Cuộc chiến khoa học, đạo đức, thần học ở Ireland giữa quan điểm tin rằng sự sống là một “đặc quyền không thể tước bỏ” với quan điểm theo thuyết tiến hóa rằng chúng ta chỉ là vật chất và năng lượng được thành hình bởi cơ hội đơn thuần trong một vũ trụ ngẫu nhiên không tác giả, không mục tiêu sống, và không đích đến sau khi chúng ta từ trần, phần thắng đã nghiêng về những người theo thuyết tiến hóa.

Ireland pha thai 3
Tuần trước, cuộc trưng cầu dân ý tại Ireland đã cho kết quả 66,4% đồng ý bỏ điều luật cấm phá thai. (Ảnh qua Fox News)

Đất nước Ireland nơi Công giáo từng phát triển mạnh mẽ đã gỡ bỏ đạo luật bảo vệ những đứa trẻ chưa đủ 12 tuần đầu tiên của thai kỳ bằng việc bãi bỏ Tu chính án Thứ 8 trong Hiến pháp Ireland. Giờ thì cánh cửa đã mở, giống như án lệ Roe chống Wade ở Hoa Kỳ (*), hãy chờ xem cú thúc tất yếu cho phép việc phá thai tại bất kỳ thời điểm nào của phát triển thai nhi.

Sự thay đổi thế hệ, những vụ bê bối trong Giáo hội Công giáo một thời thống trị ở Ireland, cách Tu chính án Thứ 8 được viết bằng ngôn ngữ có vẻ khắc nghiệt với nhiều người, những tục lệ đang thay đổi trong một xã hội ngày càng thế tục, áp lực từ các quốc gia trong Liên minh Châu Âu đã cho phép việc phá thai, sự thiên vị của truyền thông dành cho lá phiếu bãi bỏ Tu chính án Thứ 8, tất cả những điều này đã góp phần vào chiến thắng của bên “ủng hộ” phá thai.

Ở Ireland, các trung tâm hỗ trợ miễn phí cho phụ nữ mang thai ngoài ý muốn gần như đã bị phớt lờ bởi giới truyền thông ủng hộ cho “quyền” lựa chọn của phụ nữ. Lập luận phản đối phá thai đã cũ rích và quen thuộc, nhưng nó không hề giảm sức nặng khi một người nghiêm túc suy xét thực tế rằng đứa trẻ chưa chào đời không phải là một “bộ phận” của người phụ nữ. Luận điểm đứa trẻ có quyền sống được nhấn mạnh bởi vì đứa trẻ sau này sẽ lớn lên và sống độc lập với người mẹ, có thể trong hàng thập kỷ.

Những lập luận này không được hưởng ứng bởi thế hệ trẻ, những người được nuôi dưỡng để tin rằng họ có thể làm bất kỳ điều gì có vẻ đúng trong mắt họ, để trở thành những thiên thần nhỏ, ngay cả trong những vấn đề sâu sắc như sự sống và cái chết.

Thượng nghị sĩ Ireland Độc lập Ronan Mullen trả lời Thời báo Ireland: “Ireland đã mất đi điều gì đó rất đẹp đẽ” (với cuộc bỏ phiếu bãi bỏ Tu chính án Thứ 8)… nhiều đứa trẻ chưa chào đời sẽ mất đi cuộc sống trong tương lai – đó là những gì xảy ra khi việc phá thai được hợp pháp hóa. Tôi đề nghị mọi người hãy giữ những đứa trẻ đó trong suy nghĩ và lời cầu nguyện của mình ngày hôm nay, và các bà mẹ của chúng, cùng những người liên quan tới cuộc sống của chúng”.

Những người phản đối phá thai cần tăng cường ủng hộ các trung tâm trợ giúp thai phụ, nơi phụ nữ được đề nghị sự giúp đỡ, các dịch vụ nhận con nuôi, cùng với các hỗ trợ khác, và được khuyến khích không “toàn quyền định đoạt” và sinh con ngay cả trong điều kiện khó khăn. Nhiều phụ nữ mà tôi nói chuyện trong những năm qua, những người từng có quyết định đó, đã cho tôi biết họ chưa từng hối hận, trong khi nhiều người phá thai – hơn một lần – sống trong sự hối hận suốt cả cuộc đời.

Vào ngày diễn ra cuộc bỏ phiếu, một biên tập viên của tờ Washington Post ca ngợi Thị trưởng Duri Muriel Bowser vì đã nhận nuôi một đứa trẻ, đồng thời ghi nhận “tiến bộ” đạt được khi các cơ quan nhận con nuôi không còn yêu cầu gia đình phải có đầy đủ cả cha lẫn mẹ. The Post, vốn ủng hộ “quyền lựa chọn của phụ nữ”, dường như không nhận thức được sự thật trớ trêu rằng, để vị thị trưởng đó nhận được con gái nuôi, một phụ nữ đã phải quyết định không phá thai. Cho nhận con nuôi, chứ không phải là phá thai, là lựa chọn tốt nhất cho một phụ nữ không muốn đứa trẻ của mình, bởi vẫn còn có người nào đó muốn chúng, bằng chứng là danh sách các cặp vợ chồng đang chờ để nhận con nuôi.

Trong ánh mắt của người Ireland, có một số đang mỉm cười trước kết quả của cuộc bỏ phiếu bãi bỏ Tu chính án Thứ 8 sẽ được thực hiện bởi cơ quan lập pháp Ireland. Nhiều người khác thì đang nhỏ lệ cho những đứa trẻ sắp chết và những người phụ nữ sẽ nối tiếp nhau hối hận về việc phá bỏ đứa con của mình.

Tác giả: Cal Thomas – một trong những cây viết bình luận hàng đầu nước Mỹ. 

Nhật Hạ chuyển ngữ

Ghi chú: (*) Án lệ Roe v. Wade, là một quyết định mang tính bước ngoặt do Tòa án Tối cao Hoa Kỳ ban hành năm 1973 về vấn đề tính hợp hiến của các luật đang hình sự hóa và hạn chế tiếp cận phá thai. Tòa án cho phép phá thai căn cứ theo quyền cá nhân quy định trong Tu chính án Thứ 14 của Hiến pháp Mỹ.

Xem thêm: