Bữa nay ở nhà là 30 Tết – giao thừa. Vậy là mình đang đón cái Tết thứ ba trên đất Mỹ – Tết xa.

tet menh mang tet xa tren dat my 1
Những cây đào trong sân nhà tại Chateau Woods, Texas. (Ảnh: FB Nguyễn Danh Lam)

Ba năm, tất nhiên “quen” hơn một năm, hai năm… Nhưng với một kẻ ham vui, gắn bó gần nửa thế kỷ với quê nhà thì mãi mãi cái Tết sẽ là hoài niệm, nhớ nhung, không thể nào phai nhạt được. Mình thú thiệt là mình nhớ Tết, nhớ Việt Nam, nhớ gia đình cha mẹ, anh em… Với những cái Tết hẹn hò, du lịch đầy nao nức…

Tối qua, nhóm bạn bè Việt Nam tại Houston, thân thiết nhau trên mạng, cùng tổ chức tất niên. Đồ ăn, bia, rượu ngập tràn. Toàn món Việt. Uống say ngủ lại. Cả nhóm đã dự định nấu bánh chưng, bánh tét, trời ấm áp (khoảng 18 độ C), vườn rộng, gạo nếp, đậu, thịt, củi lửa… đầy đủ. Nhưng dự định cuối cùng đành gác lại, vì thiếu mỗi món lá dong, lá chuối. Thực ra cũng có, nhưng phải đi lùng tìm khá khó. Cả nhóm ai cũng bận công việc thường nhật. Thế là cái dự tính… linh thiêng, ấm áp kia đành phải hẹn lại một dịp thuận tiện hơn.

Bạn bè đầy đủ, mọi món Việt đều có, vui nổ trời… Nhưng cái vui chỉ gói lại trong một ngôi nhà, với một khung giờ ngắn ngủi. Mở cửa bước ra đường, tất cả lại… hoàn toàn Mỹ. Con nít đi học, người lớn đi làm, những dòng xe lao điên cuồng trên cao tốc…

Đó đây, rải rác trong một siêu đô thị mênh mông, cộng đồng Việt cũng tổ chức đón xuân. Có múa lân, có đốt pháo, có những tiểu cảnh mô phỏng hình ảnh Tết quê nhà… Nhưng đượm màu hoài niệm, lênh đênh… Vì thực chất cái Tết đâu chỉ gói gọn trong vài ngày Tết. Cái chộn rộn, tưng bừng, có cả vất vả, lo toan, mệt mỏi, trong nhiều ngày trước đó mới làm nên tổng thể cái Tết.

tet menh mang tet xa tren dat my 2
Người Việt xa xứ ở Mỹ, có thể kể như không có Tết… (Ảnh: FB Nguyễn Danh Lam)

Người Việt nghèo tới mấy ngàn năm. Quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Thời phong kiến xưa xa đã vậy, đến thời hiện đại cũng vẫn vậy. Nói chung là ít ỏi niềm vui, chỉ toàn thấy toan lo, vất vả… Vì vậy cái Tết là dịp để trông mong, đoàn tụ, sẻ chia… Dù rất nhiều người… ghét Tết, “đang không tự nhiên Tết nhất chi không biết”, hoặc có ý kiến muốn dẹp cái Tết đi cho rồi, nhưng tổng thể, cái câu thành ngữ “vui như Tết” vẫn khá phổ biến. Làm cái gì cũng hướng tới cái Tết: Xây nhà ăn Tết, mua xe đón Tết, sắm cái điện thoại để Tết đi chụp hình… Đặc biệt, những người con phải xa xứ, bám lấy đô thị làm ăn, từ anh chị công nhân, cô lượm ve chai, chú bán hàng rong, cho tới sinh viên, người xa quê thành đạt, làm chủ doanh nghiệp… thì cái Tết vẫn là dịp gần như duy nhất để trở về quê nhà. Có những vất vả, toan lo, phải thu xếp rất nhiều khi Tết đến. Nhưng nếu không có cái Tết, hẳn những con người ấy chẳng biết bao giờ mới có được niềm vui đoàn tụ, họ sẽ như cỗ máy mỏi mòn, quanh năm suốt tháng…

Người Việt xa xứ ở Mỹ, có thể kể như không có Tết. Họ dần hòa vào dòng chảy của cư dân Mỹ, vui với những niềm vui mang tính riêng tư nhiều hơn. Thí dụ những kỳ nghỉ đi chơi xa, những dịp bè bạn tới nhà… Còn một đại lễ khiến cả đất nước sôi sùng sục, kéo dài cả tháng, người Mỹ không có. Khoan nói đến khía cạnh tiêu cực của việc này, thí dụ giảm năng xuất lao động, tốn kém tiền bạc, mất thời gian… Thực tình cái không khí cộng đồng “sôi sùng sục” này có sự thú vị riêng, đượm màu văn hóa mùa màng, ăn sâu vào tâm thức dân tộc… Chẳng dễ gì có được.

Ngày mai mùng Một mình có làm gì đón Tết không? Sự thực là không, gần như không, vì công việc vẫn phải làm, vì đám con nít vẫn đi học bình thường, vì bè bạn ở rải rác quá xa nhau. Một điều quan trọng nữa là hễ uống rượu bia – cái món không thể thiếu trong mấy ngày Tết mà lái xe ra đường là… tiêu, nên… thôi xong, khỏi Tết.

Những cây đào sau vườn nhà mình nở bung đúng dịp Tết. Hứa hẹn mùng một, mùng hai chúng mãn khai… Ngồi nơi bộ bàn sau vườn, ngó cây đào, ngó cánh rừng… Nếu mà ở Việt Nam, chắc bè bạn sẽ vui nổ trời nếu có một góc ngồi như vậy. Nhưng ngày mai, chắc mình sẽ ra đây, quạnh quẽ nhìn vài giọt cà phê thả xuống và mênh mang nhớ Tết…

Theo Facebook Nhà văn Nguyễn Danh Lam

Xem thêm: