Thời gian thoi đưa, rốt cuộc mọi người cũng chật vật bước qua năm 2022 để bước vào năm mới 2023, nhưng các chuyện kỳ dị bên kia Trung Quốc Đại Lục vẫn vậy liên miên không ngớt: Chỉ lệnh cấm pháo hoa cũng trở thành vấn đề, có ẩn chứa nguy cơ xã hội lẫn hy vọng trong đó.

dot phao
Tối ngày 2/1, người dân ở huyện Lộc Ấp, tỉnh Hà Nam đã chống lại việc cảnh sát bắt những người dân đốt pháo, họ leo lên xe cảnh sát, giẫm đạp và lật ngã xe. (Ảnh cắt từ video)

Truyền thông gọi chung các hoạt động đối đầu nhà chức trách ở nhiều nơi tại Đại Lục này là “Phong trào Pháo hoa”, nổi bật nhất là hai nơi: Người dân Nam Kinh phá vòng phong tỏa của cảnh sát đến tập trung trước tượng Tôn Trung Sơn ở trung tâm thành phố để dâng hoa, thả bóng bay và đốt pháo hoa; xung đột giữa cảnh sát và người dân ở huyện Lộc Ấp – Chu Khẩu tỉnh Hà Nam, có thanh niên đã lật cả xe cảnh sát.

Tất nhiên, trên khắp Đại Lục đã chứng kiến nhiều hành động chống lệnh cấm pháo hoa của nhà chức trách, nhiều video cho thấy người ta ngang nhiên vừa chạy xe vừa bắn pháo hoa trong khi cảnh sát truy đuổi phía sau, cảnh người dân “ngang nhiên so găng” với cảnh sát này diễn biến một cách đầy sinh động.

Có video được chia sẻ cho thấy, tại huyện Lộc Ấp ở tỉnh Hà Nam vào tối ngày 2/1, nhiều người đã xuống đường bắn pháo hoa. Họ bị cảnh sát bắt khiến những người có mặt tức giận. Đám đông đã bao vây xe cảnh sát và hét lên “hãy thả người”. Trong khi nhiều người chặn phía trước đập vào xe cảnh sát, còn những người phía sau ném tạp vật về phía cảnh sát, hiện trường vô cùng hỗn loạn. Cảnh sát bị bao vây thậm chí còn tiến lên mở cửa xe để chứng minh bên trong không có người bị bắt.

Tóm lại, cảnh sát không còn giữ thể diện, trong khi công chúng phẫn nộ chỉ vì không được bắn pháo hoa. Cuối cùng cảnh sát đành rút lui nhưng bỏ lại chiếc xe để công chúng trút giận, thời gian này có thanh niên đã nhảy lên xe cảnh sát “khuấy động không khí”. Người này còn tháo biển số xe cảnh sát ra vẫy, có thể nói đó chính là một cách biểu hiện đối đầu công quyền [phi pháp].

Với những gì xảy ra ở Hà Nam, dù chỉ sự cố nhỏ nhưng cơ hồ phát triển thành cảnh hỗn loạn thực sự là vấn đề làm bất ngờ giới công quyền. Rõ ràng, công quyền kiểm soát nghiêm ngặt toàn diện của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng đã không còn hiệu quả trước bức xúc kiểu ‘tức nước vỡ bờ’ của người dân.

Sự cố pháo hoa ở Hà Nam nhất định sẽ khiến các cơ quan công quyền địa phương lo lắng. Vụ việc xảy ra đầy bất ngờ và trong nháy mắt, người ta thậm chí lật cả xe cảnh sát, vậy thì cảnh leo thang có thể xảy ra tiếp theo như thiêu rụi tòa nhà chính phủ cũng không phải là không thể.

Tình cảnh bùng phát cảm xúc của người dân như vậy có thể chỉ đơn giản là màn dạo đầu cho bức tranh xã hội Trung Quốc “đại loạn”. Người dân trên toàn Đại Lục đã bị nhà cầm quyền ĐCSTQ cưỡng bức phong tỏa trong 3 năm, làm vô số người chết oan, bao nhiêu gia đình tan cửa nát nhà, vợ chồng ly tán… khiến dân tình như trong lò lửa bức xúc đè nén. Sự kiện đông đảo người dân Trung Quốc đồng loạt bắn pháo hoa vừa qua, có thể như điềm báo cho mọi biến cố lớn có thể bùng phát, dù chỉ cần sự cố nhen nhóm nhỏ bé.

Qua video trực tiếp có thể thấy những người nổi bật nhất trong sự kiện này chính là giới trẻ. Nhiều thanh niên trẻ tuổi Trung Quốc đầy nhiệt huyết đã chịu cảnh thất nghiệp trầm trọng trong những năm gần đây. Họ thực sự là nhóm bị tổn thương nhiều nhất. Trong họ có thể đang tích tụ tràn đầy “cảm xúc tiêu cực” nên chỉ điều nhỏ nhặt cũng có thể gây phản ứng dữ dội từ nhóm bạn trẻ này.

Nhà cầm quyền ĐCSTQ thường đổ lỗi khi giải quyết nạn thất nghiệp. Theo dữ liệu của Baidu thì tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở Trung Quốc là gần 20%, nghĩa là cứ 5 thanh niên thì có một người thất nghiệp. ĐCSTQ biết rằng những người thất nghiệp này chính là nhân tố gây mất ổn định.

Nỗi lo tiềm ẩn lớn nhất của rất nhiều vấn đề xã hội tích tụ tại Trung Quốc là cách mạng không nổ ra, mà lại là cảnh bạo loạn mọc lên như nấm sau mưa. Trong bối cảnh đó, ĐCSTQ – thế lực gây ra các vấn đề – sẽ không có cách nào giải quyết xử lý, nhức nhối là biết bệnh mà không thể trị được.

Những người bị tổn thương nặng nhất bởi bạo lực tinh thần của nhà cầm quyền ĐCSTQ là thường dân và tầng lớp trung lưu thành thị, họ là những người ít có khả năng tự bảo vệ mình nhất.

Chúng ta có thể thoáng thấy niềm vui từ sự cố bắn pháo hoa ở Nam Kinh khi đông đảo người dân kéo đến trước tượng Tôn Trung Sơn. Tuy hiện trường không xảy ra bạo loạn, nhưng xu thế ý thức chính trị từ sự kiện mới là điều ĐCSTQ lo lắng nhất. Nếu chính quyền trung ương truy hỏi thì chính quyền Nam Kinh sẽ thực sự khó giải thích, sự kiện có thể sẽ là cơn đau đầu đối với ĐCSTQ.

Hãy tưởng tượng ĐCSTQ đã cầm quyền hơn 70 năm, ai ngờ dịch bệnh COVID-19 và lệnh cấm đốt pháo hoa lại khiến người dân nhớ nhung triều đại trước. Nếu nông cạn thì có thể nghĩ có ai đó kích động, sâu xa thì sẽ hiểu căn nguyên là nhà cầm quyền không còn được lòng dân. Đại hội 20 của ĐCSTQ cũng nhắc nhiều về đường lối quần chúng, nay quần chúng thể hiện động thái hoài niệm người sáng lập ra triều đại cũ, không phải là cái tát vào mặt nhà cầm quyền đương thời sao?

Năm 2022 đã sang trang, nhưng mầm ác do ĐCSTQ gieo trồng sẽ sinh quả ác vào đầu năm 2023, có thể những quả ác đó hình thành hiệu ứng domino sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.

Chúng ta hãy hy vọng người dân Trung Quốc sẽ sớm thức tỉnh, để mọi người cùng đứng lên lật đổ ĐCSTQ, xây dựng tương lai mới. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần chuẩn bị tâm lý cho tình hình xã hội Đại Lục sẽ bị tha hóa hoàn toàn và khắp đất nước Trung Quốc một lần nữa rơi vào vòng xoáy bi đát nổi loạn thảm khốc. Hệ quả đó là cả ĐCSTQ và mọi người dân Trung Quốc sẽ trải qua màn sát hạch lớn và chấp nhận thử thách của vận mệnh lịch sử.