Tối 31/7/2018, VTV1 đưa tin Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc hội nghị bàn về kỳ thi THPT, kéo dài tới 9 tiếng đồng hồ. Một số đại biểu phát biểu nên bỏ kỳ thi THPT, giao cho nhà trường đánh giá và cấp Giấy chứng nhận cho những em hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. 

gian lan thi cu
Bản chụp hình bức tranh cổ: Sunday School (Hình minh họa/Getty Images)

Ở đây muốn trao đổi về ý kiến của một số đại biểu cho rằng: Không thể bỏ thi THPT được, vì không thi, học sinh không học… Tôi xin nói thẳng rằng, đó là thứ lý luận giáo dục thấp kém, không nhìn thấy bản chất và mục đích của việc học, mà cố bấu víu vào việc thi để hù dọa, cưỡng chế, gây áp lực cho học sinh và cha mẹ chúng là phải học, cố học để thi có tấm bằng THPT. 98% đỗ, rồi để làm gì? Quan điểm này sai lệch ở chỗ:

1. Bản chất, mục đích của giáo dục phổ thông (GDPT), như quan điểm vẫn được công bố là “phát triển toàn diện con người học sinh”; là “Dạy chữ, dạy người, dạy nghề”; là “Bốn trụ cột”: “Học để biết; Học để làm; Học để tồn tại; Học để chung sống”… Mà thi, thì chỉ thi mỗi “chữ” mà “chữ” cũng chỉ có mấy môn. Thi môn gì thày trò lao vào luyện môn đó. Vậy là bỏ “toàn diện” để học phiến diện; là bỏ cả “dạy người, dạy nghề”; là chỉ tập trung vào “học để biết” để thi, còn lờ “3 trụ cột” kia!?

Chỉ khi dạy và học hướng vào phát triển nhân cách (là tổng hòa của phẩm chất, năng lực và cá tính), không vì áp lực thi, lúc đó dạy và học mới dần dần trở về đúng bản chất và mục đích của GDPT.

2. Thi quốc gia THPT bị thổi phồng lên, làm cả xã hội phát sốt lên và định hướng sai lệch, cứ như người không có bằng THPT thì không có giá trị gì. GDPT trong hoàn cảnh như nước ta, sự bình đẳng về cơ hội còn xa vời; năng lực, hứng thú học tập của mỗi học sinh một khác, nên không nên ép đồng loạt học sinh phải tốt nghiệp THPT 12 năm. Vì ép buộc nên nhiều em không học được, không muốn học, cứ bắt học bằng được cho có bằng THPT, cho nên nhiều em phản kháng.

Đáng ra, tùy năng lực và hoàn cảnh, hết lớp 9 đã cần phân luồng một bộ phận, chừng 1/3 số học sinh đi học nghề, rồi sau ai có nhu cầu sẽ tiếp tục học lên bằng nhiều con đường. Số còn lại cũng phân hóa và hướng nghiệp để khi Chứng nhận hoàn thành Chương trình lớp 12, tư vấn cho các em nên vào trường nghề, cao đẳng hay đại học, học ngành nghề gì. Như thế mới là học để “ấm vào thân”. Là học để trưởng thành, lập thân, lập nghiệp đúng với thực lực bản thân và hoàn cảnh, tránh chạy theo những thứ viễn vông, hão huyền. Ra cuộc sống, chưa biết rồi ai sẽ hơn ai.

3. Thi như hiện nay là giao cho người khác đánh giá học sinh một cách phiến diện và có phần may rủi (chưa kể gian lận, khá phổ biến, nhiều hệ lụy. Việc khởi tố, còng tay 5 thầy, cô giáo ở Sơn La, gây hệ quả về niềm tin nhiều hơn một vụ án hình sự đơn thuần nhiều). Thế thì tại sao không để các giáo viên trực tiếp giảng dạy đánh giá toàn diện học sinh một cách xác đáng? Và tại sao Hiệu trưởng trường THPT có quyền tự chủ, lại không đủ tư cách cấp Giấy chứng nhận hoàn thành Chương trình GDPT cho học sinh của mình? Khi được giao những quyền này, người giáo viên, hiệu trưởng và nhà trường THPT sẽ càng ý thức rõ trách nhiệm và quyền tự chủ để làm mỗi ngày càng tốt hơn. Còn đánh giá thế nào để khách quan, đúng đắn, thì Hội đồng nhà trường gồm những người đã tốt nghiệp ĐH Sư phạm và kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm, họ biết cách làm tốt hơn ông Bộ trưởng nhiều.

4. Tất cả những việc trên sẽ dần dần đưa GDPT trở thành cuộc sống bình thường, không phải “thi đua” tranh giành nhau, mà là mỗi em được tạo điều kiện, giúp cho phát triển tối ưu phẩm chất, năng lực, cá tính của mình để tự biết chọn lựa vào đời lập thân, lập nghiệp phù hợp với bản thân và hoàn cảnh.

Hãy vượt lên trên những cái tiêu cực, méo mó, sai lệch, bệnh hoạn hiện nay, để hướng đến một nền GDPT lành mạnh cho mỗi học sinh và toàn xã hội.

Theo Facebook Giáo viên Lê Quốc Châu

Xem thêm: