Hôm qua khi trở về bằng xe buýt, giữa đường tôi thấy có một người phụ nữ gần 40 bế một bé gái nhỏ lên xe.

tre em ung thu
Cậu bé Ngô Văn Trúc, 3 tuổi và mẹ Nguyễn Thị Hằng, 28 tuổi, tại BV Ung bướu Quốc gia (Bệnh viện K) tại Hà Nội. Trúc được chẩn đoán mắc ung thư võng mạc hơn một năm trước. Ảnh chụp ngày 5/5/2008. (Ảnh: Châu Đoàn/LightRocket qua Getty Images)

Một sinh viên nhường ghế và chị ngồi xuống. Đứa bé chưa nói rõ quấy khóc uốn éo liên hồi. Hai chân bé băng kín từ gối trở xuống, ở nhiều chỗ dịch và máu thấm qua cả lần băng. Một bên tay vẫn còn băng dính ống truyền hoặc lấy máu.

Chị lần túi lấy chai nước ngọt cho đứa bé uống. Bé vừa uống vừa vặn vẹo. Có vẻ như hai mẹ con đến từ một vùng quê nào đó và đang từ viện về.

Một cô sinh viên buột miệng hỏi: “Cháu bị làm sao thế chị, ngã ạ?”. Chị đáp: “Cháu bị ung thư xương”.

Câu trả lời như phát súng làm cho tất cả những người xung quanh giật mình. Một bầu không khí im lặng nặng nề bao trùm.

Sau rồi, một bác già phá tan bầu không khí bằng lời than “tội nghiệp quá”. Nhiều người xung quanh hỏi thăm. Chị trả lời từng câu rất bình tĩnh. Có lẽ khổ đau quá nhiều đã làm chị không còn khóc được nữa. Chân bé đang hoại tử dần dần.

Là một người bố có hai đứa con nhìn cảnh đó, tôi bấu chặt tay vào cột xe buýt và cảm thấy mồ hôi tứa ra khắp lòng bàn tay, cổ thì tắc lại.

Em bé mới có 3 tuổi và rất dễ thương. Tôi muốn cho chị một ít tiền nhưng tôi biết cho tiền mà không có sự cảm thông lẫn nhau sẽ trở thành sự xúc phạm. Thật may một anh thanh niên tầm 40 ở phía xa tiến lại nói vài câu nhỏ rồi cho chị tiền. Chị ngượng ngập cầm. Một, hai, ba người cho. Chị rớt nước mắt khóc.

Khi sắp xuống xe, tôi tiến lại và dúi vào tay chị một ít tiền ít ỏi.

Tôi biết muốn giảm thiểu những cảnh này cần đến chính sách vĩ mô như chính sách bảo hiểm y tế cho những người mắc bệnh nan y, chế độ bảo hiểm y tế toàn dân, hệ thống y tế công được hoàn thiện… và song song là sự tồn tại của các quỹ, tổ chức NPO từ thiện, trợ giúp xã hội chuyên nghiệp.

Nhưng cũng như tôi, có lẽ nhiều người sẽ cảm thấy khổ sở trong lòng khi mình không làm được gì đó. Thương người như thể thương thân, ai biết trong xã hội đầy rẫy bất công và bất an này, tai họa và rủi ro sẽ giáng xuống đầu ai?

Xuống xe, một anh da đen xuống cùng đột ngột vỗ vào tôi hỏi bằng tiếng Anh: “Tại sao anh lại cho cô bé đó tiền?”. Tôi đáp: “Cô bé đang phải chịu đựng căn bệnh ung thư xương”. Anh xòe bàn tay to ra nhún vai nói: “Thật tiếc là tôi không hiểu nên tôi đã không cho cô bé được”.

Trên đường về nhà tôi mới nhớ ra là mình ngu sao không xin địa chỉ liên lạc của hai mẹ con để có thể tìm cách gì giúp đỡ được nhiều hơn.

Ý nghĩ về tương lai của cô bé và cũng là tương lai của rất nhiều đứa trẻ khác trong đó có con của tôi, của tất cả những người khác cứ ám ảnh tôi mãi làm tôi khó ngủ.

Chúng ta sẽ phải làm gì khi môi trường sống đang ngày một ô nhiễm nặng nề và con người ngày càng mải miết với sự mưu sinh ngắn hạn.

Làng tôi bây giờ có quá nhiều người chết vì ung thư trong đó có nhiều người trẻ dưới 50.

Đôi khi vác ba lô sách lầm lũi đi trên vỉa hè hay một con đường nào đó nhìn dòng sông nước đen ngòm bốc mùi, hoặc những đống rác khắp đường làng, cánh đồng , cũng như dòng người ngồi trên xe máy phóng như điên trong khói bụi mù mịt, tôi không khỏi có ý nghĩ chán nản đến tận cùng.

Nhưng rồi lại phải gạt ý nghĩ đó đi để tìm lấy năng lượng cho công việc thường ngày. Số phận con người trong xã hội gắn bó với nhau bằng những sợi dây vô hình. Bàng quan với số phận con người trong xã hội cũng đồng nghĩa là chặt đứt sợi dây đó và rất có thể một ngày người ta sẽ cùng rơi vào một vực thẳm.

Tương lai nào sẽ dành cho con cháu chúng ta khi ý nghĩ miếng cơm manh áo ngắn hạn găm chặt trong ý nghĩ của chúng ta từng giây, từng phút trong cuộc sống hàng ngày?

Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Xem thêm: