Châu Phi hoặc Mỹ Latinh có lẽ sẽ là quá nhỏ để đặt ra nhiều thách thức trực tiếp cho Washington và các đồng minh. Và dĩ nhiên, hành động tinh ranh của Nga chắc chắn không phải là nguyên nhân gốc rễ của những thách thức đang gây ra rắc rối liên tiếp ở các khu vực và các quốc gia nêu trên.

Nhưng cũng có lý do để người Mỹ lo lắng. Chủ nghĩa chủ động được làm mới của Nga không phải là để ra lệnh cho các sự kiện riêng lẻ trong các khu vực cá biệt của thế giới. Những hành động của Moscow là khai thác các cơ hội làm suy yếu và lu mờ trật tự quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo với các chuẩn mực về sự cởi mở về kinh tế, trách nhiệm dân chủ và luật pháp. Chiếc thoi dệt kết nối các hoạt động của Nga, từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Nicaragua đến Nam Phi, chính là mục đích chung nhằm kéo càng nhiều càng tốt các “diễn viên quốc tế” rời khỏi các thể chế dựa trên luật lệ và các thỏa thuận an ninh mà Mỹ đã làm việc rất tích cực để xây dựng trong nhiều thế hệ qua.

Tổng thống Putin đang đặt cược vào việc ông có thể viết lại các quy tắc chính trị thế giới để mang lợi thế cho mình và nước Nga. Nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo và chiến lược gia Hoa Kỳ hiện nay là chứng minh cho Putin thấy rằng ông ta đang phạm sai lầm.

Tác giả: Eugene Rumer và Andrew S. Weiss

Ông Rumer, cựu quan chức tình báo phụ trách nước Nga tại Hội đồng Tình báo Quốc gia, hiện là giám đốc chương trình Nga và Á-Âu tại Think-tank Carnegie Endowment vì Hòa bình Thế giới. Ông Weiss từng phụ trách các vấn đề về Nga dưới thời Tổng thống W. Bush và Clinton, hiện làm phó chủ tịch nghiên cứu tại Carnegie Endowment.

Xuân Thành (dịch)

Xem thêm: