“Kiểm toán môi trường” là một khái niệm mới mẻ tại Việt Nam. Khái niệm này được Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhắc đến tại buổi họp báo ngày 17/9/2018, trước đại hội của các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 (ASOSAI 14) sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 19 – 22/9/2018 do Kiểm toán Nhà nước VN chủ trì đăng cai.

nhap khau phe lieu
Theo Tổng cục Hải quan, hết tháng 5/2018, hơn 2 triệu tấn sắt thép phế liệu đã được nhập cảnh vào Việt Nam. Trong hình, một kiện phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu. (Ảnh: hpcustoms.gov.vn)

Môi trường là một lĩnh vực rất rộng. Lấy ví dụ về hàng nghìn container rác thải nhập vào Việt Nam đang “vô chủ”. Xử lý chúng không dễ và dẫu có xử lý được thì môi trường cũng có những tổn hại nhất định. Ngoài ra còn là tổn hại ngân sách – chính là tiền thuế mà bất kỳ công dân nào cũng có phần đóng góp!

Kiểm toán môi trường có thể là kiểm toán quản lý sử dụng kinh phí đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, nhà máy xử lý rác dù nó được hình thành từ vốn ngân sách, vốn vay nước ngoài hay vốn viện trợ. Bãi rác Đa Phước (TP.HCM, Việt kiều đầu tư), bãi rác Thọ Vức (Phú Yên, vương quốc Bỉ tài trợ), bãi rác Sa Huỳnh (Quảng Ngãi, mô hình xã hội hóa) là những cái tên tiêu biểu tôi rất mong muốn kiểm toán Nhà nước vào cuộc bởi chắc chắn sẽ “có vấn đề”. Người dân vẫn phải trả phí thu gom và xử lý rác cho những bãi rác hoạt động kém hiệu quả, gây ô nhiễm và kể cả việc nâng khống giá xử lý rác. Và đây chỉ là 3 trong số nhiều dự án về môi trường rất cần được kiểm toán.

Chủ đề đại hội Kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 là “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” do Việt Nam đề xuất đã nhận được sự đồng thuận cao của 46 tổ chức kiểm toán tối cao các nước tham dự diễn đàn. Và để nói được, làm được thì kiểm toán Nhà nước cho biết nhiều dự án liên quan đến bảo vệ môi trường như việc nhập khẩu phế liệu, các nhà máy nước thải của Hà Nội… đang được xin ý kiến Thường vụ Quốc hội để đưa vào kiểm toán trong năm 2019. Nhưng kiểm toán môi trường còn khá mới mẻ tại Việt Nam và chưa có quy trình chuẩn, chưa có quy định chung về nguyên tắc dù trong hai năm qua đã có nhiều cuộc kiểm toán môi trường tại một số địa phương, bộ ngành.

Tôi ủng hộ kiểm toán môi trường!

nhap khau phe lieu
Container chứa đầy phế liệu nhựa không đạt chuẩn đã được vận chuyển, nhập cảnh vào cảng Hải Phòng, tháng 6/2018. (Ảnh: haiquanbinhduong.gov.vn)

Hãy nhớ các dự án BOT “bẩn” đã lộ ra nhiều sai phạm tài chính tính bằng nghìn tỷ đã lộ ra sau khi kiểm toán Nhà nước vào cuộc. Nhưng người dân không chờ đợi những cuộc kiểm toán kiểu… sự đã rồi như vậy.

Và cũng mong rằng kiểm toán Nhà nước sẽ không đi theo “vết xe đổ” của ngành thanh tra khi được trao thêm trách nhiệm và quyền hạn. Hy vọng sẽ không có cảnh “Kiểm tra, kiểm toán, kiểm kê/Ra về kiểm túi không chê thứ gì”. Muốn vậy, ngành kiểm toán phải đặt ra câu hỏi và trả lời vì sao việc định giá các dự án, tư nhân có xu hướng chọn kiểm toán quốc tế ngày càng nhiều hơn.

Còn với người dân, việc giám sát các hoạt động kiểm toán hoặc chí ít là chú ý thông tin về việc kiểm toán môi trường, chính là cách bảo vệ môi trường và túi tiền bản thân.

Theo Facebook Nhà báo Mai Quốc Ấn

(*) Tựa bài do TTVN đặt.

Xem thêm: