Nhạc sĩ Hoài An tên thật là Nguyễn Ðắc Tịnh, sinh năm 1929 tại Hải Phòng, mất năm 2012 tại Sài gòn.

Ông còn có một bút danh khác là Trang Dũng Phương. Với hai bút danh Hoài An và Trang Dũng Phương, ông đã có hơn 50 ca khúc viết một mình và viết cùng với nhiều nhạc sĩ khác. Trước năm 1975, những bản tình ca của ông được hát khá nhiều ở miền Nam Việt Nam và những ca khúc về nông thôn mang âm hưởng dân ca của ông cũng rất thành công như “Trăng về thôn dã”, “Tình lúa duyên trăng”, “Thiên duyên tiền định”… Lời nhạc của Hoài An mộc mạc, giản dị, nhưng bao giờ cũng thể hiện những cảm xúc thật hay những tình cảm thật.

hoai va tam su ngay xuan 1
Nhạc sĩ Hoài An.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh có nhận định về những bản nhạc xuân của Hoài An: “Nhạc sĩ Hoài An, sinh năm 1929, tên thật là Nguyễn Đắc Tịnh. Cuộc đời của ông để lại vài mươi bài hát, nhưng đặc biệt với các bài nhạc xuân thì luôn thành công và ghi dấu trong tâm tưởng của công chúng ở mọi miền. Có thể kể hàng loạt các bài nhạc xuân lừng danh của ông như “Câu chuyện đầu năm”, “Ngày xuân thăm nhau”, “Tâm sự ngày xuân”, “Thiên duyên tiền định”… So với nhạc sĩ Thanh Sơn (1938-2012), người được gọi là “Ông hoàng của những khúc ca mùa hè” (“Nỗi buồn hoa phượng”, “Lưu bút ngày xanh”, “Thương ca mùa hạ”…) thì nhạc sĩ Hoài An có thể được ví như là vua của những bài hát ngày xuân đầy chất Việt. Nhạc xuân của Hoài An mang đầy hy vọng, ước mong hòa hợp đôi lứa. Nhìn lại thời gian sống và sáng tác của ông, dễ dàng thấy rằng chiến tranh, đổ vỡ, hận thù là thứ bao trùm tất cả, thế nhưng trong âm nhạc của ông lại luôn tràn ngập niềm tin vào tương lai. Bước chân ra phố ngày xuân hay ghé lại nơi nào đó có âm thanh của bolero, chắc chắn bạn sẽ nghe thấy tiếng hát bay lên:

Ta cùng nhau đón thêm mùa xuân
Xuân dù thay đổi biết bao lần
Xin khấn nguyền kết chặt tình thân…

Những câu hát đó, thanh âm đó dường như đã làm nên những ngày xuân huy hoàng, dựng lại một ký ức đẹp muôn đời trong trái tim mỗi người…

Tác giả của các bài hát ngày xuân cũng chọn một cách ra đi bất ngờ là vào một ngày xuân của năm 2012. Một trong những bài hát để lại cuối cùng có tựa đề là “Sẽ lại gặp nhau”, như một lời dặn đầy viễn mộng sau cùng của đời người nhạc sĩ đầy nuối tiếc tình yêu thế gian. Có lẽ như chính ông từng viết trong “Câu chuyện đầu năm”:

Xuân đi rồi xuân đến,
cho nhân gian đầy lưu luyến…
(“Nhớ tác giả ‘Câu chuyện đầu năm’)

Ca khúc “Câu chuyện đầu năm” với giọng ca Như Quỳnh: https://youtu.be/Yrbzhmr2oio

hoai va tam su ngay xuan 3
Bìa bản nhạc Tâm sự ngày xuân của NS Hoài An.

Ca khúc “Tâm sự ngày xuân” thể hiện mơ ước về những ngày xuân yên bình và vui tươi khi mọi gia đình đều được đoàn viên, cảm thấy “hạnh phúc dâng triền miên” và “cùng xuân quên hết chuyện buồn năm đã qua”:

Trong thế gian đang vui mừng đón xuân 
Chắc Nàng Xuân năm nay đẹp bội phần 
Ngắm rừng hoa mai đua nở tuyệt trần 
Đồi hương thay phấn giữa đêm chờ tin báo xuân.
Tôi đón xuân giữa lúc còn chiến chinh 
Chúc mừng xuân bên ly rượu hành trình 
Chúc người trai đi xây dựng hòa bình 
Để cho đất nước vui trọn mùa xuân thắm xinh.
Xuân đến mang cho một niềm tin 
Đất mẹ vui bình yên 
Ruộng cày thêm nhiều lúa 
Hạnh phúc dâng triền miên 
Se những mối lương duyên 
Mái tranh chung bóng nguyệt 
Gia đình lại đoàn viên.
Xuân tới đây với muôn ngàn thiết tha 
Chúc trần gian năm nay được thuận hòa 
Với một năm xuân vui vẻ đậm đà 
Cùng xuân quên hết những chuyện buồn năm đã qua.

hoai va tam su ngay xuan 2
Bản nhạc “Tâm sự đầu năm” – NS Hoài An, Xuân 1966.

Ca khúc “Tâm sự ngày xuân” với giọng ca Thiên Trang: https://youtu.be/ms6PHrvOYT8
Ca khúc “Tâm sự ngày xuân” với giọng ca Như Quỳnh: https://youtu.be/cefe-iHnXq4
Ca khúc “Tâm sự ngày xuân” với giọng ca Hương Thủy: https://youtu.be/Ras5I6g_uuI
Ca khúc “Tâm sự ngày xuân” với giọng ca Dương Kim Ánh: http://amusic.vn/…/tam-su-nang-xuan-duong-kim-anh,bNgb7.html

Theo facebook Huỳnh Duy Lộc 

Xem thêm: