“Hôm nay tôi đã đọc một bài viết về việc, làm cách nào ngăn người Trung Quốc lấy giấy vệ sinh đem về nhà bằng máy quét với công nghệ nhận diện gương mặt được gắn trong nhà vệ sinh công cộng tại công viên Thiên Đàng ở Bắc Kinh.”

Cô Jennifer và con gái.
Cô Jennifer và con gái.

Dưới đây là bài viết trích từ blog của cô Jennifer Zeng, một người từng bị đàn áp vì tập Pháp Luân Công tại Trung Quốc, hiện đang sống tại Mỹ, kể về một kỷ niệm nhỏ của cô cùng một người bạn ở Úc.

“Với người ngoài Trung Quốc, tin này nghe có vẻ buồn cười. Nhưng với tôi, nó gợi nhớ đến một câu chuyện có thật từ năm 2001 bị sự kiện ngày 20/11 năm đó làm cho lu mờ.

Ngày đó, 36 người từ 15 quốc gia Tây phương khác nhau tập hợp tại quảng trường Thiên An Môn để kêu gọi cho Pháp Luân Công. Sự kiện này đã gây chấn động trên thế giới cũng như giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, những người đã thề sẽ tiêu diệt Pháp Luân Công triệt để trong 3 tháng khi ra lệnh đàn áp môn tu luyện tinh thần này vào tháng 7/1999.

Một trong số 36 người đó là Myrna Mack đến từ Úc ở cùng tôi trước khi cô đi Bắc Kinh. Vào lúc đó, chỉ một vài tháng kể từ khi tôi thoát khỏi Trung Quốc. Những người bạn đồng tu đã sắp xếp cho tôi ở cùng cô khi họ cố gắng tìm kiếm cơ hội phỏng vấn cho tôi với kênh truyền thông để phơi bày cuộc đàn áp mà tôi phải chịu ở Trung Quốc vì tập luyện Pháp Luân Công.

Bởi vì Myrna chưa từng đến Bắc Kinh trước đó, nên cô ấy dự định sẽ đến sớm hơn vài ngày để có thể tham quan một chút trước khi đến Thiên An Môn kháng nghị. Chúng tôi đều biết rằng kết quả cuộc kháng nghị của họ sẽ có thể là bị bắt hoặc thậm chí bị tra tấn. Nhưng cô ấy nhất quyết lên đường.

Tôi giúp Myrna đặt một khách sạn 3 sao ở Bắc Kinh. Trước khi cô chuẩn bị rời khỏi Sydney, tôi nói với cô, “Chúc may mắn mọi điều nhé. Vì bạn chưa từng đến Trung Quốc, và bởi vì bạn đi một mình, có một lời khuyên quan trọng tôi cần nói với bạn. Vì bạn ở trong một khách sạn khá tốt, nên sẽ có giấy trong nhà vệ sinh. Vì vậy, mỗi sáng trước khi bạn đi tham quan, hãy nhớ lấy theo càng nhiều giấy vệ sinh càng tốt; đem chúng theo. Trong hầu hết các nhà vệ sinh công cộng ở Bắc Kinh sẽ không có sẵn giấy vệ sinh. Vì vậy, bạn phải tự đem theo.”

Cô ấy rất ngạc nhiên và hỏi, “Vì sao họ không để giấy vệ sinh vậy?”

Tôi nói, “Người ta sẽ lấy hết giấy vệ sinh nếu chúng được để ở đó”.

Cô thậm chí còn ngạc nhiên hơn và hỏi với cặp mắt tròn to, “Vì sao họ lại lấy giấy vệ sinh ấy về nhà?”

Tôi phải thừa nhận rằng đó là câu hỏi đáng xấu hổ nhất mà ai đó từng hỏi tôi. Tôi phải giải thích thế nào cho cô ấy về việc những người đồng hương Trung Quốc của tôi vì sao lại ăn cắp giấy của nhà vệ sinh công cộng bây giờ?

Tôi không còn nhớ mình đã làm thế nào để trả lời câu hỏi ngây thơ của cô ấy. Dù sao, Myrna đã bay đến Bắc Kinh, ngắm cảnh, kháng nghị tại quảng trường Thiên An Môn và bị cảnh sát Trung Quốc đánh trước khi bị bắt và bị trục xuất về Úc.

Tôi gặp cô ấy tại buổi họp báo được tổ chức trước Lãnh sự quán Trung Quốc tại Sydney, vẫn còn nhớ những gì cô ấy nói trước khi rời đi: “Cả thế giới đã không còn như cũ [đối với tôi].”

Cô ấy dường như hiểu ra nhiều điều chỉ sau vài ngày, và giọng cô run lên khi nói về trải nghiệm và cho các phóng viên thấy chiếc áo thun bị xé rách của cô. Nhưng nhìn chung, cô vẫn bình tĩnh và điềm đạm.

Sau buổi họp báo, chúng tôi trở về nhà. Sau đó cô ấy nói với tôi rằng cô rất vui vì tôi đã cho cô lời khuyên quan trọng và đáng giá trước khi cô đi. Nếu không, cô có thể còn phải trải qua nhiều điều tồi tệ hơn là chỉ bị đánh, vì cô đã nhận ra rằng không có giấy vệ sinh trong toilet công cộng ở Bắc Kinh.

Cô cũng nói với tôi rằng bây giờ cô đã hiểu vì sao ở cạnh nhà vệ sinh lại là một hình phạt tại Trung Quốc. Cô kể trước khi cô đi Bắc Kinh, cô thường đọc các bài viết về việc người tập Pháp Luân Công Trung Quốc trên trang web Minghui.org, nói về việc họ bị phạt phải ngủ cạnh bên nhà vệ sinh trong tù. Cô đã từng nghĩ: “Vì sao đó lại là một hình phạt? Giường của tôi cũng đặt cạnh ngay bên nhà vệ sinh. Mỗi đêm tôi cũng ngủ bên cạnh nhà vệ sinh. Tại sao đó lại là một hình phạt?” Cô ấy không thể hiểu được nhưng lại không biết hỏi ai.

Cô nói rằng sau khi đến Bắc Kinh thì cô đã hiểu. Khi đến Bắc Kinh một mình, cô không cần hỏi người ta xem nhà vệ sinh ở đâu. Cô thường chỉ cần ngửi mùi là biết. Cái mùi kinh khủng của nhà vệ sinh luôn nói cho cô ấy biết chúng ở đâu.

Vậy đó, đó là câu chuyện 15 năm trước đây. Ngày nay cả xã hội lẫn công nghệ đã phát triển rất nhiều, vì thế giấy vệ sinh cũng đã được cung cấp cùng với máy quét nhận diện mặt người để ngăn người ta ăn trộm. Chúng ta sẽ nói “chúc mừng” cho phát minh này chứ?

Ôi, Trung Quốc, Trung Quốc thân yêu của tôi, khi nào mới có thể được tự do khỏi sự đầu độc của Đảng Cộng sản Trung Quốc và thực sự trở thành một phần của thế giới văn minh?”

Blog Jennifer Zeng

Xem thêm: