Đây là vài nhận xét về ước tính rửa tiền của Việt Nam theo đánh giá của Tổ chức Liêm chính Tài chính Toàn cầu Global Financial Integrity (GFI) sau khi có thì giờ đọc tương đối khá kỹ về phương pháp luận trong quyển sách “Illicit Financial Flows to and from 148 Developing Countries: 2006-2015” (Lưu lượng tài chính bất chính vào và ra trong 148 quốc gia đang phát triển: 2006-2015) GFI vừa xuất bản.

GFI là tổ chức phi chính phủ thành lập năm 2006, có trụ sở ở Washington, được Ford Foundation tài trợ. Những nghiên cứu của họ cũng đã được Liên Hợp Quốc, Ngân hàng thế giới (WB) nói tới trong chương trình của các chính phủ và tổ chức quốc tế nhằm ngăn chặn nạn rửa tiền, mặc dù WB có những nghiên cứu riêng của họ. Tuy nhiên GFI và World Bank có quan hệ như tổ chức hội thảo chung.

Nói vậy để xác định là GFI là tổ chức nghiêm túc, có uy tín, nên không thể đánh giá thấp như kiểu phát ngôn viên của nhà nước Việt Nam đã làm:

Trước thông tin Tổ chức Liêm chính Tài chính Toàn cầu ra báo cáo nói rằng Việt Nam là quốc gia hàng đầu thế giới về hoạt động rửa tiền, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định đây là thông tin không chính xác, không phản ánh đúng thực tế, quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc phòng chống rửa tiền.

Những thông tin ước lượng mà họ đưa ra có tính tin cậy cao. Thật ra không ai biết rõ chính xác số tiền rửa này, nên chính họ cũng gọi thông tin họ đưa ra là ước lượng. Cho nên phải xem xét phương pháp nghiên cứu và nguồn thông tin để đánh giá tính tin cậy.

Phương pháp của họ là xem xét một nước đang phát triển (D) và các nước phát triển cao (A) có ngoại thương với nước đang phát triển đó. Ở đây chỉ có thể tính từ xuất nhập khẩu hàng hóa.

Rồi tính tiền chuyển lậu vào ra, từ ghi sai hóa đơn chi trả (mis-invoicing) như sau:

1) Khác biệt nhập khẩu = Nhập khẩu từ A theo D báo cáo – Xuất khẩu sang D theo A báo cáo.

2) Khác biệt xuất khẩu = Xuất khẩu sang A theo D báo cáo – Nhập khẩu từ D theo A báo báo.

Chuyển lậu ra (outflows): Nếu (1) là dương hoặc nếu (2) là âm.

Chuyển lậu vào (inflows): Nếu (1) là âm hoặc nếu (2) là dương.

Cách tính là so sánh báo cáo từng hàng hóa xuất nhập khẩu giữa nước đang phát triển D và từng đối tác nước phát triển cao A. Để có thể so sánh thì mọi số liệu thống kê báo cáo của hai nước phải đưa về cùng giá trị, loại trừ khác biệt về chi phí vận tải và bảo hiểm.

Có hai hệ thống số liệu thông tin về xuất nhập khẩu hàng hóa mà GFI sử dụng:

a) DOTS là thông tin của IMF chỉ là tổng thể về hàng hóa giữa các nước.

b) COMTRADE là thông tin của Cục thống kê Liên Hơp Quốc UN (chỗ tôi làm ngày xưa) rất chi tiết về từng sản phẩm vừa theo lượng vừa theo giá trị. Vì rất chi tiết nên tổng số xuất nhập khẩu của COMTRADE nhỏ hơn của IMF vì COMTRADE dựa hoàn toàn vào số liệu hàng hóa thông qua hải quan, không điều chỉnh số liệu dựa vào báo cáo muộn hay các nguồn số liệu khác như IMF làm.

Kết quả nghiên cứu của GFI về Việt Nam năm 2015 cho thấy như sau:

Số liệu về tiền lậu từ việc ghi sai chi trả (mis-invoicing)
(2015, Tỷ USD)

NguồnTổng xuất nhậpTiền chuyển vào lậu (inflows)Tiền chuyển ra lậu (outflows)
DOTS18122,410,6
COMTRADE1219,69,1

Chúng ta thấy là có lẽ tiền rửa chuyển vào Việt Nam là từ 9,6 – 22,4 tỷ US. Nhưng cũng có tiền lậu chuyển ra là từ 9,1 – 10,6 tỷ.

Đây là ước lượng rửa tiền từ ghi hóa đơn hàng hóa xuất nhập khẩu. Để tính ra toàn bộ số tiền rửa lậu thì phải tính thêm cả xuất nhập khẩu dịch vụ. Điều này GFI chỉ làm được trên cơ sở tổng thể chi phí sai số liệu.

Trước đây tôi đã viết một bài liên quan đến tiền chuyển lậu của Việt Nam nhưng dựa theo phương pháp khác, tính một cách tổng thể, và thấy rằng Việt Nam phải có dư thừa ngoại tệ năm 2013 là 9,3 tỷ, nhưng chỉ có 0,6 tỷ là vào dự trữ của ngân hàng, như vậy có tới 8,8 tỷ chui ra nước ngoài.

Cũng trong bài đó, tôi đã làm theo cách mà GFI làm nhằm xem xét thương mại giữa Việt Nam và TQ bằng cách so sánh báo cáo của 2 nước thì Việt Nam nhập lậu 11,7 tỷ. Vậy thì câu hỏi đặt ra là: có phải tiền chui ra nước ngoài chính là để nhập lậu từ TQ?

(Bài viết của tác giả có tựa đề: Lý giải kiều hối tăng mạnh và 33 tỷ USD “xuất ngoại” – Đăng trên Đất Việt và Diễn Đàn)

Có thể nói con số tiền chuyển lậu (hay rửa tiền) của Việt Nam theo cách tính của GFI là lớn và đáng tin cậy. Nó khá phù hợp với những gì tôi tính trước đây. Cho nên Việt Nam nên tăng cường quan hệ quốc tế, hợp tác chặt chẽ để ngăn chặn rửa tiền thay vì lên án Tổ chức Liêm Chính Tài chính Toàn Cầu. Việc đầu tiên phải làm là theo dõi chặt chẽ, đòi khai rõ các địa điểm xuất phát thật của các công ty xuất nhập khẩu hay đầu tư nước ngoài thật sự chứ không thể chỉ ghi từ British Virgin Island, Panama, Seychelles, Hongkong, Cayman Island, Switzerland, Singapore, v.v. nổi tiếng là các trung tâm rửa tiền vì không có thuế hay thuế rất thấp. Tổng số tiền đầu tư của những trung tâm nổi tiếng rửa tiền này vào Việt Nam hiện nay lên tới 36.5% tổng số đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Vũ Quang Việt

Đăng lại từ Forum Diễn Đàn (diendan.org)
Creative Commons BY-NC-ND 3.0 France.