Thời đại ngày nay là thời đại của khoa học, công nghệ. Với sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học, công nghệ, xã hội đang thay đổi với tốc độ chóng mặt, chỉ cần 10 năm xã hội đã thay đổi bằng 100 năm của thế kỷ trước.

Embed from Getty Images

Điện thoại cố định ra đời năm 1875, tồn tại gần 100 năm, thế nhưng điện thoại di động chỉ cần có 30 năm, bắt đầu từ 1973, đã trở thành phổ cập rộng rãi trên toàn thế giới, có số thuê bao gấp hàng chục lần điện thoại cố định, chưa kể sự phát triển như vũ bão của Internet cùng điện thoại thông minh smart phone, máy tính bảng table, tivi thông minh.

Rất nhiều người nghĩ rằng các sản phẩm tiên tiến, công nghệ cao, nhiều chức năng thì không thể dễ sử dụng. Tương tự như vậy những vấn đề liên quan đến công nghê, giải pháp, nghiệp vụ thì phải cần chuyên gia; để hiểu được thì cần biết những khái niệm, từ khoá chuyên môn, kiến thức chuyên sâu, chuyên môn nghiệp vụ.

Thế nhưnh thực tế đã chỉ ra rằng những người thành công nhất là những người có biệt tài “biến những vấn đề phức tạp trở lên đơn giản”.

Bởi lẽ rất tự nhiên là nếu là sản phẩm thì chỉ có đơn giản người dùng mới dễ sử dụng và chỉ có dễ sử dụng thì sản phẩm mới trở thành phổ cập, đông người mua; còn nếu là vấn đề công nghệ và chuyên môn, nghiệp vụ thì chỉ có đơn giản mới dễ hiểu, dễ thuyết phục người khác chia sẻ, đồng thuận với vấn đề mình đưa ra.

Ô tô sửa chữa không cần sách

Thời những năm 1920s, ô tô còn là một thứ công nghệ cao, đắt tiền, hầu hết các nhà sản xuất ô tô Mỹ như Detroit, Cadillac, GM đều cho rằng ô tô là đắt tiền, của giới nhà giầu, riêng Henry Ford lại cho rằng ô tô là cho toàn dân, phải rẻ tiền.

Chính vì vậy Henry Ford đã thiết kế và chế tạo ra Ford Model T với bộ khung, máy móc và vỏ là tách dời nhau, tháo lắp dễ ràng, khách hàng có thể mua khung xe và máy móc của Ford và về tự lắp hoặc chế tạo vỏ riêng theo ý thích. Đặc biệt Ford Model A còn vô cùng tiện dụng: những thanh gỗ của thùng đựng linh kiện ghép lại thành sàn xe, ghế ngồi và nội thất của xe; đằng sau mỗi thanh gỗ có ghi rõ kích thước, loại gỗ để bạn dễ ràng thay thế. Phần đầu máy cũng vậy, phần lắp có thể tháo dời.

Với phương châm: “sửa chữa không cần sách hướng dẫn” Henry Ford đã rất thành công với Model T và Model A. Ford Model T là model ô tô thành công nhất mọi thời đại với 15 triệu chiếc bán ra.

Điện thoại một nút bấm

Steve Jobs là người yêu thích cái đẹp, không ngừng theo đuổi sự hoàn hảo để thiết kế và chế tạo ra những thiết bị hoàn hảo, không lãng phí, không thừa thãi, vô cùng tiện dụng.

Khi thiết kế, chế tạo ra máy tính Macintosh, các chuyên gia Apple đề xuất: “sách hướng dẫn sử dụng nên viết cho người có trình độ lớp 12”, nhưng Steve Jobs nói: “không được, trình độ lớp 1 thôi”, “có lẽ chúng ta nên nhờ học sinh lớp 1 viết”. Ông còn giải thích rõ: “ước mơ của tôi là máy tính macintosh dễ sử dụng đến mức không cần tài liệu hướng dẫn sử dụng.”

Khi bắt tay vào chế tạo điện thoại di động, Apple là người ngoại đạo, thế nhưng Steve Jobs vẫn dấn thân vào lĩnh vực này, bởi Steve Jobs thấy tất cả điện thoại di động đang có đều rất khó sử dụng. Steve Jobs quyết định Apple sẽ sản xuất ra chiếc điện thoại di động chỉ có MỘT NÚT BẤM DUY NHẤT.

Rất nhiều lần các kỹ sư thiết kế nói với Steve Jobs: không thể nào điện thoại di động chỉ có một nút bấm, bởi nó có bao nhiêu chức năng: tắt, mở, điều chỉnh âm lượng, chuyển chức năng, kết nối mạng, các chức năng khác… Steve Jobs nói với họ: “tôi không biết làm cách nào để chiếc điện thoại di động chỉ có một nút bấm, nhưng tôi biết chắc người dùng cần một chiếc điện thoại như vậy, các anh hãy thử đi”.

Vâng chiếc điện thoại chỉ có một nút bấm, điều khiển bằng cảm ứng đầu ngón tay chính là chiếc iPhone, dòng điện thoại di động thành công nhất thế giới, dễ thao tác và không cần sách hướng dẫn sử dụng. Steve Jobs đã biến chiếc điện thoại di động gần 20 chục nút bấm sử dụng phức tạp thành chiếc điện thoại rất đơn giản ai cũng dùng được.

Khảo sát nghiệp vụ là đo kích thước

Một lần chúng tôi ký hợp đồng xây dựng và triển khai phần mềm với một tập đoàn lớn. Trong quá trình triển khai hợp đồng anh em phần mềm rất khó khăn khi đi khảo sát nghiệp vụ tại một công ty thành viên, ông TGĐ công ty nhất định không cho khảo sát: “các anh ký hợp đồng ở Hà Nội, cứ về Hà Nội mà viết phần mềm, khi nào viết xong xuống đây cài đặt, chạy đúng thì tôi nghiệm thu, không cần khảo sát gì hết”.

Anh em phần mềm ra sức giải thích qui trình phát triển và triển khai phần mềm, khảo sát nghiệp vụ là gì, khảo sát nghiệp vụ thì làm những gì… nhưng đều không có kết quả.

Tôi nhờ Minh Chiết đi hỗ trợ, gặp ông TGĐ khó tính, Minh Chiết nói:
– Bọn tôi ký hợp đồng với tập đoàn may áo sơ mi cho anh, muốn may áo vừa thì anh phải cho đo kích thước, anh không cho đo thì áo mặc sẽ không vừa, nếu sau này áo không vừa tôi báo cáo lãnh đạo tập đoàn là do anh không cho đo kích thước nha.
– Ơ ơ ơ, anh này ví von tài thế.
– Tôi nói đơn giản để anh dễ hiểu thôi.
– Được rồi, ngày mai các anh cho người đi khảo sát.

Lời kết:

Muốn thành công bạn luôn luôn ghi nhớ phương châm “hãy biến những vấn đề phức tạp nhất trở nên đơn giản”.