Hồi mới vào nghề báo, một nhà báo trong nghề dắt tôi đến Thủ Thiêm, chạy xe máy qua đường Lương Định Của đầy đổ nát. Anh hỏi: “Giờ mình viết gì về nơi này?” – Là người mới ra trường, tôi về và trò chuyện để thảo luận đề tài.

Những đàn anh trong tòa soạn nói: “Viết làm gì. Ở đó dân nhận tiền phản động rồi đi biểu tình thôi.

Vài năm sau, tôi nghe về Dòng Mến Thánh Giá và cái nhà thờ 178 năm tuổi ở Thủ Thiêm, và lại đề xuất đề tài. Một dặn dò khác được đưa ra: “Em phải cẩn thận với mấy chuyện tôn giáo. Bọn phản động tài trợ, cho mấy cái nhà thờ biểu tình.” – Đó là hồi những masoeur nữ ngồi tọa kháng không cho phá dỡ nhà thờ.

thu thiem
Nhà thờ Thủ Thiêm 178 năm tuổi. (Ảnh: Khải Đơn)

Và chẳng biết vì cơ duyên gì, tôi lại dọn đến ở trong một chung cư tái định cư của dân Thủ Thiêm, ở đối diện ngôi nhà mà nhà thờ mua để làm phòng khám cho Mẹ Bề Trên ở và khám bệnh cho người nghèo. Một bữa phòng tắm nhà tôi bị vỡ ống nước, nước chảy khắp nhà và lan ra hành lang. Bà điện thoại cho tôi từ công ty chạy về dọn sách bị ướt.

Ở đó nhiều năm, tôi nhìn thấy “mặt khác” của những con người bị cánh nhà báo đàn anh của tôi gọi là “nhận tiền tài trợ của phản động”. Họ chữa bệnh cho những người chẳng còn gì để mất, từ anh giang hồ, bà lão nghèo, đến người bán trái cây trên xe đẩy bị tai nạn. Họ đi chợ và mua những phần thực phẩm tươi, dúi vào tay người nghèo tìm đến họ giữa tháng ngày dặt dẹo. Họ gọi cửa mời tôi một nửa quả xoài mới được người dân nào đó từ Thủ Thiêm cũ mang từ quê lên cho.

Sống với họ, tôi nhìn thấy một Thủ Thiêm khác, chẳng giống với những buổi thẩm định đề tài chẳng có gì để cãi trên tòa soạn. Dân Thủ Thiêm dặt dẹo về chung cư, và bắt đầu một cuộc sống chưa từng là của họ. Miếng đất họ đang ở yên lành ngoài kia bị san phẳng, bán với giá cao gấp vài trăm lần. Họ không có quyền gì. Nhà thờ 178 tuổi, là nơi thành tựu và yên nghỉ của bao nhiêu đời con người tôn giáo, cũng bị đem ra để đấu chiến giành giật. Đất vàng sát sông. Đẹp như mơ để xây cao ốc.

Có một buổi tôi đi làm sáng qua, thấy những thanh niên trật tự áo xanh mang xe cẩu tràn vào một nhà, người trong nhà la hét, bị giật kéo, trấn áp. Sau hôm đó, masoeur kể anh chủ nhà đòi tự thiêu, đổ xăng lên người. Áo xanh lùi lại. Căn nhà đó vài tháng sau tôi không thấy quần áo treo phơi như mọi lần. Cuộc chiến âm thầm ở Thủ Thiêm diễn ra trước mắt gần như hàng ngày. Tất nhiên, tôi không viết về họ. Chẳng báo nào viết về họ.

Những ngày như hôm nay, báo buổi sáng viết về người dân Thủ Thiêm khóc. Các báo cao giọng bảo vệ dân Thủ Thiêm, chụp ảnh người đàn bà gục xuống ngay trên bàn hội nghị. Báo chí đăng những phát biểu đầy mùi xông pha, thẳng thắn của thành phố. Nhiều khi sự đau khổ của người dân cũng là một mốt thời thượng của tường thuật.

Điều duy nhất tôi nhớ được suốt nhiều năm sống ở Thủ Thiêm là sẽ không bao giờ dạy học trò mình rằng ai đó là “phản động”, “nhận tiền nước ngoài”, hay “biểu tình lấy tiền”. Tôi sẽ không bao giờ đủ miệng mồm để kết luận một người đàn ông đổ xăng lên người là “nhận tiền nước ngoài” để đánh đổi sinh mạng. Chỉ có nhà cửa, tổ ấm, và con cái mới khiến người ta sẵn sàng đánh đổi sinh mạng.

Làm nhà báo, có khi sự bất lực của việc thiếu kiến thức, khả năng và yếu đuối khiến mình không thể tường thuật và viết bài.

Nhưng đổ lỗi rằng nhân vật của mình “phản động” để không viết bài về họ là một tội ác.

Theo Facebook Nhà văn Khải Đơn

(*) Tựa bài do TTVN đặt lại

Xem thêm: