Tháng 10 năm nay (2018), một cuốn sách rất quan trọng liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vừa được Nhà xuất bản Routledge xuất bản. Sách có tựa đề “Vietnam, Territoriality and the South China Sea” (1) của tác giả Hàn Nguyên Nguyễn Nhã, với biên tập và dịch thuật của Lâm Vĩnh Thế. 

Tiến sĩ Nguyễn Nhã là một trong những nhà nghiên cứu về Hoàng Sa – Trường Sa, với những đóng góp bền bỉ hơn 50 năm. Nguyên là một nhà giáo, ngay từ những năm trước năm 1975, ông đã có những bài khảo cứu về Hoàng Sa và Trường Sa công bố trên tập san Sử Địa ở Sài Gòn. Sau 1975, ông vẫn miệt mài và thầm lặng nghiên cứu về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Một trong những thành quả khảo cứu đó là quyển sách “Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” do Nhà xuất bản Giáo Dục phát hành vào năm 2013. Cuốn sách khảo cứu đó được đánh giá rất cao của giới sử học “cung đình” và giới sử học chuyên nghiệp. Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, viết: “Đây là công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc, dựa trên những tư liệu phong phú, chứng cứ và lập luận rất khách quan. Tôi tin rằng cuốn sách sẽ đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu, tìm hiểu của nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Tôi cũng hy vọng từ cuốn sách này, nội dung về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa sẽ được đưa vào trong sách giáo khoa lịch sử các trường phổ thông”.

hoang sa truong sa
Bìa sách “Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” do NXB Giáo Dục phát hành vào năm 2013.

Tôi không rõ cuốn sách đã được đưa vào chương trình sử học cho học sinh trung học hay chưa, nhưng cuốn sách đã được biên soạn và dịch sang tiếng Anh dưới tựa đề “Vietnam, Territoriality and the South China Sea”. Dịch giả và người biên tập là Lâm Vĩnh Thế, cũng là một nhà khảo cứu, một cựu giáo sư trung học ở miền Nam trước năm 1975, nhưng đã định cư ở Canada sau 1975. Tôi gọi ông là một nhà “Nam kỳ học”, vì những bài khảo cứu của ông về văn hóa và văn minh miệt vườn Nam Bộ đã giúp tôi học rất nhiều về vùng đất mà mình được sanh ra và trưởng thành. Đến nay, dù ở tuổi 70 hay ngoài 70 (tôi đoán vậy), nhưng ông vẫn mệt mài làm việc và giúp cho ra đời cuốn sách này trên trường học thuật phương Tây. Đó là một đóng góp lớn và rất có ý nghĩa cho nỗ lực tranh đấu về chủ quyền biển đảo của dân tộc.

Đối với người Việt Nam, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền Việt Nam. Chấm hết.

Đó không phải là một lời nói suông (theo kiểu nói của các phát ngôn viên ngoại giao của nhà cầm quyền) mà là một thực tế lịch sử. Thực tế lịch sử là sự định cư của người Việt trên hai quần đảo đó, là những chứng từ về quá trình định cư, những chứng từ về pháp lí, và sự ghi nhận của các nhà truyền giáo và thương lái Âu châu vào các thế kỷ trước. Những chứng từ cổ nhất có thể tìm thấy trong Phủ Biên tạp lục của Lê Quý Đôn biên soạn vào năm 1776, và những tư liệu thời các chúa Nguyễn. Các sử gia triều Nguyễn dựa vào đó vẽ các bản đồ đi kèm theo những mô tả khá chi tiết về địa lý và địa dư của hai quần đảo lúc đó thuộc Phủ Quảng Ngãi. Trong tờ báo của Á châu hội của người Anh tại Bengale có bài viết của linh mục Tabert về Hoàng Sa như là những bãi đá ngầm bất tiện cho thuyền bè qua lại, nhưng vua Gia Long và tùy tùng đã ra đó cắm cờ như là một tuyên bố chủ quyền của Việt Nam mà có lẽ chẳng ai muốn tranh chấp với Việt Nam:

Although this kind of archipalego presents nothing but rocks and great depths which promises more inconveniences than advantages, the king Gia Long thought he had increased his dominations by this sort addition. In 1816, he went with solemnity to plant his flag and take formal possession of these rocks, which it is not likely anybody will dispute with Vietnam” (Journal of the Asiatic Society of Bengal, tập VI, trang 745).

(tạm dịch: Mặc dù quần đảo này chẳng có gì ngoài đá và nước biển sâu, những thứ sẽ mang đến sự bất tiện nhiều hơn lợi thế, vua Gia Long nghĩ rằng đã mở mang được bờ cõi thông qua việc thâu tóm những đảo này. Năm 1816, ông long trọng cắm cờ tại đây và chính thức tuyên bố chủ quyền trên những tảng đá này, một điều mà chắc hẳn là chẳng có ai tranh chấp với Việt Nam.)

Một số bài báo sau đó của các tác giả người Âu châu cũng viết về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 1849, [tập san] Journal of the Geographical Society of London công bố một bài dài về Hoàng Sa.

Chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo vẫn được tiếp tục duy trì và nâng cao trong thời Pháp thuộc và Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) trước 1975. Khi người Pháp thiết lập hệ thống cai trị ở Việt Nam, họ đã nhân danh Việt Nam quản lý hai quần đảo HS – TS. Nhưng sự việc phức tạp khi năm 1958, cựu Thủ tướng phía bắc Việt Nam là Phạm Văn Đồng gửi công hàm cho cựu Thủ tướng Trung Quốc là Chu Ân Lai “tán thành” và “tôn trọng” “bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận 12 hải lý của Trung Quốc.” Tuy nhiên, trong thời VNCH đệ nhất và đệ nhị, dù trong thời chiến tranh ác liệt, nhưng chính quyền vẫn quan tâm đến chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo này. Chính quyền thời đó đã thiết lập bộ máy hành chánh để quản lý và bảo vệ Hoàng Sa – Trường Sa. Đã có những nghiên cứu khí tượng học và khai thác tài nguyên ở Hoàng Sa. Năm 1974, trong một trận hải chiến có thể nói là oanh liệt với sự hy sinh của 50 lính hải quân VNCH, Hoàng Sa đã rơi vào tay Trung Quốc. Rất nhiều nỗ lực ngoại giao của VNCH sau khi biến cố 1974 xảy ra, và những văn bản đó vẫn còn. Năm 1988, Trung Quốc lại tiếp tục tấn công, giết chết 64 lính công binh Việt Nam, và chiếm một phần Trường Sa. Những diễn biến sau đó và những hành động xâm lấn và củng cố của Trung Quốc là những trang sử buồn của dân tộc.

Trong bối cảnh hiện nay, cuốn sách “Vietnam, Territoriality and the South China Sea” của Nguyễn Nhã và Lâm Vĩnh Thế là một sự nhắc nhớ rằng chúng ta không được quên Hoàng Sa và Trường Sa. Cuốn sách là một nỗ lực nhằm hệ thống hóa những dữ liệu lịch sử, những chứng từ pháp lý, và dữ liệu kỹ thuật để chỉ ra rằng Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền Việt Nam. Sách chỉ có 190 trang, gồm 7 chương như sau:

• Dẫn nhập
• Dữ liệu lịch sử
• Chứng từ pháp lý
• Dữ liệu khoa học và kỹ thuật
• Chủ quyền liên tục của Việt Nam
• Chủ quyền của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế
• Kết luận

Có vẻ nhà xuất bản Routledge nhận thức được rằng nội dung sách mang tính “tế nhị”. Trong lời dẫn nhập, họ viết “The book touches on a very sensitive, topical issue of international importance with wide-ranging and serious consequences.” (tạm dịch: Cuốn sách động chạm đến một vấn đề quốc tế rất nhạy cảm và mang tính thời sự với những hệ quả mang tính rộng lớn và nghiêm trọng). Nhưng trong môi trường học thuật, thì đây là một đóng góp quan trọng từ phía Việt Nam cho cộng đồng học thuật quốc tế.

hoang sa truong sa
Bìa sách, mục lục và lời giới thiệu về cuốn sách do NXB Routledge phát hành vào tháng 10/2018.

Cho đến nay, chúng ta phải nhìn nhận một thực tế là những chứng từ về Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam ít khi được công bố trên các diễn đàn khoa học quốc tế. Rất rất nhiều những bài báo tiếng Việt về chủ đề này khó mà xuất hiện trên các tập san khoa học vì nội dung còn hạn chế, văn phong cảm tính, và cách trình bày chưa đạt qui chuẩn khoa học. Hệ quả là hầu hết những “nghiên cứu” đó chỉ lưu truyền trên báo chí phổ thông hay tạp chí khoa học tiếng Việt. Ngược lại, điểm qua những tập san về khoa học xã hội xuất bản bằng tiếng Anh thì các bài báo và công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc rất nhiều và hầu như “áp đảo” những bài của Việt Nam. Dù có thể chúng ta không đồng ý với quan điểm của họ, nhưng phải ghi nhận rằng giới khoa học Trung Quốc đã biết chọn diễn đàn để lên tiếng. Do đó, khi nói đến Hoàng Sa và Trường Sa, các học giả nước ngoài chỉ quen với quan điểm của giới khoa học Trung Quốc hơn là của phía Việt Nam.

Đã đến lúc chúng ta nên giảm những bài viết kiểu “ta nói cho ta nghe, ta viết cho ta đọc”, mà nên vươn ra trường khoa học quốc tế và đối thoại với giới khoa học phương Tây. Tác giả Nguyễn Nhã là một trong những người đi tiên phong trong việc vươn ra trường khoa học quốc tế qua việc xuất bản cuốn sách khảo cứu bằng tiếng Anh này. Dù cuốn sách vẫn chưa phải là một “peer reviewed publication” (tài liệu xuất bản đã được thông qua phê bình nhận xét bởi các chuyên gia trong ngành), nhưng những chứng từ thực tế trong sách sẽ giúp cho các nhà khoa học phương Tây nhận ra một thực tế khác, một thực tế có thể thuyết phục hơn là những tuyên truyền núp bóng khoa học của giới khoa học Trung Quốc.

Có lẽ cuốn sách cũng giúp cho độc giả phương Tây (ngoài khoa học) hiểu hơn về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và trường Sa. Những thông tin trong sách giúp cho họ và người Trung Quốc biết và hiểu được tại sao người Việt Nam chính gốc (để phân biệt với người Việt Nam làm việc cho kẻ thù) sẽ không bao giờ từ bỏ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo đó. Đối với người Việt Nam, Hoàng Sa và Trường Sa là máu, là thịt của đất nước. Ngày nào hai quần đảo đó còn trong tay kẻ thù, ngày đó người Việt Nam không ngủ yên và không hạnh phúc.

Đối với người Việt, quyển sách “Vietnam, Territoriality and the South China Sea” là một nguồn tham khảo quý báu để thế hệ sau hiểu hơn về những nỗ lực của các bận tiền nhân khẳng định chủ quyền và bảo vệ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam ở nước ngoài bây giờ đã có một tập tài liệu có giá trị làm tài liệu tham khảo, và để chia sẻ với các đồng nghiệp quốc tế. Cuốn sách, do đó, nên có mặt trong tủ sách của tất cả gia đình người Việt trên khắp thế giới. Cuốn sách dù chưa được báo chí Việt Nam nhắc đến, nhưng tôi rất hân hạnh giới thiệu đến các bạn.

Chú thích:

  1. https://www.routledge.com/Vietnam-Territoriality-and-the-South-China-Sea-Paracel-and-Spratly-Islands/Nguyen-Nha-Lam/p/book/9781138321182?fbclid=IwAR0jTBWdR8znbYnuSDxn_Scbpc7YpuhoObi92WW0pZc5Y0XSzKv_7vyGA88

Theo Facebook GS Nguyễn Văn Tuấn

Xem thêm: