Lái xe uống rượu ở Mỹ thường được gọi tắt là DUI (Driving Under Influence) và tuỳ vào mỗi bang sẽ khác nhau đôi chút về độ khắc khe trong việc áp dụng hình phạt. Nhưng nói chung DUI ở Mỹ là vấn đề rất nghiêm trọng và ai cũng sợ.

canh sat giao thong my
(Ảnh: Shutterstock)

Những thông tin cơ bản về DUI ở Mỹ thì như này:

– Nồng độ cồn trên 0.08 tức 8% thì bị coi là DUI.

– DUI lần đầu thì bị phạt từ 500$ đến 5000$ và bị ở tù từ 48h đến 6 tháng và giam bằng 6 tháng.

Tức là nếu bạn bị bắt khi uống rượu lái xe thì việc đầu tiên là cảnh sát sẽ còng tay quăng vào tù ít nhất 48h rồi tính gì thì tính, luật sư hay bảo lãnh gì đó thì ở tù 2 ngày đã rồi tính chứ không phải chỉ bị giam 48h là xong.

Tiền phạt mặc dù có thể từ vài trăm đến vài ngàn tuỳ mức độ nhưng còn phải cộng tiền toà án, tiền luật sư, tiền làm hồ sơ thủ tục, tiền học cai rượu bia suốt mấy tháng liền, phải lao động công ích, tiền phạt riêng của thành phố, của cộng đồng (community), của cơ quan… này nọ thì cứ xác định mất ít nhất 10.000 USD cho lần vi phạm đầu tiên này. Chưa kể bị giam bao lâu và tiền bảo lãnh tại ngoại và các phí để bảo lãnh cũng vài ngàn đến hàng chục ngàn USD nữa là ít.

Sau đó mà có yên ổn thì mỗi tháng bảo hiểm xe cũng tăng hàng trăm usd/ tháng. Đôi lúc bảo hiểm cao hàng tháng mới là cái làm cho những người đi làm lo lắng không dám vi phạm luật.

Và DUI không phải chỉ là uống rượu khi lái xe mà thậm chí chở ai đó đang uống rượu, hoặc đậu xe trong lề ngồi ở băng ghế khác uống nhưng chìa khoá xe vẫn cắm vào ổ hoặc xe vẫn nổ máy, hoặc mua bia rượu về nhà để bia rượu ở băng ghế trước chứ không để trong cốp sau thì cũng là DUI hết.

Ngoài ra nếu là quan chức như cảnh sát hay quân đội, nhân viên chính phủ… mà bị DUI thì xác định là mức phạt cao hơn nhiều lần và bị giáng chức bị đuổi là điều chắc chắn. Dù toà án có phán quyết thế nào thì nội bộ các cơ quan cũng đều có luật riêng cho những nhân viên phạm lỗi này.

Thế nên bị lỗi DUI lần đầu cũng có thể gọi là thảm hoạ. vì ở Mỹ mà không có bằng lái thì chả khác gì bị cụt chân là mấy.

DUI lần thứ 2 thì cũng như lần đầu nhưng bị giam trong tù từ 3 tháng đến 1 năm. Giam bằng 1 -2 năm và mức phạt mọi thứ thường là gấp đôi.

DUI lần thứ 3 thì mọi thứ tăng lên gấp 3 từ thời gian ở tù, và phạt tiền. Tuỳ vào luật từng bang mà có thể tại lần thứ 3 này thôi thì đã bị tịch thu bằng vĩnh viễn rồi.

Tuy nhiên có một điểm khác biệt ở lần thứ 3 này. Đó chính là khi DUI lần thứ 3 thì bị xem như phạm “tội đại hình”. Và tội đại hình có nghĩa là tội ác hình sự nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến tính mạng người khác. Đối với ai phạm tội đại hình 3 lần thì sẽ bị xử tù chung thân. Đối với ai chưa có quốc tịch mà chỉ có thẻ xanh mà phạm đại hình thì sẽ bị trục xuất.

Tội tiểu hình thì chỉ bị giam ở nhà tù của hạt (County) còn tội đại hình thì bị giam nhà tù của Bang (State) ít nhất là 3-6 năm trong tù. Ở nhà tù hạt thì cải tạo tốt hay tốn nhiều tiền bail và tiền luật sư thì còn mong được ra sớm chứ nhà tù của Bang thì đừng mong dc giảm án hay ân xá gì hết.

Và cũng không phải cứ DUI lần thứ 3 thì mới coi là đại hình. Mà từ lần DUI đầu tiên nếu nồng độ cồn vượt quá 16% hoặc ít hơn 16% nhưng có gây tai nạn đe doạ an toàn người khác thì ông quan toà có thể tăng hình phạt lên và chuyển thành đại hình.

rượu bia
Biển cảnh báo điểm kiểm tra nồng độ DUI của Mỹ trên đường cao tốc. (Ảnh: Karen Roach/Shutterstock)

Suốt những tháng năm tuổi trẻ ở Mỹ ngày nào tôi cũng uống rượu, và tất nhiên là uống rượu bia xong thì phải lái xe về nhà. Bow cũng từng nhiều lần bị cảnh sát chặn khi uống rượu lái xe. Nhưng may mắn là tôi chưa bị DUI bao giờ. Có lẻ thành phố Las Vegas mà tôi ở là thành phố ăn chơi cờ bạc. Nếu mà bắt DUI khắt khe thì chẳng còn ai ngoài đường.

Một lần sau khi làm ra, tôi nán lại Casino uống vài chai bia. Khi đi về thì gặp điểm kiểm tra (check point) của cảnh sát. Sau khi tấp xe vào, việc đầu tiên người lái xe bên Mỹ phải làm là hạ cửa kính xuống, đặt cả 2 tay lên vô lăng hoặc qua cửa sổ để cảnh sát thấy rõ cả tay của mình. Nếu cảnh sát mà không thấy 2 tay của mình thì họ sẽ rút súng chĩa vào xe. Lần đó anh cảnh sát tiến tới sát cửa sổ, tay phải vẫn để trên bao súng, anh thò đầu vào cửa sổ và đưa mặt vào sát mặt tôi để chào hỏi: “Hi, How are you?”. Tôi biết đó là vì anh muốn ngửi xem có mùi rượu hay không ? Anh hỏi tôi đi đâu về? và có uống rượu không? Tôi trả lời là có uống nhưng chỉ 2 chai và đã uống cách đây 3 giờ đồng hồ. Anh hỏi lúc uống thì có ăn gì không? Tôi nói mình có ăn bít tết (steak) và ăn khá no. Anh cảnh sát dặn hãy lái xe cẩn thận sau đó không quên chúc một buổi tối tốt lành.

Luật pháp khắt khe nhưng cảnh sát Mỹ làm việc không quá máy móc, khi họ cảm thấy tôi đủ tỉnh táo lái xe thì họ không cần quan tâm mình nói thật hay nói láo. Nếu họ thấy tôi trả lời nhát gừng và thần thái thiếu tỉnh táo thì chắc chắn họ sẽ mời ra khỏi xe. Thông thường họ sẽ kiểm tra độ tỉnh táo bằng cách bắt mình đứng giang tay ra và đứng trên một chân, chân còn lại co lên để xem mình còn giữ thăng bằng tốt không hay là sẽ nghiêng qua đổ lại. Sau đó họ bắt đi hai chân trên một đường kẻ phấn thẳng hàng trên mặt đất xem có loạng choạng không.

Nếu họ thấy không thể giữ thăng bằng thì họ mới lấy máy đo nồng độ cồn ra. Máy đo nồng độ cồn lúc đó là chỉ công cụ để ghi chỉ số vào biên bản khi họ đã quyết định bắt giữ người lái xe. Chứ máy đo nồng độ cồn không phải là công cụ để họ áp dụng vào tất cả các xe bị thổi, không phải là công cụ để đánh giá độ xay xỉn hay độ thiếu kiểm soát hành vi của người lái xe. Nó không phải là cái cớ để bắt hay phạt người tham gia giao thông. Vì sao ư? Vì nồng độ cồn không phải là thứ quyết định sự tỉnh táo của từng người. Cũng như tuỳ thể trạng và cân nặng của từng người thì nồng độ cồn trong máu sẽ khác nhau. Một người 60kg uống 3 chai bia có thể chạm mốc nồng độ 0,08 nhưng người 90kg trở lên uống 4-5 chai mới chạm 0,08. Có người uống 1-2 ly đã nhảm, có người uống nữa két vẫn tỉnh táo. Có người uống không ăn 3 chai là xỉn, có người vừa uống vừa ăn chục chai chẳng xi nhê…

Tôi từng bị chặn khi uống rượu như vậy vài lần nhưng chưa bao giờ bị phạt. Có lần vừa lái xe vừa để thằng bạn lú đầu lên nóc xe để chụp hình thì bị tấp vào cũng chỉ nhắc nhở. Tôi chỉ bị phạt một lần duy nhất đó là bữa hôm lái xe đi học buổi sáng. Đầu óc còn chưa tỉnh hẳn nên khi đi qua khu trường học cấp hai vào giờ học sinh vào học thì lỡ chạy nhanh hơn tốc độ cho phép là 15Mph. Bị cảnh sát chặn lại. Khỏi năn nỉ vì năn nỉ cũng vô ích. Họ biết lúc nào nên phạt lúc nào không. Nhận giấy phạt mà vẫn vui vẻ thì thấy bị phạt như vậy là quá đúng tội.

Tóm lại, tội DUI – uống rượu lái xe là tội rất nghiệm trọng ở Mỹ nhưng qua đó cũng cho thấy luật pháp Mỹ dù khắt khe nhưng không hề cứng nhắc. Họ không mượn pháp luật để tìm cách phạt hay gài hàng làm khó làm dễ người dân. Họ áp dụng luật vào đời sống một cách hợp lý mà không ai có thể phàn nàn.

Trong suốt thời gian ở Mỹ thì gia đình tôi gồm có cha mẹ cũng như em gái đều nhiều lần được cảnh sát Mỹ giúp đỡ khi hỏng xe ngoài đường. Có cảnh sát từng nhảy xuống hì hục giúp tôi thay vỏ bánh xe bị hỏng ở giữa cái xứ sa mạc nóng như đổ lửa này, mồ hôi con mồ hôi cha tuôn như tắm nhìn mà thấy tội. Bố của tôi thì một lần hư xe giữa đường cũng gặp một cảnh sát chìm mặc thường phục chớp đèn phía sau, sau đó cảnh sát thường phục này nhảy xuống mặc áo dạ quang cảnh sát lên rồi kêu ông leo lên xe cầm lái còn anh thì hì hục đẩy phụ chiếc xe chết máy vào sân của Mc Donal cách đó hàng trăm mét…. và còn nhiều những trường hợp như vậy không thể kể hết. Điều đó làm những người Mỹ như tôi luôn tôn trọng luật pháp và rất kính trọng cảnh sát.

Bow Trịnh Lễ  (Nhiếp ảnh gia)

Đăng theo Facebook Le Trinh dưới sự đồng ý của tác giả. Tựa bài do TTVN đặt lại. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.

Xem thêm: