Báo cáo Khảo sát quốc tế về minh bạch ngân sách năm 2017 của Hiệp hội Ngân sách Quốc tế (International Budget Partnership – IBP) cho thấy Việt Nam có chỉ số minh bạch ngân sách chỉ ở mức 15/100, thấp hơn chỉ số trung bình thế giới vốn ở mức 43/100.

Chỉ số này của Việt Nam thấp hơn Campuchia (20/100) và đất nước đang chìm trong khủng hoảng ở châu Phi là Zimbabwe (23/100). IBP khảo sát tổng cộng 115 quốc gia trên toàn thế giới.

Hiệp hội Ngân sách Quốc tế: Minh bạch ngân sách, Việt Nam kém hơn Zimbabwe
Vị trí của Việt Nam giữa một số nước khác. (Nguồn: Hiệp hội Ngân sách Quốc tế – Xem báo cáo tiếng Anh tại đây)

Người dân một quốc gia giám sát chính phủ dùng tiền thuế của họ thế nào?

IBP đo đạc thế nào để ra chỉ số minh bạch ngân sách nói trên? Trả lời câu hỏi này thì ta cũng đồng thời trả lời được câu hỏi trên tựa đề phần này.

Theo IBP, một đất nước có chỉ số cao, hay mức độ minh bạch ngân sách cao, nếu như:

  • Chính quyền nước đó cho đăng tải công khai các thông tin, báo cáo ngân sách quốc gia để người dân tiếp cận dễ dàng (trong thời đại internet, tức là luôn “post link full không che”, tức là “dân biết”).
  • Chính quyền nước đó tạo điều kiện cho người dân tham gia dễ dàng vào các hoạt động “dân bàn”, “dân kiểm tra” việc dùng thuế của nhà nước;
  • Các cơ quan giám sát ngân sách quốc gia sẵn phải “oai” và làm “ra cơm ra cháo”, chứ không chỉ làm “bù nhìn”.
Hiệp hội Ngân sách Quốc tế: Minh bạch ngân sách, Việt Nam kém hơn Zimbabwe
Báo cáo Khảo sát quốc tế về minh bạch ngân sách năm 2017 của Hiệp hội Ngân sách Quốc tế vừa được công bố tháng 02/2018. (Ảnh: internationalbudget.org)

Thông thường mỗi quốc gia có ít nhất hai cơ quan giám sát ngân sách quốc gia: Cơ quan lập pháp (quốc hội) giám sát chung ở mức vĩ mô, toàn cảnh; và cơ quan kiểm toán quốc gia giám sát ở mức vi mô, thường xuyên hơn, nhỏ nhặt chi tiết hơn.

Không phải cứ có mặt hai “ông” lập pháp với kiểm toán thì nghiễm nhiên là việc giám sát có hiệu quả, vì ở mỗi nước, các “ông” này lại có mức độ “oai dũng” khác nhau, tùy theo luật pháp mỗi quốc gia quy định.

Việt Nam: kém công khai

Ở Việt Nam, Quốc hội giám sát ngân sách quốc gia thông qua Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội.

Đây là một ủy ban bao gồm một nhóm các đại biểu quốc hội chuyên trách thẩm tra nhiều thứ, trong đó có: dự toán ngân sách nhà nước; phương án phân bổ ngân sách; và cả các dự án luật và dự án pháp lệnh thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách, v.v.

Trong nhiệm kỳ Quốc hội hiện nay (2016-2021), Ủy ban Tài chính – Ngân sách có 45 thành viên là đại biểu đến từ hơn 35 tỉnh, thành trên cả nước.

Còn cơ quan Kiểm toán Nhà nước tại Việt Nam, có trụ sở tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, do Quốc hội lập ra. Người lãnh đạo cơ quan này do Quốc hội đề cử và bầu vào, với sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2006, Kiểm toán Nhà nước có nhiệm vụ “kiểm tra, đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính; việc tuân thủ pháp luật; tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.”

Như vậy, về hình thức, Việt Nam không khác các quốc gia khác lắm về “thông lệ quốc tế” liên quan đến giám sát ngân sách.

Vậy tại sao Việt Nam chỉ được 15/100?

Hiệp hội Ngân sách Quốc tế: Minh bạch ngân sách, Việt Nam kém hơn Zimbabwe
Một đoàn giám sát của Ủy ban Tài chính- Ngân sách Quốc hội trong một buổi làm việc với chính quyền tỉnh Thanh Hóa.

IBP đánh giá hai cơ quan nói trên của Việt Nam chỉ giám sát ngân sách ở mức “đầy đủ” (adequate). Tuy nhiên:

  • Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội không thẩm tra hay công bố lên mạng internet các báo cáo thẩm tra việc thực thi ngân sách trong năm;
  • Ủy ban này cũng không thẩm tra hay công bố lên mạng các báo cáo liên quan đến Báo cáo Tổng kiểm toán cuối năm của cơ quan Kiểm toán Nhà nước.

Cơ quan Kiểm toán Nhà nước thì trực thuộc Quốc hội nên được đánh giá là khá độc lập với chính phủ, tuy nhiên quy trình kiểm toán của cơ quan này không được thẩm tra lại bởi bất kỳ một cơ quan nào hoàn toàn độc lập với bộ máy nhà nước.

Tuy nhiên, như đã thấy, tiêu chuẩn minh bạch của IBP không chỉ nằm ở chỗ có cơ quan nhà nước chuyên trách hay không.

IBP phê bình Việt Nam nhiều nhất ở mặt đảm bảo công khai thông tin ngân sách quốc gia.

Từ năm 2015 đến nay, IBP ghi nhận chính phủ Việt Nam đã giảm mức độ công khai thông qua các việc sau:

  • Không công bố nhanh chóng và kịp thời lên mạng một phiên bản dễ hiểu của bản Dự trù thu chi tài chính của nhà nước;
  • Không công bố nhanh chóng và kịp thời lên mạng bản Dự trù thu chi tài chính của chính phủ;
  • Không công bố nhanh chóng và kịp thời lên mạng Báo cáo Kiểm toán cuối năm của cơ quan Kiểm toán Nhà nước;
  • Không thực hiện các báo cáo thẩm tra thực thi ngân sách giữa năm.

Giám sát chính phủ dùng thuế ở Anh: chi tiết tới từng khoản một

Trên bảng đánh giá của IBP, “chính phủ nước người ta” Anh quốc có tổng điểm minh bạch ngân sách là 74/100.

Cũng như Việt Nam, Anh quốc giám sát ngân sách qua hai cơ quan chính:

Ủy ban Ngân sách Công của Quốc hội Anh còn có được sự trợ giúp của một Đơn vị Thẩm tra (Scrutiny Unit) hoạt động thường trực bao gồm khoảng 14 nhân viên văn phòng Quốc hội. Đơn vị này luôn có ít nhất hai chuyên viên pháp lý, bốn chuyên viên phân tích tài chính, và các thành viên khác bao gồm các nhà kinh tế và phân tích chính sách công.

Ngoài ra, Anh quốc có Cơ quan Trách nhiệm Ngân sách (Office of Budget Responsibility – OBR) – một cơ quan công không trực thuộc bộ máy nhà nước (non-departmental public body).

Hiệp hội Ngân sách Quốc tế: Minh bạch ngân sách, Việt Nam kém hơn Zimbabwe
Bản đồ tương tác trên website tra cứu ngân sách của Nghị viện Anh, cho thấy rõ số tiền khi nhấn chuột vào từng khoản một.

OBR có nhiệm vụ giám sát độc lập ngân sách nhà nước và thẩm tra các dự án tài chính công của chính phủ, cũng như thường xuyên đánh giá năng lực chính phủ Anh dựa vào các mục tiêu thuế khóa nhất định. OBR mỗi năm báo cáo trực tiếp cho Quốc hội và tư vấn cho chính phủ mỗi khi được yêu cầu.

IBP đặc biệt đánh giá cao chính phủ Anh nhất là ở mặt “post link full không che”: Chính phủ Anh công bố các báo cáo ngân sách lên mạng thường xuyên và luôn đúng thời điểm người dân cần. Đặc biệt, các báo cáo thường chi tiết, dễ hiểu với người dân.

Có thể thấy điều này qua việc nhìn qua trang đăng các báo cáo Quốc hội của chính phủ Anh. Tại đây, người dân có thể dễ dàng tiếp cận các báo cáo Dự trù ngân sách được trình bày sinh động đủ màu.

Giám sát chính phủ dùng thuế ở Hàn Quốc và Thái Lan

Nhà vận động đi theo “thông lệ nước ngoài” nào đấy đến đây bỗng nhiên muốn “vặn vẹo” rằng… Tây sao mà “đặc thù” bằng ta, so làm sao được, thì có thể nhìn ngay sang một “chính phủ nước người ta” khác gần gũi hơn.

Các “oppa” Hàn Quốc đạt được số điểm 60/100 nhờ vào:

  • Vừa có Ủy ban chuyên trách của Quốc hội, vừa có Kiểm toán quốc gia, vừa có một cơ quan chuyên trách độc lập làm đúng một việc là thẩm tra ngân sách nhà nước: Văn phòng Ngân sách Quốc hội.
  • Công bố các báo cáo ngân sách dễ hiểu thường xuyên và đúng hẹn trên mạng. Khuyết điểm duy nhất là không thực hiện hay công bố các báo cáo thẩm tra trong năm.

Nếu muốn cãi là vì Hàn Quốc từng “độc tài sáng suốt” nên mới đạt được tầm cỡ như trên thì trước tiên phải nhìn sang một đất nước thường được xem là “vừa dân chủ nửa mùa, lại chả sáng suốt” là Thái Lan.

Chỉ số minh bạch ngân sách IBP của Thái Lan là 56/100.

Công thức của Thái Lan gần giống công thức của Hàn Quốc: có cơ quan thẩm tra ngân sách độc lập, bên cạnh Quốc hội và Kiểm toán quốc gia; đồng thời đảm bảo công bố công khai các báo cáo ngân sách chi tiết, dễ hiểu lên mạng thường xuyên và đúng hẹn , để “dân biết” và biết kịp thời, chứ không phải là “dân biết khi việc đã quyết”.

Nam Quỳnh
Trích đăng lại từ bài viết “Minh bạch ngân sách: Việt Nam kém hơn Campuchia và Zimbabwe” trên tạp chí Luật Khoa tại luatkhoa.org

Xem thêm: