Lãnh tụ vĩ đại đã ngã xuống. Xe tăng lăn qua các con phố của thủ đô Harare. Tướng lĩnh quân đội đã bắt giữ vị lãnh đạo già nua và yêu cầu ông ta công bố nghỉ hưu và trao lại quyền lực cho người họ chọn. Một chính quyền mục ruỗng sụp đổ, cũng như sự ủng hộ của công chúng đối với ông ta. Gia đình ông chạy trốn khỏi đất nước. Những thành viên cấp cao của chính phủ hoặc là bị bắt giam tại nhà, hoặc là đang chạy trốn.

Sự từ chức của Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe dưới sức ép của quân đội, nếu không được gọi bởi tên mà bởi hành động của nó, là một cuộc đảo chính quân đội. Việc này đã kết thúc sự cai trị của một trong số ít những nhà độc tài còn sót lại từ thời Chiến tranh Lạnh.

90a39e1d445f465
Ông Mugabe (trái) và cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân (Ảnh: internet)

Vào năm 1980, sau khi lãnh đạo Đảng Liên minh Quốc gia Châu Phi Zimbabwe theo đường lối Xã hội chủ nghĩa trở thành Thủ tướng đầu tiên của nước Zimbabwe mới, một trong những hành động đầu tiên của ông Mugabe là cảm ơn Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa – nước duy nhất háo hức ủng hộ và công nhận Zimbabwe sớm nhất, và cũng là quốc gia đầu tiên công nhận loại hình chính phủ theo phong cách cá nhân của ông Mugabe.

Ngày nay, sau gần 40 năm Zimbabwe độc lập khỏi Anh Quốc, Trung Quốc đã có ảnh hưởng ngày càng tăng với quốc gia Châu Phi giàu tài nguyên khoáng sản này. Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Zimbabwe, là nước mua phần lớn sản phẩm xuất khẩu có giá trị nhất của nước này – loại thuốc gây nghiện hợp pháp – thuốc lá. Chế độ Bắc Kinh cũng rất để mắt tới trữ lượng bạch kim lớn của Zimbabwe.

Đổi lại, Trung Quốc bán cho Zimbabwe khí tài quân sự, bất chấp nước này đang bị chế tài từ phương Tây. Thực tế, có những đồn đoán cho rằng chính quyền Trung Quốc đã biết, nếu không muốn nói là đã sắp xếp, âm mưu đảo chính của các sĩ quan quân đội. Những vị tướng đứng sau cuộc đảo chính là khách của Bắc Kinh không lâu trước khi Tổng thống Mugabe bị bắt giữ. Tuy nhiên, không có bằng chứng và động cơ rõ ràng cho giả thuyết này.

Cá nhân tôi nghi ngờ sẽ có nhiều bước chân vội vàng giữa các hành lang quyền lực ở Bắc Kinh. Mặc dù có sự hỗ trợ về mặt chính trị nhất quán cho Zimbabwe, nhưng Trung Quốc cũng có nhiều lợi ích đáng kể hơn so với di tích của một quốc gia đã bị vướng mắc trong hệ tư tưởng chính trị của sự căm thù vẫn cố sống nhờ những lời kêu gào chống thực dân.

Làn sóng thay đổi chế độ lớn gần nhất, “cuộc cách mạng nhung” – Mùa xuân Ả-rập, là một biểu hiện mạnh mẽ của chủ nghĩa dân túy lật đổ các chế độ chuyên chế quyền lực hơn, ngay cả khi phong trào này kéo sang mùa hè và cho kết quả đáng thất vọng tại Syria. Tuy nhiên, sẽ có một số vị đứng đầu Bộ chính trị Bắc Kinh sẽ cảm thấy rợn tóc gáy với những tin tức hiện tại ở Zimbabwe. Đó là vì câu chuyện của Mugabe và hệ tư tưởng của chế độ của ông ta là quen thuộc đến sởn da gà đối với chính trị gia Trung Quốc. Và đương nhiên những người đang là đầu tầu của hệ tư tưởng đó sẽ cảm thấy không thoải mái.

Là một nhà cách mạng chống thực dân và người dân tộc chủ nghĩa Phi châu, Mugabe vẫn luôn bám chặt vào lý tưởng lãng mạn của nền văn minh Châu Phi. Chủ nghĩa thực dân đã không làm gia tăng cảm tình quốc gia, chỉ phá hủy và cướp bóc từ một nền văn minh đã từng kiêu hãnh. “Châu Phi phải trở lại vị thế mà nó đã có trước thời kỳ chủ nghĩa đế quốc chia rẽ nó”, ông Mugabe tuyên bố như vậy vào năm 1962. Đó là một thông điệp đã lan tỏa cùng với tiếng nói của thời đại đó.

Sau khi được làm Thủ tướng, Mugabe đã nồng nhiệt kêu gọi những người định cư da trắng của Zimbabwe hãy “ở lại đất nước này và xây dựng một quốc gia dựa trên sự thống nhất dân tộc”. Mặc dù theo đuổi mục tiêu xã hội chủ nghĩa, nhưng tân Thủ tướng Zimbabwe lúc đó hứa hẹn sẽ không quốc hữu hóa trang trại và tôn trọng các tài sản tư hữu.

Khi mà thực tế quản lý và điều hành bắt đầu cảm thấy hậu quả của mô thức xã hội chủ nghĩa, Đảng ZANU đã thông qua một lập trường mới và đổi tên thành Đảng ZANU-PF, thêm cụm từ PF (Mặt trận Yêu nước). Những đòi hỏi về bầu cử tự do của đảng đối lập đã bị xem là bất hợp pháp và các lãnh đạo của họ bị đe dọa bỏ tù nhân danh bảo vệ luật pháp và trật tự. Nền giáo dục bị kiểm soát nghiêm ngặt, và các trường đại học chuyển sang khuyến khích các nghiên cứu phi chính trị dưới sự giám sát của các quan chức đảng. Cuộc bỏ phiếu phổ thông được tổ chức dưới hình thức các lá phiếu kiểm soát. Vì tất cả điều này, một thế hệ trẻ Zimbabwe bị tuyên truyền rằng họ phải biết ơn các bậc trưởng lão vì những khó khăn trong quá khứ họ phải chịu đựng; biết ơn các “cựu chiến binh” và những binh lính khác đã thực hiện cuộc đấu tranh chống lại sự áp bức thuộc địa; và biết ơn nhà lãnh đạo vĩ đại [Mugabe] mà không có người này thế hệ trẻ sẽ không có tự do.

Vì vậy khi truyền hình quay cảnh ông Mugabe bị áp giải bởi binh lính sát sườn hai bên, chúng ta nhìn thấy một người đàn ông già nua, vụng về lê bước theo một kịch bản đã được chuẩn bị trước, với tất cả nỗ lực duy trì bộ mặt nên có của một vị anh hùng dân tộc, tôi không thể không cảm thấy viễn cảnh tương tự cho những nhà lãnh đạo của một chế độ chuyên chế khác cũng đang phải sống dưới thanh gươm của Damocles (lưỡi gươm treo trên trần nhà bằng lông đuôi ngựa). Tình huống của họ hiện nay có thể ít bấp bênh hơn và chiếc lông ngựa dày hơn bởi những lời hứa tăng trưởng kinh tế cùng quyền lực giám sát và kết tội vô song của một nhà nước cảnh sát, nhưng lưỡi gươm thì vẫn bén.

Không hiểu ông Mugabe sẽ nghĩ gì khi chứng kiến “nhân dân” của ông, những người đã từng bị áp bức dưới chế độ phân biệt chủng tộc da đen, tràn xuống đường mở hội sau khi lực lượng quân đội lật đổ vị lãnh tụ vĩ đại, người mà từng được tôn sùng cá nhân như một vị thánh. Tư tưởng của Mugabe đã từng được ca ngợi là giáo lý của đảng. Nhưng ngày nay chúng ta đang được nhắc nhở rằng chẳng có điều gì là giáo lý thực sự, bởi một ý tưởng chỉ mang giá trị khi nó liên tục đứng vững trước chỉ trích và phá hoại; và rằng việc tuân thủ các luật lệ và cảm tình về một đảng phái chỉ đạt được khi người ta tự muốn như thế. Câu chuyện này kết thúc ra sao vẫn còn rất không rõ ràng. Nhưng với kết quả của phong trào Mùa Xuân Ả-rập, bài viết này không phải bới móc của những người đứng lên chống lại quyền lực, mà vạch lỗi của một hệ thống không cho phép người dân có quyền quyết định nếu họ muốn thay đổi.

Đó là lý do tại sao sự tiến bộ của nền dân chủ đã chiến thắng, và tư tưởng dân chủ, cho dù không nói về bất kỳ một hệ thống chính trị cụ thể nào, vẫn sẽ đại diện cho điểm cuối của lịch sử. Đây không phải là chính trị học, mà là mối quan hệ của chúng ta với bản thân quyền lực. Nó phải  đại diện cho tư tưởng: tất cả quyền lực, về cơ bản, phải thuộc về nhân dân. Vinh quang của hệ thống dân chủ không nằm trong sự ban phát quyền lực, mà là ở giai đoạn chuyển tiếp từ một nền độc tài sang dân chủ. Ngược lại, chế độ độc tài sống được là nhờ vào việc dùng quyền lực để biến nó thành hợp pháp.

Và hãy nhớ rằng mọi ảo tưởng sẽ phải kết thúc, không gì là muôn năm.

Evan Fowler/ Hong Kong Free Press

Tân Bình dịch

Xem thêm: