Sự khác biệt cơ bản giữa Cánh tả và Cánh hữu liên quan đến cách mỗi bên đánh giá về các chính sách công. Trước mỗi sự việc, người theo cánh hữu thường hỏi:  “Làm điều đó có tốt không?“, trong khi những người cánh tả đặt câu hỏi: “Làm thế có làm tôi cảm thấy tốt không?”

Hãy lấy vấn đề mức lương tối thiểu làm ví dụ. Năm 1987, tờ New York Times đã đưa ra quan điểm không nên đặt ra bất kỳ mức lương tối thiểu nào. Tiêu đề của bài xã luận trên tờ Times khi đó đã nói lên tất cả – “Mức lương tối thiểu phù hợp nhất là 0 USD.

NYTonMinimumWageJan14in1987

Bài xã luận trên tạp chí Times viết:“Có một sự đồng thuận gần như chắc chắn giữa các nhà kinh tế. Họ nhìn nhận rằng mức lương tối thiểu là suy nghĩ đã lỗi thời. Nâng mức lương tối thiểu lên một khoản đáng kể làm cho người lao động ra khỏi thị trường lao động …” Tại sao tờ New York Times bày tỏ quan điểm phản đối mức lương tối thiểu? Bởi vì họ đặt câu hỏi: “Làm điều đó có tốt không?

Nhưng 27 năm sau, trang xã luận của tờ New York Times đã viết ngược lại những gì họ đã viết hồi năm 1987. Họ kêu gọi tăng mức lương tối thiểu. Thời gian đó, trang xã luận của tờ Times đã nghiêng về phía cánh tả rất mạnh, và đã không còn bận tâm đến câu hỏi: “Làm điều đó có tốt không?” – mà họ lại hỏi: “Điều đó có làm cho bạn cảm thấy tốt không?” Và câu trả lời là họ cảm thấy tốt khi nâng mức lương tối thiểu cho người nghèo.

Một ví dụ thứ hai là chính sách phân biệt chủng tộc “tích cực”. Rất nhiều nghiên cứu và kể cả là cảm nhận thông thường và thực tế, đã cho thấy những ảnh hưởng tiêu cực của chính sách ưu đãi dựa trên chủng tộc cho nhiều sinh viên da đen. Việc hạ thấp tiêu chuẩn tuyển sinh đại học cho người nộp đơn da đen đã mang đến một số kết quả tồi tệ.

Một trong những hậu quả dễ thấy nhất là, việc này làm cho nhiều sinh viên da đen hơn không thể tốt nghiệp đại học. Tại sao vậy? Bởi vì quá nhiều sinh viên da đen đã được nhận vào trường đại học mà đòi hỏi học thuật khắt khe hơn khả năng của họ. Thay vì tham dự một trường học phù hợp với khả năng học tập của mình, một trường học nơi họ có thể phát triển, học sinh da đen lại chọn các trường đòi hỏi khắt khe hơn vì họ được hạ thấp tiêu chuẩn đầu vào. Rốt cuộc họ thường thất bại và không thể tốt nghiệp.

Rõ ràng là những người ủng chính sách ưu đãi màu da khi quyết định vấn đề này đã đặt câu hỏi: “Điều đó có làm cho bạn cảm thấy tốt không?” và họ thấy rằng họ là người tốt vì giúp được người da đen được vào học các trường cao cấp. Nhưng nếu họ đặt câu hỏi:  “Làm điều đó có tốt không?” để có được câu trả lời rằng họ làm vậy sẽ dẫn tới hậu quả không tốt khi người da đen có thể sẽ không có được tấm bằng cử nhân nữa.

Một ví dụ thứ ba là quan điểm về hòa bình và các hình thức khác của “vận động cho hòa bình”.

Nhiều người Cánh tả rất nhạy cảm về chủ đề hòa bình. Họ có niềm tin rằng việc lấy đi sinh mạng một con người luôn luôn là sai. Không phải tất cả những người cánh tả đều là những người hoà bình, nhưng chủ nghĩa hòa bình hầu như luôn luôn xuất phát từ phe cánh tả, và gần như tất cả những người cánh tả ủng hộ “hoạt động vì hòa bình”, “nghiên cứu hòa bình” và bất cứ điều gì khác có chứa từ “hòa bình”.

Còn Cánh hữu, thử hỏi có bậc làm cha mẹ nào có tư duy bảo thủ lại muốn con của họ chết trong chiến trận? Tất nhiên là không. Những người cánh hữu cũng có mong muốn hòa bình như Cánh tả, nhưng họ nhận thức rằng chủ nghĩa hòa bình và hầu hết các “nhà hoạt động vì hòa bình” lại đang làm gia tăng nguy cơ chiến tranh, chứ không phải gìn giữ hòa bình.

Không có gì đảm bảo cho chiến thắng của kẻ ác hơn việc từ chối chống lại chúng. Do đó, kẻ đại ác không bao giờ bị các nhà hoạt động vì hòa bình đánh bại, mà chúng phải bị tiêu diệt bởi các lực lượng quân sự hùng mạnh. Chiến thắng của Đồng Minh trước phe phát-xít trong Thế chiến thứ II là một ví dụ rõ ràng. Và những phần tử Hồi giáo bạo lực ngày nay cần phải bị tiêu diệt trước khi chúng có thể giết, bắt làm nô lệ, và tra tấn thêm nhiều người vô tội nữa.

Những người ủng hộ chủ nghĩa hòa bình, nghiên cứu hòa bình, giải trừ vũ khí hạt nhân của Mỹ và rút quân Mỹ khỏi các quốc gia mà họ đã chiến đấu, khi đưa ra quan điểm như vậy, họ không hỏi “Làm điều đó có tốt không?” Bởi vì thực tế làm theo cách của họ gần như không bao giờ đem đến kết quả tốt.

Việc rút toàn bộ quân Mỹ khỏi Iraq có tốt không? Tất nhiên là không. Điều đó đã dẫn tới sự nổi lên của tổ chức Hồi giáo cực đoan IS với việc tra tấn và giết người hàng loạt. Ở những trường hợp khác, vì quân đội Mỹ đã không rút khỏi Hàn Quốc, Nhật Bản và Đức, do đó các quốc gia này đã trở thành ba trong số các quốc gia thịnh vượng và tự do nhất trên thế giới ngày nay.

Vậy thì, tại sao những người theo đường lối tự do cánh tả lại ủng hộ một mức lương tối thiểu cao hơn nếu hành động đó không đem lại lợi ích? Bởi vì việc họ quyết định như vậy làm cho họ cảm thấy bản thân mình tốt. Họ nghĩ rằng: “chúng ta là những người có tư duy tự do, biết quan tâm đến người nghèo, không giống những người bảo thủ”.

Tại sao phe cách tả ủng hộ phân biệt tích cực dựa trên chủng tộc? Vì cùng một lý do. Điều đó làm cho các nhà tự do cảm thấy bản thân mình được thoải mái. Họ tỏ ra là những người đang sửa chữa sai lầm của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trong lịch sử.

Và, điều tương tự cũng đúng đối với hoạt động hòa bình cánh tả. Họ cảm thấy hài lòng nghĩ về mình là một nhà hoạt động vì hòa bình.

Tất cả điều này giúp giải thích tại sao những người trẻ tuổi có nhiều khả năng trở thành những người có tư duy tự do hơn là theo đường lối bảo thủ. Họ chưa có đủ vốn sống và trải nghiệm để thực sự biết làm điều gì là tốt. Nhưng họ chắc chắn biết những gì làm họ cảm thấy tốt.

Khi xã hội dịch chuyển càng ngày càng gần cách nhìn nhận của cánh tả hơn thì người ta cũng bận tâm hơn với việc làm sao để mình cảm thấy tốt hơn là hành động đó có mang lại kết quả tốt đẹp hay không. Thế giới càng ngày càng tồi tệ hơn, nhưng nhiều người vẫn đang cảm thấy bản thân mình càng tốt hơn trong khi thực tế mọi việc đang tồi tệ đi.

Xem tiếp: Khác nhau giữa cánh tả và cánh hữu phần 2: Chính phủ cần lớn hay nhỏ?

Theo Prager University
Thu Hương (biên dịch)

Xem thêm: