Ngày mùng 1 tháng 7 này đánh dấu 20 năm Anh trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc, dưới một mô hình được gọi là “một đất nước, hai chế độ.” Nhưng một câu hỏi không thể tránh khỏi sẽ phủ bóng lên các lễ kỷ niệm chính thức: Có thật là có gì để kỷ niệm hay không?

Hoàng Chi Phong, lãnh đạo phong trào dân chủ của học sinh, sinh viên Hồng Kông năm 2014

Nếu chúng ta hỏi Đặng Tiểu Bình, kiến trúc sư của mô hình “một đất nước, hai chế độ,” rằng lễ kỷ niệm 20 năm cuộc trao trả sẽ như thế nào, có lẽ ông sẽ nói rằng các cư dân Hồng Kông sẽ nâng ly chúc mừng sự thịnh vượng và tự do của mình. Về phần mình, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ thể hiện sự đáng tin cậy và khả năng quản trị của mình, qua đó cuối cùng cũng xoa dịu được “dàn đồng ca” của những người bi quan đã nghi ngờ Đảng Cộng sản Trung Quốc và sự chân thành trong những lời hứa hẹn của Đảng đối với Hồng Kông.

Nhưng thực tế thì rất khác. Ngày nay, những cảnh tượng vốn không thể hình dung được ở Hồng Kông năm 1997 – các cuộc biểu tình quần chúng chống Trung Quốc, các phần tử cấp tiến chống Đảng Cộng sản Trung Quốc đắc cử vào hội đồng lập pháp của thành phố, những lời kêu gọi độc lập công khai – đã trở thành thường lệ.

Chắc chắn, các lực lượng kinh tế mạnh mẽ – bao gồm sự trỗi dậy của Trung Quốc, toàn cầu hoá, bất bình đẳng trầm trọng, và giá bất động sản tăng cao – đã vùi dập Hong Kong từ năm 1997, phá hoại khả năng cạnh tranh của thành phố và góp phần tạo nên bất mãn xã hội. Nhưng dù các yếu tố kinh tế xã hội bất lợi đã làm trầm trọng thêm sự thất vọng của dân chúng, các cuộc biểu tình quần chúng đã trở thành một thực tế trong đời sống của thành phố về cơ bản lại là các cuộc biểu tình chính trị tập trung vào quyền của người dân Hồng Kông.

Trong bối cảnh này, rất ít người sẽ cho rằng mô hình “một đất nước, hai chế độ” là một thành công. Trên thực tế, mô hình này có lẽ đã thất bại từ trong trứng nước, do một số sai sót chết người vốn nằm sâu trong cấu trúc của nó.

Thứ nhất, văn bản cam kết Trung Quốc sẽ tôn trọng các quyền dân chủ của người dân Hồng Kông đã cố tình bị thể hiện một cách mơ hồ. Ngay cả tuyên bố chung mà chính phủ Anh và chính phủ Trung Quốc ký năm 1984, mở màn cho cuộc trao trả năm 1997, cũng đưa ra một hứa hẹn có phần không rõ ràng rằng Đặc khu trưởng Hồng Kông sẽ được Trung Quốc bổ nhiệm “trên cơ sở kết quả bầu cử hoặc tham vấn tổ chức ở địa phương.”

Hơn nữa, bên duy nhất có quyền thi hành các điều khoản của tuyên bố chung, chưa nói đến Luật Cơ bản, tức “tiểu hiến pháp” của Hồng Kông, là chính quyền trung ương Bắc Kinh. Kết quả là các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể không tôn trọng tinh thần hoặc thậm chí các điều khoản rõ ràng về cam kết của mình mà không bị trừng phạt. Sự cực đoan hóa của người Hồng Kông hiện nay, đặc biệt là giới trẻ, phản ánh mong muốn thay đổi điều đó và bắt Trung Quốc trả giá vì đã từ bỏ lời hứa về “quyền tự trị” và đáp trả bất đồng bằng đàn áp.

Còn một đặc điểm nữa trong mô hình “một đất nước, hai chế độ” khiến nó thất bại: quyết định có chủ ý của Trung Quốc nhằm cai trị Hồng Kông thông qua các nhà tư bản thân hữu. Dù có vẻ trớ trêu, cái gọi là các nhà cộng sản của Trung Quốc lại có vẻ tin tưởng các nhà tài phiệt của Hồng Kông hơn là tin người dân của mình (có lẽ vì mua chuộc các nhà tài phiệt thì ít tốn kém hơn nhiều).

Nhưng vì lòng trung thành của họ nằm ở những người chống lưng ở Bắc Kinh mà không phải là ở người dân của thành phố mà họ quản lý nên các nhà tư bản thân hữu của Hồng Kông lại là các chính trị gia tồi. Dưới trướng của Đảng Cộng sản, họ có được quyền lực và những đặc quyền mà dưới chế độ Anh họ không thể có. Nhưng điều đó khiến họ không đáp ứng được cử tri của mình khi cử tri ngày càng trở nên xa lánh họ. Kết quả là các đại diện ủy nhiệm của Trung Quốc đã không đảm bảo được tính chính danh đối với dân chúng.

Hãy xem xét số phận của các đặc khu trưởng của Hồng Kông, do các nhà cai trị Trung Quốc tự tay lựa chọn để điều hành thành phố. Người đầu tiên, Đổng Kiến Hoa, phải đối mặt với nửa triệu người biểu tình vào năm 2003; năm 2005, mới được nửa nhiệm kỳ thứ hai, sự mất lòng dân ngày càng lớn đã buộc ông phải từ chức. Người kế nhiệm ông Đổng, Tăng Âm Quyền, đã hoàn tất hai nhiệm kỳ, không hơn, và phải vào tù vì tham nhũng (cùng đặc khu phó của mình) sau khi rời nhiệm sở. Lương Chấn Anh, người đến sau đó, cũng thảm hại đến mức các nhà cai trị Trung Quốc đã phải loại bỏ ông chỉ sau một nhiệm kỳ.

Dĩ nhiên, cách tiếp cận “một đất nước, hai chế độ” không hẳn là một thảm họa tuyệt đối. Với những khoảng cách văn hóa, kinh tế, và thể chế rộng lớn giữa Hồng Kông và đại lục, tình hình có thể đã trầm trọng hơn nhiều. Nhưng điều đó cũng không khiến nó trở thành một mô hình bền vững. Trên thực tế, rất có thể nó đã chết rồi.

Trong thâm tâm, các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn luôn tìm cách hướng tới một mô hình “một đất nước, một chế độ” cho Hồng Kông. Đặng cho rằng quá trình chuyển đổi này phải mất 50 năm, nhưng những người kế nhiệm ông chỉ mất 20 năm, và họ thậm chí còn không nhận thức được đầy đủ rằng nó đang diễn ra. Bất kể chính quyền Trung Quốc theo đuổi chính sách gì ở Hồng Kông từ nay đến năm 2047 đi chăng nữa thì mục tiêu cũng sẽ là khiến hiện tại – đặc biệt là sự thiếu vắng các quyền chính trị – trở thành một thực tế của tương lai.

Nguồn: Minxin Pei, “One Country, One System,” Project Syndicate, 29/06/2017.

Minxin Pei (Bùi Mẫn Hân) là giáo sư ngành quản trị chính quyền tại Claremont McKenna College, và là nghiên cứu viên cao cấp không thường trú tại Quỹ German Marshall Fund of the United States. Ông là tác giả cuốn China’s Crony Capitalism.

Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng/nghiencuuquocte.org