Hợp tác xã đã quay trở lại, với một cái vỏ cao cấp hơn, dưới một hình thức tinh vi hơn: phúc lợi cao.

Khi nhìn vào thế giới phương Tây, rất nhiều người Việt nhấn mạnh vào phúc lợi xã hội làm thước đo cho sự văn minh của phương Tây: chăm sóc y tế, bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp, v.v.. Tất nhiên, phúc lợi xã hội là một điều cần được quan tâm lưu ý, nhưng điều đáng nói là ở chỗ, rất nhiều người Việt đã tới phương Tây, bám trụ và cố gắng tồn tại trong xã hội của họ dưới một hình thức trợ cấp nào đó. Thậm chí một số người đủ khả năng lao động lại không chịu kiếm công ăn việc làm, mà chỉ lo sao để có được trợ cấp thất nghiệp. Thực trạng đáng buồn ấy đã cho thấy rằng, dù ở trong một thế giới phương Tây giàu tính nhân văn, điều người ta không thoát khỏi được, lại chính là tư duy “hợp tác xã” vẫn đang đeo bám.

Khái niệm “hợp tác xã” mà chúng ta nói tới ở đây là khái niệm hợp tác xã được sử dụng vào thời bao cấp. Bấy giờ, mọi người lao động theo các chỉ tiêu định mức được đặt ra, tất cả đều đặt dưới sự quàn lí của nhà nước. Mọi nhu cầu thiết yếu sẽ được phân phát lại theo đầu người qua hình thức tem phiếu, sổ gạo… Với khẩu hiệu “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”, hợp tác xã đã gây ra rất nhiều điều phi lý, phá hủy nền kinh tế và để lại một bài học đau thương cho dân tộc.

Hợp tác xã được áp dụng ở miền Bắc từ năm 1945, ở miền Nam từ năm 1975. Đến năm 1986, nhận thấy không thể tiếp tục theo đuổi mô hình hợp tác xã, giới cầm quyền ở Việt Nam buộc phải thay thế bằng một mô hình khác, dù vẫn dưới tên gọi là “hợp tác xã”.

Nhìn sang các nước khác, tư duy “hợp tác xã” đã tạo ra những thảm họa kinh khủng mang tên “thiên đường nhân gian”:

  • Ở Liên Xô, từ năm 1933~1937 có đến 11 triệu người chết đói.
  • Sau năm 1960, khoảng 30 triệu người Trung Quốc đã bị chết vì nạn đói lớn.
  • Nạn đói Triều Tiên ước tính khoảng 3 triệu người phải làm “quỷ đói”.
  • Đảng cộng sản Campuchia – Khmer đỏ – công hữu hóa làm ước tính 2 triệu người bị chết đói.

Và khi giấc mộng “hợp tác xã” sụp đổ, thì người ta tưởng rằng nó đã thật sự kết thúc – nhưng người ta đã lầm…

Tư duy “hợp tác xã” đã len lỏi vào toàn thể xã hội nhân loại, dẫn dụ lòng tham của con người, dẫn dụ ao ước được hưởng mà không phải trả giá của con người. Khi nước Đức gồng mình gánh trợ cấp cho những người nhập cư khỏe mạnh chỉ mong những bữa ăn miễn phí, khi nước Mỹ muốn xây một bức tường để ngăn cản người nhập cư Mexico, khi cả châu Âu trở nên khủng hoảng chia rẽ trước làn sóng tị nạn, khi các nước phương Tây nổi tiếng với phúc lợi xã hội hoảng sợ trước những kẻ “sẽ có nguy cơ ăn bám” (dù không phải tất cả), thì chúng ta hiểu một điều rằng, tư duy “hợp tác xã” đã quay lại dưới cái vỏ “phúc lợi cao”.

Về cơ bản, hình thức thu thuế cao để có được phúc lợi cao là một hình thức “lấy của người giàu chia cho người nghèo” (Xem bài: “Lấy của người giàu chia cho người nghèo” là tốt hay là xấu?). Mặc dù tân tiến hơn, nó vẫn là một hình thức phân chia “không làm mà hưởng”. Cả hợp tác xã bao cấp và phúc lợi cao đều được xếp đặt dưới luật lệ của nhà nước, đều có sự cào bằng xã hội, đều thoạt nghe rất có lý và hấp dẫn người ta. Phúc lợi cao tốt hơn ở chỗ, nó được đặt dưới một cơ chế có lương tâm hơn, chỉ trích rút theo % thu nhập (thuế) chứ không phải là tịch thu 100% như hợp tác xã. Tuy nhiên bởi vì nhà nước là người sẽ định ra thuế, nên một hệ thống thuế tốt vẫn cần nền tảng lý trí và đạo đức từ chính phủ của một quốc gia.

Có người biện hộ rằng phúc lợi cao sẽ tạo ra công bằng xã hội. Nhưng công bằng xã hội không cần và không nên đến từ nhà nước, bởi vì nó cần đến từ sự thiện nguyện của người dân. Khi công bằng nằm dưới sự phân phối của nhà nước thì ít người sẽ làm từ thiện hơn, lòng thương sẽ nhỏ lại. Cũng trong hoàn cảnh ấy, sự ích kỷ sẽ khiến người ta tìm kiếm lợi ích, lợi ích nhóm, hơn là sự công bằng. Người Mỹ làm từ thiện nhiều không phải bởi vì họ giàu có, mà bởi vì họ biết đó là trách nhiệm của chính mình. Khi nước Mỹ hùng cường nhất, khi người dân Mỹ giàu có nhất, thì 70% dân số Mỹ có công việc kinh doanh riêng. Vậy nên, hạnh phúc không đến từ phúc lợi…

Việc nhấn mạnh vào phúc lợi cao còn là một sự sai lệch cực kỳ nghiêm trọng. Phúc lợi cao có thể là hệ quả của một xã hội văn minh, nhưng nó lại không phải là một tiền đề của xã hội văn minh. Một xã hội nếu chỉ chú trọng phúc lợi cao mà không nhìn đến sự tự do kinh doanh, sự công chính của chính phủ, sự nhân bản của con người, thì không bao giờ có thể thực sự có phúc lợi cao. Cái được gọi là “phúc lợi cao” chẳng qua là sự tiêu tốn tích lũy tài sản của xã hội, khi đã tiêu hết thì người dân mới đột ngột phát hiện ra sự thật đó.

Trong hoàn cảnh miễn cưỡng tiếp tục, thuế phải được tăng cao, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ chết, người dân sẽ nghèo đi, sự bành trướng của lợi ích nhóm, cùng với sự ích kỷ của cá nhân mỗi người sẽ đẩy xã hội đó hướng đến một chế độ độc tài. Nếu tiếp tục với tư duy “hợp tác xã” thì chắc chắn đất nước cùng dân tộc đó rồi sẽ đứng ở bờ vực diệt vong.

Sau bao nhiêu đau thương, điều người ta đáng lẽ cần học được chính là biết tự trọng, biết đủ, hiểu rằng “làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít”. Nhưng xem ra, nhiều người vẫn không thể nhìn thấu tư duy “hợp tác xã”. Hợp tác xã đã quay trở lại, với một cái vỏ cao cấp hơn, dưới một hình thức tinh vi hơn: phúc lợi cao.

Nguyễn Vĩnh biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: