Cứ mỗi khi nhìn lại hình ảnh đô thị cũ hay hình ảnh đô thị ở các nước khác, tôi lại đặt câu hỏi: “Vì sao đô thị của mình bây giờ thê thảm thế sau bao nhiêu năm nỗ lực xây dựng?”

Và cứ mỗi lần đặt ra trong đầu câu hỏi này, tôi lại thấy mình có lỗi, khi trong sự thê thảm đó “có công” của mình và nhiều đồng nghiệp khác. Cũng thấy rất bí bách vì chưa nghĩ ra cách gì.

sài gòn đà lạt xưa và nay
Góc trên bên trái: Sài Gòn xưa (Ảnh: KTS Nguyễn Hạnh Nguyên/Chụp tại triển lãm diễn ra ở Bảo tàng lịch sử TP.HCM); Góc dưới bên trái: TP.HCM ngày nay (Ảnh: FB); Góc trên bên phải: Khu Hòa Bình-Đà Lạt xưa (Ảnh tư liệu: KTS Thành Cao Mpa); Góc dưới phải: Khu Hòa Bình hiện nay (Ảnh trên mạng)

Thôi thì cứ viết suy nghĩ ra để ai có cùng suy nghĩ thì có ý kiến xem sao.

Tôi cho rằng hình thái đô thị, chuyện đẹp xấu trong đô thị, trong kiến trúc ảnh hưởng vô cùng lớn dù rất âm thầm tới con người sống trong đô thị đó. Khi kiến trúc, cảnh quan đô thị được nghiên cứu chuẩn mực từ tổng thể đến chi tiết, được thiết kế một cách ngay ngắn, con người dần dần cũng trở nên ngăn nắp trong tư duy. Tất cả những ai đã ra nước ngoài học, làm việc đều thấy dường như mình tử tế hơn ở môi trường đó. Khi kiến trúc đạt đến độ phóng khoáng, con người sống ở đó cũng lãng mạn hơn, không còn suy nghĩ bon chen chuyện đời nữa.

Vấn đề nằm ở đâu? Những góc nhọn, những mớ hỗn độn trong ngôn ngữ thiết kế hàng ngày cứ tác động một cách chậm rãi lên ý thức con người, nó ăn vào tiềm thức và ảnh hưởng đến tính cách của mỗi người mà dường như ta không thể nhận ra được. Giải thích về phong thủy thì sự hỗn độn khiến “khí” ở nơi đó kém đi, cần phải sạch sẽ, tinh khiết thì mới đón được vượng khí.

Nhưng đối với kiến trúc ta cũng có thể giải thích một cách rất lý trí rằng: Ngôn ngữ kiến trúc là lời nói của kiến trúc, mà đã là lời nói thì nó tác động mạnh mẽ: Những lời sắc nhọn khiến ta thức tỉnh, giật mình. Những lời mềm mại, tự nhiên khiến ta mềm lòng, thấy dịu dàng. Những đường thẳng, mạnh mẽ khiến ta thấy sự uy nghi, nghiêm trang. Những màu trầm mặc khiến ta dịu lại, tĩnh tâm…

Ngược lại, những lời nói hỗn độn, những thứ lộn xộn sẽ khiến ta phân tâm, không thể tập trung nghĩ được những điều bay bổng. Dần dà nếu ta cứ dễ dãi (hoặc biết mà chẳng thể thay đổi được trong phạm vi tầm mắt của mình) thì chính những “lời nói” này làm hại tinh thần của ta, khiến ta cứ luẩn quẩn, trách móc, bon chen, đố kị… chẳng thể vượt ra xa mà nghĩ những điều có giá trị thực sự.

Vì sao người dân trong các đô thị ở Việt Nam ngày càng suy nghĩ tiêu cực? Vì sao mọi người ra đường ngày càng thiếu kiềm chế? Một phần cũng do sự hỗn độn của mớ vật chất khổng lồ đang choán hết thị giác hàng ngày.

Để đi tìm nguyên nhân thì trước hết có lẽ cần nhắc tới những người chịu trách nhiệm chính, kiến trúc sư công trình và các nhà quản lý.

Từ góc độ các kiến trúc sư công trình, thì đó là do thiết kế thiếu tổng thể, do nghiên cứu không từ tổng thể. Do không có thói quen thực hiện một thiết kế phải trọn gói cả Kiến trúc, Cảnh quan, Nội thất, trong đó Cảnh quan cần coi trọng hơn cả kiến trúc vì nó ảnh hưởng đến tỷ lệ lớn (tỷ lệ của đô thị).

Đối với các nhà quản lý, thì do quản lý xây dựng yếu kém khiến mọi nơi xây tuỳ tiện, không cần theo Quy hoạch.

Liệu có giải pháp nào để giải quyết tình trạng trên hay không? Khi những nguyên nhân trên đều nằm trên tầm vĩ mô, thuộc về chính sách, về quản lý, về kinh tế hay về năng lực trình độ.

Nhưng, nếu như không thể tác động được vào vĩ mô, ít nhất trước mắt mỗi người đều có thể trồng cây xanh để che bớt những thứ xấu xí. Trồng cây cũng khiến lượng oxy nhiều hơn mà từ đó khiến con người dễ thở, đỡ cáu bẳn hơn. Cây xanh cũng khiến màu của đô thị dịu đi, không kích ứng thị giác.

TS. KTS Nguyên Hạnh Nguyên 

Đăng theo Facebook Nguyen Hanh Nguyen dưới sự đồng ý của tác giả. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.

Xem thêm: