Qua các kết quả khảo sát bước đầu của Bộ Tài Nguyên – Môi Trường và các dẫn chứng khoa học, chúng ta có cơ sở để lo ngại cho một thảm họa ô nhiễm thủy ngân dạng hữu cơ sắp tới là hệ quả sau thảm họa ô nhiễm hơi kim loại thủy ngân.

ô nhiễm thủy ngân, vụ cháy rạng đông
Người dân trong khu vực phố Hạ Đình vẫn sinh hoạt như thường lệ dù đã có kết luận tình trạng ô nhiễm thủy ngân sau vụ cháy Rạng Đông. Trong khi người dân cần tiếp tục cập nhật thông tin, chính quyền cần có động thái rõ ràng hơn để bảo vệ người dân khỏi nguy cơ nhiễm thủy ngân hiện hữu. (Ảnh: hanoimoi.com.vn)

Hôm qua (5/9) mở Facebook lên, tôi thấy tràn ngập tin về cuộc họp báo chiều ngày 4/9. Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên – Môi Trường Võ Tuấn Nhân đã công bố kết quả quan trắc các mẫu lấy xung quanh khu vực xảy ra vụ hỏa hoạn, ông khẳng định: “Đến giờ phút này có thể xác định, đã có khoảng từ 15,1 kg đến 27,2 kg thủy ngân bị phát tán ra môi trường sau vụ việc”. Nhìn chung, kết quả bước đầu cho thấy đã có nhiều mẫu nhiễm thủy ngân vượt mức an toàn: không khí, nước, bùn trầm tích sông,…

Nếu các bạn đã đọc bài viết phân tích của tôi ngày 29/8 thì có lẽ kết quả này không đem lại sự bất ngờ vì nó là hệ quả tất yếu của một hiện tượng.

(https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/2851291838218502)

Ngoài ra, từ thông báo này các bạn có thể hiểu rõ hơn tại sao trong bài viết tiếp theo tôi đăng ngày 30/8 nói “họ” là thiếu tình người.

(https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/2852490558098630)

Dù sao thì sự việc cũng đã xảy ra và hậu quả cần phải được khắc phục, sức khỏe của con người cần phải được xem trọng. Do nhu cầu cần biết rõ hơn về nhiễm độc thủy ngân của người dân nên tôi viết bài hôm nay với các “thông tin khoa học đã được phổ thông hóa”

Dựa trên tính chất hóa học của thủy ngân, người ta thường chia ra làm 3 loại:

+ Loại 1: thủy ngân dạng kim loại, chủ yếu là hơi thủy ngân (Elemental Mercury Vapor). Loại này hấp thu rất nhanh ở phổi và cơ quan ảnh hưởng nhiều nhất là não.

+ Loại 2: thủy ngân ở dạng muối hữu cơ (chủ yếu là dạng methyl). Loại này hấp thu lẹ ở ruột và đi khắp cơ thể nhưng không tích tụ trong não hiệu quả như loại 1, tuy nhiên trong cơ thể chúng cũng có thể từ từ biến đổi về dạng kim loại và vượt hàng rào máu não để tích tụ dần dần ở não.

+ Loại 3: thủy ngân dạng muối vô cơ. Loại này thường không tan, khá bền và hấp thu kém. Loại này yếu hơn hai loại trên và chủ yếu tác hại đến thành ruột và thận.

Mối lo ngại lúc nhà máy Rạng Đông bị cháy là nhiễm độc thủy ngân loại 1 (Kim loại bay hơi). Do vậy hầu hết các kiến thức tôi viết về cảnh báo sức khỏe trong bài đầu tiên là tập trung vào dạng này. Sau đây tôi sẽ trả lời một số câu hỏi thường gặp quanh vấn đề này trong mấy ngày nay:

Làm sao tránh hít hơi kim loại thủy ngân trong không khí? 

Trong bài đầu tiên, phần cảnh báo cho người dân, tôi có viết “Trong vùng nhiễm khi ra đường tuyệt đối phải sử dụng khẩu trang có trang bị than hoạt tính” vì thật sự khẩu trang thường không cản được thủy ngân dạng hơi. Chỉ khi có trang bị bộ lọc chứa than hoạt tính như loại của phó Tổng cục trưởng Hoàng Văn Thức đi khám nghiệm hiện trường, thì hơi thủy ngân kim loại mới bị oxi hóa và hấp thụ bởi than này trước khi không khí đi vào mũi. Tôi thật đau lòng khi nhìn hình ảnh những người chung quanh chỉ mang khẩu trang Y tế bình thường hoặc chỉ đơn giản dùng tay che mũi!

Các cơn mưa sau vụ cháy có lẽ đã làm lượng Thủy Ngân trong không khi giảm đáng kể khi chúng bị ngưng tụ và rơi xuống đất. Tuy nhiên, nếu lượng Thủy Ngân này còn nằm ở trên mặt đất, bề mặt đường xi măng, ban công,… thì chúng có thể bốc hơi lại trong không khí sau cơn mưa nhất là khi nhiệt độ cao lúc trời nóng. Do vậy, tôi cảnh báo mọi người trong vùng nhiễm nên tiếp tục sử dụng khẩu trang có than hoạt tính cho đến khi vùng nhiễm được công bố hoàn toàn sạch.

Nước mưa có giúp rửa sạch ô nhiễm thủy ngân? 

Có thể nói là nước mưa giúp giảm ô nhiễm thủy ngân trong không khí nhưng nó không giúp làm giảm ô nhiễm thủy ngân nếu chúng ta không có những biện pháp làm sạch triệt để, loại trừ thủy ngân ra khỏi môi trường. Mối lo nhiễm độc thủy ngân kim loại dạng hơi nay đang được chuyển thành mối lo ngại nhiễm độc thủy ngân dạng hữu cơ! Đây là dạng nhiễm độc thủy ngân hữu cơ rất nguy hiểm mà điển hình nhất là sự kiện ở Minamata, Nhật Bản trong hơn nữa thế kỷ với hàng ngàn người chết, chục ngàn người bị ảnh hưởng!

Để hiểu được nó có thể xảy ra như thế nào chúng ta có thể hình dung một lượng thủy ngân được kéo xuống bởi nước mưa có thể thấm vào đất, chuyển hóa thành dạng hữu cơ gây ô nhiễm đất, cây hoa màu trồng trên đất này lại hấp thu thủy ngân. Nếu để lâu, thủy ngân có thể thấm sâu hơn và làm ô nhiễm nguồn nước ngầm! Mặc khác khi nước mang thủy ngân ra sông suối chúng bị chuyển hóa thành dạng hữu cơ lơ lững trong nước, tích tụ ở bùn, trầm tích. Các vi sinh vật và quần thể tôm cá trong vùng sẽ bị nhiễm độc thủy ngân là chắc chắn. Sau đó, con người lại ăn các thực phẩm, sinh vật bị nhiễm thủy ngân…

Trong bài viết đầu tiên, phần đề nghị chính quyền và bang quản lý nhà máy, tôi có viết là cần “Cô lập khu vực nhà máy có chứa thủy ngân ngay, tránh các tác nhân có thể làm lây lan” nhưng cho đến hôm nay, sau một tuần với bao trận mưa, trận gió họ mới bắt đầu có những biện pháp “cô lập vùng nguy hiểm”. Nếu họ làm việc này sớm hơn thì chắc sự lây lan đã được giảm đi rất nhiều! Tôi thật sự rất lấy làm tiếc!

Kiểm tra như thế nào mới biết được người bị nhiễm thủy ngân hay không? 

Hiện nay có mấy phương pháp thông dụng để kiểm tra nhiễm thủy ngân đó là máu, nước tiểu và tóc. Khi bị nhiễm, thủy ngân “bám rất chặt” vào nguyên tố Selen (Se) và các nhóm sulfhydryl có trong nhiều enzyme nên lượng thủy ngân đã bám này không thể đào thải dễ dàng, trong khi đó lượng thủy ngân tự do trong máu, trong cơ thể sẽ bị đào thải liên tục qua nước tiểu, phân. Do vậy, lượng thủy ngân trong máu và nước tiểu sẽ giảm từ từ trong 1 khoảng thời gian ngắn tính từ lúc nhiễm độc (vì lượng thủy ngân tự do trong cơ thể giảm). Chính vì thế, các xét nghiệm máu và nước tiểu thường chỉ để kiểm tra sự nhiễm xảy ra trong thời gian ngắn và không đánh giá được lượng nhiễm thật sự trong cơ thể (do lượng thủy ngân đã bám vào và không dễ đào thải).

+ Kiểm tra máu: Chỉ có thể thấy kết quả trong vòng vài ngày (thường từ 3-5 ngày) từ khi tiếp xúc với nguồn nhiễm. Ngưỡng bình thường là dưới 10 micrô gram/lít.

+ Kiểm tra nước tiểu: Chỉ có thể thực hiện đối với thủy ngân kim loại và vô cơ (không thể với dạng hữu cơ). Có thể thực hiện trong vòng vài tháng vì sau đó lượng thủy ngân tự do cũng giảm đi rất nhiều. Ngưỡng bình thường là dưới 10 micrô gram/lít.

+ Kiểm tra tóc: thường thực hiện khi để kiểm tra việc nhiễm thủy ngân hữu cơ nhiều tháng trước đó. Ngưỡng bình thường là dưới 10 mg/kg. Ở mức nhiễm độc trung bình, nồng độ thủy ngân khoảng 200-800 mg/kg nhưng trong trường hợp nghiêm trọng có thể đạt tới 2400 mg/kg. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyên theo dõi nồng độ thủy ngân trong tóc ở phụ nữ mang thai và nồng độ bằng hoặc lớn hơn 10 mg/kg làm tăng nguy cơ bị khiếm khuyết về thần kinh ở bào thai.

Làm cách nào để thải độc thủy ngân ra khỏi cơ thể?

Như đã nói ở phần trên, khi bị nhiễm độc thủy ngân, cơ thể của bạn cũng có cơ chế tự đào thải chất độc qua nước tiểu và phân. Do vậy, việc sử dụng một số phương pháp đơn giản để tăng lượng đào thải như ăn nhiều thực phẩm có chất xơ hoặc uống nhiều nước cũng có tác dụng phần nào. Tuy nhiên nếu bị nhiễm độc nặng thì bạn cần được điều trị một cách phù hợp hơn ở các cơ sở Y tế.

Hiện nay để thải độc kim loại nặng nói chung và thủy ngân nói riêng, người ta sử dụng các chất thuộc nhóm có tên là Chelate (đọc là Ki-Lây). Nhóm chất Chelate có tác dụng bám và cô lập các kim loại nặng và chúng sẽ được cùng nhau thải ra ngoài qua nước tiểu. Việc sử dụng phương pháp này phải được thực hiện ở cơ sở Y tế và chuyên viên Y tế vì có thể xảy ra các tác dụng phụ nguy hiểm. Cho đến hiện nay có một số chất thuộc nhóm này được sử dụng để thải độc thủy ngân như sau:

+ Dimercaprol hoặc tên khác là British anti-Lewisite (BAL): Trong trường hợp ngộ độc với thủy ngân dạng kim loại và muối vô cơ, dimercaprol (BAL) có thể được chích vô cơ với lượng 5 mg/kg một lần hoặc 2,5 mg/kg mỗi 8 giờ đến 12 giờ cho 1 ngày, và sau đó 2,5 mg/kg mỗi 12 giờ đến 24 giờ cho 7 ngày. Dimercaprol không hiệu quả trong trường hợp ngộ độc thủy ngân hữu cơ và thậm chí nó có thể tăng mức thủy ngân trong não và làm nặng thêm các triệu chứng nhiễm độc não. Các tác dụng phụ phổ biến của Dimercaprol bao gồm buồn nôn, tăng huyết áp, nhịp tim nhanh, đau đầu, co giật.

+ Meso 2,3-dimercaptosuccinic acid (Succimer, DMSA): Là một chất tương tự Dimercaprol, tan trong nước, công thức hóa học C4H6O4S2, được FDA phê chuẩn năm 1991. Ở Hoa Kỳ, BAL hoặc DMSA thường được sử dụng để điều trị ngộ độc thủy ngân vô cơ. DMSA được chích qua tĩnh mạch hoặc qua đường uống. Liều người lớn là 10 mg/kg, 3 lần/ngày trong 5 ngày đầu, sau đó 2 lần/ngày, trong 14 ngày tiếp theo. Liều trẻ em được tính dựa trên diện tích bề mặt cơ thể, 350 mg/m2, 3 lần/ngày, trong 5 ngày đầu tiên, sau đó 2 lần/ngày, trong 14 ngày tiếp theo. Nếu cần thiết, nó có thể được lặp đi lặp lại với khoảng cách 2 tuần giữa các lần điều trị. Tác dụng phụ của DMSA bao gồm rối loạn đường ruột, phát ban da và có triệu chứng giống cúm.

+ 2,3-dimercapto-1-propane sulfonic acid (Unithiol, DMPS): Cũng là một chất tương tự dimercaprol, tan trong nước, công thức hóa học C3H7O3S3Na, đã được phê duyệt để sử dụng ở Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ kể từ 1958, ở Đức từ năm 1976 và ở Hoa Kỳ kể từ 1999. DMPS được sử dụng để điều trị nhiễm độc kim loại nặng như Arsen, chì, Thủy Ngân vô cơ và hữu cơ. DMPS được chích qua tĩnh mạch hoặc qua đường uống. Liều của người lớn là: truyền tĩnh mạch 250 mg mỗi 4 giờ trong 48 giờ đầu, sau đó 250 mg mỗi 6 giờ trong 48 giờ tiếp theo. Việc điều trị tiếp theo có thể qua đường uống với 300 mg 3 lần mỗi ngày trong 7 tuần. So với các chất Chelate khác, DMPS khá an toàn, tác dụng phụ rất hiếm nhưng thỉnh thoảng có phát ban, buồn nôn và giảm bạch cầu.

Tuy nhiên, hầu hết các thuốc sử dụng để khử độc kim loại thủy ngân trong cơ thể hiện nay không thấy hiệu quả đối với thủy ngân đã tích tụ trong não.

Tóm lại, tôi thực sự quan ngại cho sự việc nhiễm độc thủy ngân đang xảy ra trên địa bàn xung quanh nhà máy Rạng Đông sau vụ cháy. Dù rằng việc khẳng định tình trạng nhiễm được đưa ra khá chậm trễ nhưng là rất cần thiết để những người có trách nhiệm phải nghiêm túc xem xét vấn đề này một cách cẩn thận và xử lý nhiễm thật triệt để. Qua các kết quả khảo sát bước đầu của Bộ Tài Nguyên-Môi Trường và các dẫn chứng khoa học phía trên, chúng ta có cơ sở để lo ngại cho một thảm họa ô nhiễm thủy ngân dạng hữu cơ sắp tới là hệ quả sau thảm họa ô nhiễm hơi kim loại thủy ngân.

Để hỗ trợ xử lý khủng hoảng môi trường hiện nay và bảo vệ sức khỏe người dân, tôi mong các tổ chức chính quyền và quận quản lý nhà máy nên:

  • Mua và phát miễn phí cho người dân bị ảnh hưởng trong vùng loại khẩu trang có màng lọc than hoạt tính ngăn được hơi thủy ngân.
  • Tổ chức cho người dân trong vùng nhiễm đi kiểm tra độ nhiễm thủy ngân trong thời gian sớm nhất. Nên xét nghiệm thủy ngân trong cả máu và nước tiểu để có số liệu chính xác.
  • Khoanh vùng nhiễm và kết hợp với các tổ chức xử lý môi trường chuyên nghiệp để tiến hành các phương pháp tẩy độc môi trường càng sớm càng tốt.
  • Hỗ trợ người dân trong vùng nhiễm di dời sang nơi khác sống tạm trong thời gian làm sạch môi trường, nhất là người già, trẻ em và phụ nữ có thai.
  • Những người có kết quả xét nghiệm nhiễm độc đáng lo ngại phải được điều trị ngay để hạn chế tối đa ảnh hưởng xấu cho sức khỏe về sau.

Bài viết của tôi trên đây chỉ thể hiện quan điểm khoa học, không thể hiện quan điểm chính trị như nhiều bạn đang ráng chụp mũ cho tôi sau các bài viết. Mong những hành động cụ thể, nhanh chóng và “có tình người” của những người đang trong vai trò lãnh đạo để bảo vệ sức khỏe cho cho người dân đang chịu ảnh hưởng.

TS Nguyễn Hồng Vũ (Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA; Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím)

Tài liệu tham khảo:

Đăng theo Facebook Vu Hong Nguyen dưới sự đồng ý của tác giả. Tựa bài do TTVN đặt lại. Vui lòng đọc bài gốc tại đây

Xem thêm: