Một người quen của bạn tôi qua đời. Bạn tìm đến cái chết khi không ai ngờ đến nhất, có lẽ là (như mọi người nghĩ) bạn bị trầm cảm nặng trong thời gian đi du học. Hai ngày sau khi biết tin, mọi người viết lời chia buồn và rất đau lòng.

gateway
Website trường Gateway (Ảnh chụp màn hình)

Nhưng chuyện buồn chỉ tồn tại được hai ngày trên newsfeed của tôi, thế hệ có ký ức được ghi chép bằng status trên mạng xã hội. Mỗi lần có điều đáng ghi nhớ, họ viết status. Khi có kỷ niệm quan trọng, tôi đăng tấm ảnh và tag bạn bè tham gia kỷ niệm đó vào. Cũng như sự ra đi của cậu bạn kia: Ký ức về cậu hiển thị bằng hình thức status và những comment rất buồn.

Nhưng không tồn tại lâu.

Sau sự kiện đó, nhiều lần tôi tự hỏi chúng tôi nhớ được gì về điều đau lòng xảy ra. Rất ít ai bàn đến việc điều gì khiến cậu chọn mất đi. Không ai mở miệng nói về vấn đề hiển hiện như vết gai đâm: Bạn ấy có bao giờ cần sự giúp đỡ để chọn khác đi? Hay điều gì sẽ đẩy bất cứ ai vào chọn lựa như vậy? Liệu ta có thể tránh được chuyện hủy hoại sự sống mình không? Nếu ta rơi vào trạng thái đó, ta tìm sự giúp đỡ ở đâu?

Xúc cảm nồng nhiệt bật ra rất nhanh với mạng xã hội. Nhu cầu cần được bày tỏ của ta xuất hiện bằng lời đầy cảm xúc đau xót. Ta tìm kiếm ai đó an ủi cho đau đớn của mình. Ta muốn được chia sẻ nỗi đau lớn lao với người gặp nạn. Nhưng vấn đề còn lại sau dòng cảm thán kịch tính đó – ít khi nào được trở lại với đầy đủ thảo luận sau màn sương mù của thông tin tràn ngập.

Hai tuần sau chuyện buồn, tôi cố nhớ về điều gì đã được đề cập đến trong nhiều status về sự mất đi của cậu, nhưng cảm thấy bất lực. Chỉ là một người đã mất. Cậu ấy chọn lựa sự ra đi. Tóm tắt sự kiện trong vài chục chữ. Tôi tự giải đáp cho mình bằng lý do đơn giản, trấn an mình quá khứ đã xảy ra, khiến nó hợp lý làm mảnh ghép đời sống của mình đầy đủ (hay tôi đang tự lừa mình quá khứ ấy không thể lặp lại với bất kỳ ai khác?).

Người không chấp nhận “việc đã rồi” thường mắc kẹt ở bước giải thích vấn đề: Tại sao nó xảy ra? Ta đã gây ra điều gì? Ai phải chịu trách nhiệm trước nó? Nó có thể tránh lặp lại không? Ta sẽ giải quyết nó thế nào?

Sự lãng quên xuất hiện ở bước này. Nó hình thành khi ta chấp nhận “việc đã rồi” và làm hòa với bản thân về cảm xúc đã dấy lên trong lòng về điều không thể chấp nhận ấy. Ta tìm cách bỏ qua lý do. Ta nhắm mắt lại và thuyết phục mình rằng: Chuyện lỡ rồi, không ai muốn cả.

Những phần câu hỏi khác có thể tránh cho bóng tối lặp lại bị xóa mờ trên cát – đẩy vào lãng quên. Thế hệ của tôi che phủ nhau bởi những lãng quên xếp chồng lên nhau – bổ trợ cho màn sương mờ của vô tri ngày càng mạnh mẽ.

Gần đây có chuyện tương tự: ba ngày đầu tiên sau sự việc trường quốc tế Gateway có bé trai bị chết trên xe đưa đón học sinh, newsfeed của tôi chạy 24 giờ với những cảm xúc và lý luận, với đầy sự kiện và cách giải thích, với tranh luận giá trị và đạo đức, với những kỹ thuật cảnh báo và chăm sóc con trẻ.

Nhưng chỉ một tuần sau đó, sự việc hoàn toàn biến mất: Trên hầu hết newsfeed của những nhóm quan tâm và có chủ đề liên quan, sự việc đã rời đi lặng lẽ. Người trong thời đại này học cách chấp nhận sự vô lý xảy ra bằng cách lãng quên nó trong lý giải thuận tai chấp nhận được. Một tai nạn xảy ra… “Thôi sự việc lỡ rồi”. “À, trường của đại gia lãnh đạo nên sự việc chìm xuồng thôi”. “Trường có đầu tư của con thủ tướng mà, thôi báo xóa tin là đúng rồi”. “Bé cũng chết rồi thôi hãy để yên con chúng tôi đi học tiếp”…

Chấp nhận “sự cố” chết người bằng giải thích đơn giản khiến cho nguyên nhân vụ việc không được giải quyết đến cùng. Sự cố chuyển hóa thành dạng khác của vấn đề, thay hình đổi dạng và lặn mất tăm – để trồi lên thành sự cố mới nhiều hệ lụy chẳng ai ngờ. Khán giả đón nhận sự việc buộc phải tìm ra lý lẽ của riêng mình để “làm hòa” với bất an, nhằm đi tiếp cuộc sống riêng hàng ngày mà không cảm thấy nặng nề trên ngực.

Nhưng không nhờ vậy sự bất an mất đi. Chúng đã hóa thân thành dạng khác. Và tìm kiếm những nạn nhân mới.

Trong khóa học chăm sóc sức khỏe tinh thần phóng viên, người giảng viên đề nghị chúng tôi mạnh dạn nói về điều đã xảy ra với người chúng tôi quen biết đã mất đi vì sức khỏe tâm thần. Đó không phải là điều xấu hay chuyện cấm kỵ. Nó không phải chuyện kín hay riêng tư. Sự ra đi đó không phải điều xấu hổ đáng tránh. Đó là nguy cơ có thể xảy ra với bất kỳ người nào đang hành nghề. Hiểu được, chia sẻ được, nhìn thấy con đường dẫn đến chọn lựa đau lòng kia có thể sẽ giúp bất kỳ ai trong chúng tôi mạnh dạn bày tỏ về sự cố mình gặp phải: để được cứu, để được nâng đỡ, để có thể sống tiếp từng ngày quý giá.

Đó là bài học tôi đã học về cái chết của người khác.

Sự lãng quên không làm vấn đề tiêu biến. Nó hóa thân thành dạng thức khác của loài hủy diệt. Nó che chắn cho tội ác hình thành và nảy mầm. Nó ngụy tạo lý do giúp cho điều ác được trấn an và nhân lên không nhân nhượng. Nó giúp người không can dự có thể giả vờ ngủ yên và tự tin rằng móc xích sai lầm kia không móc vào chân mình được.

Sự lãng quên khiến ta vờ huyễn hoặc: Sự bỏ quên chắc không xảy ra với con mình đâu. Kẻ ấu dâm trong thang máy chắc không thể nào xuất hiện ở chung cư nhà mình. Hoặc tôi ổn mà, tôi đâu thể nào chọn lựa đau lòng như bạn ấy.

Tôi đang sống trong thời đại của lãng quên, nơi miễn tội là liều thuốc chữa lành tất cả những gợn đau không thể giải thích. Sự lãng quên trùm lên cơ thể và trái tim chúng ta miếng băng bịt mắt màu đen.

Ta giận dữ rất nồng nhiệt. Tìm lý do rất nhanh. Lãng quên rất toàn vẹn.

Và điều chẳng lành tiếp tục xảy ra sau mỗi lần thành tinh như vậy.

Khải Đơn (Nhà văn, người viết tự do)

Đăng theo Facebook Phạm Lan Phương. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.

Xem thêm: