Sau chuyến thăm thứ ba tới Trung Quốc trong vòng ba tháng của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, giới truyền thông nhà nước Trung Quốc đã miêu tả nhà độc tài từng cách ly với thế giới này là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng. Tổng thống Mỹ Trump cũng cho biết, Kim Jong-un sẽ biến Bắc Triều Tiên thành một đất nước rất thành công. Liệu Kim Jong-un có thực sự thay đổi lập trường để tập trung toàn lực vào phát triển kinh tế, trở thành một nhân vật như cố lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình?

Kim Jong-un
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và vợ Ri Sol-ju đến Bắc Kinh vào ngày 19/6/2018, được Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Vương Hộ Ninh của Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp đón (Ảnh: KCNA)

Hình ảnh Kim Jong-un đã thay đổi

Trong chuyến thăm Bắc Kinh vừa qua, ngoài thông báo với lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình về Hội đàm Trump – Kim tại Singapore, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un còn đi khảo sát “thực địa” Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc và một công ty con thuộc Công ty Đầu tư Hạ tầng Bắc Kinh. Truyền thông nhà nước Trung Quốc mô tả ông ta là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng, có thể biến một quốc gia đang phát triển thành một cường quốc thế giới.

Tổng thống Trump của Mỹ cũng có vẻ thay đổi cách nhìn về Kim Jong-un, trong khi trước đây Trump hay gọi Kim Jong-un là “người tên lửa”.

Tại một cuộc mít-tinh ở bang Minnesota Mỹ vào hôm thứ Năm, ông Trump cho biết “Ủy viên trưởng Kim sẽ biến đất nước ông ta thành một đất nước vĩ đại, thành công”.

Kim Jong-un đã từ bỏ “chiến lược song hành”?

Trước thời điểm hội đàm giữa Kim Jong-un với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi cuối tháng Tư năm nay, lãnh đạo Bắc Triều Tiên cho biết Bắc Triều Tiên đã đạt được những thành công rực rỡ trong “chiến lược song hành” vừa phát triển vũ khí hạt nhân vừa phát triển kinh tế, chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên đã thành công lớn, bây giờ tập trung vào “lộ trình chiến lược mới”, đến lúc tập trung toàn nguồn lực của đất nước vào phát triển kinh tế.

Khi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tổ chức hội đàm với Kim Jong-un tại Bắc Kinh vào ngày 19/6 cũng đã xác nhận sự thay đổi chiến lược này của Bắc Triều Tiên.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, trong buổi làm việc Tập Cận Bình đã chia sẻ với Kim Jong-un rằng, “Chúng tôi rất vui mừng nhận thấy rằng Bắc Triều Tiên đã đưa ra quyết định quan trọng để chuyển sang xây dựng kinh tế, đưa xã hội chủ nghĩa của Bắc Triều Tiên bước vào một giai đoạn lịch sử mới. Chúng tôi ủng hộ sự phát triển kinh tế của Bắc Triều Tiên để cải thiện sinh kế của người dân, sẽ hỗ trợ Bắc Triều Tiên đi theo con đường phát triển phù hợp với tình hình đất nước Bắc Triều Tiên.”

Trước đó người ra quyết sách của Hàn Quốc cũng có quan điểm này, cho rằng Kim Jong-un đã thể hiện tín hiệu như vậy, ông ta đã sẵn sàng giải trừ kho vũ khí hạt nhân để có được những đãi ngộ thỏa đáng, bao gồm hỗ trợ tài chính, hiệp ước hòa bình và lời hứa an ninh khác của Washington, đây là nguyên nhân ông ta xây dựng lại nền kinh tế Bắc Triều Tiên.

Kim Jong-un có trở thành một Đặng Tiểu Bình khác?

Một số nhà phân tích thậm chí lạc quan cho rằng Kim Jong-un có thể thúc đẩy phát triển kinh tế của Bắc Triều Tiên như Đặng Tiểu Bình, kiến ​​trúc sư trưởng của kế hoạch cải cách và mở cửa tại Trung Quốc.

Giáo sư Kim Joon Hyung của Đại học Quốc tế Hàn Đông (Handong Global University) của Hàn Quốc cho rằng Kim Jong-un có thể chuyển hướng theo con đường này.

Vào hôm thứ Hai (18/6), tại Diễn đàn Chiến lược Hàn Quốc-Mỹ năm 2018 do Trung tâm Chiến lược Quốc tế và Quỹ Hàn Quốc đồng tổ chức, ông cho biết: “Ít nhất, câu chuyện thành công của Trung Quốc, Việt Nam và Singapore là nguồn khích lệ. Chúng tôi cũng đã có trải nghiệm như vậy. Cho nên ông Kim Jong-un có thể đạt được mức độ thịnh vượng nhất định về kinh tế dù còn hạn chế về vấn đề chính trị.”

Cũng có quan chức Chính phủ Trump cho rằng Kim Jong-un không giống với người cha và ông nội ông ta, hy vọng Bắc Triều Tiên sẽ đạt được sự thịnh vượng kinh tế, hơn nữa còn xem phát triển kinh tế là một phần không thể thiếu trong chiến lược tổng thể.

Tuy nhiên, một số chuyên gia Bắc Triều Tiên tại Mỹ hoài nghi về viễn cảnh này.

Victor Cha, người từng là giám đốc các vấn đề châu Á của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ thời Tổng thống George W. Bush đã nghi ngờ về việc Kim Jong-un sẵn sàng từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân để chuyển sang xây dựng kinh tế.

Tại Diễn đàn Chiến lược Hàn Quốc – Mỹ năm 2018, ông nói: “Đã nhiều thập niên qua Trung Quốc cố gắng làm cho Bắc Triều Tiên giống như Trung Quốc, hoặc giống Việt Nam, giống như Singapore, hoặc giống như Hàn Quốc. Nhưng Bắc Triều Tiên đã không làm điều này. Có thể phản bác rằng tình hình ngày nay đã khác, họ đã là một nước có vũ khí hạt nhân, vì thế họ sẵn lòng theo hướng phát triển đó. Nhưng chúng ta trở lại vấn đề ban đầu: họ sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lấy sự thịnh vượng kinh tế, hay họ muốn phát triển cả hai? Tất cả chúng ta đều lo lắng về viễn cảnh sau chứ không phải viễn cảnh ban đầu.”

Có quan chức hữu quan của Chính phủ Mỹ cho rằng, nếu Bắc Triều Tiên thực sự chuyển trọng tâm sang xây dựng kinh tế thì nước này khó có thể làm theo mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc, vì đối với Bắc Triều Tiên thì Trung Quốc là “quá lớn và đáng sợ”, còn phát triển kinh tế của Việt Nam là một mô hình dễ tiêu hóa hơn.

(Bài viết chỉ đại diện cho quan điểm và lập trường của ​​cá nhân tác giả.)

Blog Lê Nha

Xem thêm: