Trong hình, là những con Giống được làm trong suốt hơn 13 năm trong phòng biệt giam của tử tù Nguyễn Văn Chưởng (Hải Dương).

nhung con giong cua nguoi tu tu

Những con Giống được làm từ những túi nylon đựng đồ quà cáp gia đình gửi vào hoặc tù nhân xin lại từ những tù nhân khác trong trại. Nylon được xé nhỏ, se lại bằng tay, rồi bện tết lại với một sự khéo tay tỉ mỉ đến phi thường.

Phi thường, vì trong phòng biệt giam, chân của tử tù bị cùm 24/24, sự vận động là vô cùng khó khăn. Ăn uống thải loại trong một căn phòng 6 mét vuông. Nằm ngồi đều trên cái bục nền xi măng. Ánh sáng được chiếu qua khe cổng thoát gió xiên phía trên cao. Trong 13 năm, Chưởng làm được vài chục con giống, một bông hoa hồng, trái tim nhựa và cả nghìn con hạc giấy nhỏ li ti.

Trong những món đồ của Chưởng, thật sự thấy được nỗi niềm muốn minh oan của nó, khát khao được tự do, khát khao công lý… Làm con giống khó, nó còn viết một lá thư cỡ bàn tay, gập lại cho nhỏ nhất để đút vào bụng con giống. Rồi không biết bằng cách nào con giống được thành hình lành lặn không hề chắp vá.

Dựa vào trực giác… một người gây ra tội giết người khó có niềm tin kêu oan thế này.

13 năm hơn đọa đầy thân xác… Nó vẫn giữ nghị lực sống thật phi thường.

nhung con giong cua nguoi tu tu 1

Hiện trong tay tôi đang cầm hồ sơ của 3 vụ án oan tương tự nhau, đều giết người và bị đã bị biệt giam trên dưới 13 năm. Có Nguyễn Văn Chưởng (Hải Dương). Lê Văn Mạnh (Thanh Hoá). Hồ Duy Hải (Long An).

Mạnh không khéo tay bằng Chưởng. Nó thích làm hoa hồng tết từ những sợi vải khăn mặt hoặc tháo ra từ áo. Thích làm những cái lắc nhỏ đeo vào tay. Ghi “Con gái yêu học giỏi“…

Hải không được làm gì, nghe cô Loan mẹ Hải nói. Chính quyền Long An muốn chặn mọi hy vọng của Hải, Hải không được nói về những gì xảy ra trong trại với mẹ, mẹ cũng không được nói những gì xảy ra bên ngoài, mọi người đang ủng hộ nó, cố giúp nó thế nào. Họ thật sự muốn nó chết..

Tôi cầm những con Giống này mang đi triển lãm từ đầu năm 2018, tôi hứa sẽ bán những con giống này cho họ. Vì đầu tiên tôi muốn thực hiện thành ý trong thư của những tù nhân. Ví như Chưởng đã viết với bố, ông Nguyễn Trường Chinh: “Bố hãy mang những con giống này ra chợ quê, ai muốn mua thì bán, để trang trải chút tiền cho gia đình kêu oan cho con“. Dù là tử tù nhưng họ vẫn muốn được có ích, không muốn làm gánh nặng cho gia đình.

Tôi đã bán được 5 con giống, 1 bông hoa hồng, mỗi thứ 100 USD và trao tiền cho các gia đình. Tôi đã nghĩ những con giống này sẽ được đi xa, giống như tâm trí của những tử tù cũng được tự do theo nó, câu chuyện của tử tù lại sẽ được kể. Họ sẽ không bị lãng quên.

Nhưng một ngày, những người trong gia đình tử tù ngăn tôi lại. Chú Chinh bảo: “Nếu ai thích hãy tặng những món quà này cho họ, đừng lấy tiền, chỉ cần họ quan tâm là đáng quý rồi“.

Chính vậy! Giờ tôi có kế hoạch khác. Tôi sẽ không bán và cũng sẽ không tặng. Tôi muốn trưng bày những kỉ vật này nhiều hơn. Tôi tập trung vào người nước ngoài và đặc biệt là các Đại sứ quán, để họ biết về cuộc hành trình những con giống. Một câu chuyện thật sự. Trước khi làm được việc đó tôi cần bảo quản nó kỹ hơn.

nhung con giong cua nguoi tu tu 3

Trong hình (trên) là một miếng hổ phách nhân tạo. Nhà sản xuất dùng chất liệu composite đổ lên vật thể, đợi khô và đánh bóng. Từ kỹ thuật này tôi đang muốn làm thử nghiệm một số con Giống của Chưởng. Một hình hộp trong suốt 10cm x 10cm, bao phủ toàn bộ lên vật thể.

Hiện tôi không biết nhiều về kỹ thuật và ở đâu đổ composite, ai biết có thể nhắn tin (tại đây), và thật sự những dòng viết này muốn kêu gọi, nếu có mạnh thường quân nào muốn giúp trong dự án này, thì có thể để lại lời nhắn, đóng góp để cùng thực hiện.

Ngày 10/10 tới đây là ngày Quốc Tế chống thi hành án tử hình. Là một cơ hội rất tốt để tôi có thể chụp ảnh và kể câu chuyện về hành trình tìm tự do của những con người khốn khổ, những câu chuyện đang thật sự đặc biệt. Cần được lắng nghe.

Vài dòng viết thêm. Rất cảm ơn mọi người về góp ý nên giữ nguyên bản con giống cho đẹp không nên đổ nhựa. Mình đã cầm những con Giống này một thời gian (1 năm), chứng kiến quá trình chúng bị phai màu. Trong hình là những con Giống để trưng bày không có tay người sờ vào. Những con đẹp mình hay mang đi mang lại để kể câu chuyện về nó thì không những phai màu mà còn sờn, bị mồ hôi tay làm cho đen hẳn chỗ vừa cầm. Giải pháp đổ nhựa được nghĩ tới sau khi mình có những kinh nghiệm này.

Và cũng chính vì thấy nó quý và đáng giá nên mình muốn giữ nó lâu hơn. Đợi những nhân vật làm ra chúng ra tù và thấy nó thật sự còn nguyên vẹn. Nó cũng sẽ là minh chứng cho những điều bất công đang xảy ra hàng ngày trên đất nước này và sự tìm kiếm công lý của những nhân vật chính, gia đình họ đang và đã trải qua.

Theo Facebook Chuyện của Thịnh

(*) Tựa bài do TTVN đặt.

Xem thêm: