“Tôi cứ nghĩ bố mẹ như cụm rễ neo giữ chúng ta. Cụm rễ buồn bã và bị bỏ quên, để những nhánh cây vui vẻ trổ lá trổ hoa với cả bầu trời nắng ấm…”

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa (Nguồn: internet)

1. Trước giờ lên bàn mổ tôi nhận được tin nhắn của mẹ. Từ trong lồng ngực mình, tôi nghe rõ bà đang cuồng loạn lo lắng thế nào khi không thể ở bên con gái vào giờ khắc yếu ớt và đơn độc tuyệt đối ấy, nhưng bà chỉ nhắn: “Mẹ tha thiết cầu nguyện cho con được bình an, tất có cảm ứng đến Trời Đất – Phật – Thần tiên…Mẹ luôn yêu thương con như ngày con là con Tun bé“. Tôi, trong cơn khiếp sợ và hoảng loạn đã nghĩ đến mọi chuyện dại dột có thể xảy ra. Biết đâu nhỉ, liều thuốc gây mê ấy có thể là thứ cuối cùng mà mình được thưởng thức trên cuộc đời này? Nhưng tin nhắn của mẹ đã thành dòng suy nghĩ mãnh liệt trước khi tôi chìm vào một cõi đen đặc: Nhất định tôi phải tỉnh lại, phải sống, như một đóa hướng dương rực rỡ. Không phải vì Thóc – con gái tôi, mà vì Mẹ. Đó là cách trọn vẹn nhất tôi có thể báo hiếu Người.

Những ngày sau, nằm bất động trên cái giường trắng toát, không biết ngoài kia mưa hay nắng, tôi mải miết nghĩ về mái nhà bé nhỏ trên đồi cao, nơi có bố mẹ tôi ở đó ngày ngày cãi cọ rồi chăm chút nhau. Mẹ nói trước lúc tôi trở lại Hà Nội khi hết tết: “Bố yếu lắm rồi, con rảnh lúc nào thì đưa Thóc về, hai mẹ con không tự lái xe được thì đi tàu. Gia đình chúng ta ở bên nhau đủ đầy không còn được lâu nữa…“. Chập chờn trong những giấc mơ, tôi thấy mình dắt con gái đi trên con đường đất đổ xi măng nhuốm bụi đỏ dắt vào nhà. Bố tôi ngồi sưởi nắng ở sân, trên bàn nước có cốc thủy tinh cắm hoa cải hái từ vườn vào. Giấc mơ xiết bao an ủi và là liều giảm đau cho trái tim xước xát của tôi.

2. Tôi ngủ cùng mẹ cho đến năm 18 tuổi. Chính xác hơn, 18 năm đầu đời của tôi không một đêm nào vắng mẹ. Rồi tôi đi học đại học, rồi yêu đương, lấy chồng. Tôi vẫn về nhà nhưng gần như không bao giờ ngủ cùng mẹ nữa. Thì vẫn chui vào giường mẹ rúc rích nói chuyện, nhưng đến giờ ngủ là tôi chuồn về phòng riêng. Cứ như có một nỗi ngại ngần nào đó đã hình thành, một cánh cửa tôi đã bước qua để vĩnh viễn để lại “con Tun bé” ở phía sau ngơ ngác. Tôi ngượng ngập và ngại ngùng khi chung giường với mẹ. Vì tôi đã đủ lông đủ cánh tách bầy, tôi đã là một đầu đàn mới với những ấm áp và đau khổ không thể chia sẻ cùng bầy đàn cũ của mình.

Hôm đó, nhà có khách nên không còn giường, tôi phải ngủ cùng mẹ. Tôi vào giường trước và ngủ mất. Rồi đang thiu thiu tôi chợt tỉnh vì có bàn tay rất ráp đang vuốt trên tóc mình. Là mẹ. Mẹ vừa vuốt ve tóc và tay tôi, vừa thầm thì: “con chó con của mẹ. Cái bàn tay chũn chĩn này mùa đông mò rãnh nước nghịch sưng tím, mẹ đi làm về phải rút gianh từ mái bếp xuống đốt lửa hơ tay con mới duỗi ra được…“. Rồi cùng những lời thầm thì nựng nịu ấy, tôi nghe thấy mẹ sụt sịt. Tôi vẫn nằm xoay lưng lại, thở đều giả như say ngủ, tôi chỉ thấy nước mắt mình len lén bò xuống má rồi chui vào khoé miệng mặn chát. Mẹ nằm một lúc chừng đỡ mỏi lưng rồi lại dậy lục xục dọn dẹp. Tôi vẫn nằm tiếp, tự xỉ vả mình sao lúc đó không quay sang ôm mẹ, rúc đầu vào ngực mẹ – như ngày còn là “con chó con” trán bò liếm.

Tôi cứ nằm nghĩ miên man, vì sao tôi vẫn nói với Thóc hàng ngàn lần không chán “Mẹ yêu con”, vẫn tha thiết thủ thỉ với nó mỗi ngày “thương Con nhớ con lắm”…nhưng lại không thể nói câu ấy cùng mẹ? Dù trái tim tôi đầy tràn yêu thương, nhưng có gì đó luôn ngăn lại mỗi khi tôi ngập ngừng định thổ lộ, và câu “con yêu mẹ vô vàn” cứ bị chặn lại, chẳng thể thoát ra thành lời. Vì sao mẹ vẫn nhìn thấy đôi bàn tay chũn chĩn và tôi mãi mãi là đứa trẻ non nớt cưng nựng chạy nhảy trong cánh đồng tình yêu bất tận của mẹ? Vì sao tôi không thể để lại người đàn bà gần 40 với bao nỗi mệt mỏi, sự điên rồ cùng sành sỏi bên ngoài cánh cổng ngôi nhà trên đồi cao ấy – để trở về dụi vào mẹ, ôm lấy mẹ, nói yêu mẹ với niềm vui thảnh thơi và trong veo như bé Tun ngày nào, như Thóc vẫn làm bừng sáng mỗi ngày của tôi? Tôi nhớ đến anh Lục, bạn tôi. Người đàn ông gần 50 ấy đã nhoè nước mắt khi nói, “anh yêu U anh lắm, yêu lắm lắm. Nhưng không hiểu sao chưa bao giờ anh nói được câu ấy với U…”.

3. Ngày còn trẻ, mới 20 tuổi thôi, một người rất quan trọng trong đời tôi đã nói điều này: “kể từ khi chúng ta 25 tuổi, thì cha mẹ nói gì cũng đúng hết!“. Nghĩa là sau 25 tuổi, chúng ta không được quyền cãi cha mẹ nữa. Dù điều cha mẹ nói có kỳ cục, có trái khoáy – nếu không thể làm theo thì hãy im lặng. Càng sống, tôi càng thấy điều đó là chính xác, và cố gắng giữ như một nguyên tắc. Với cha mẹ, dù mâu thuẫn quan điểm hay khác biệt thế hệ có căng thẳng đến mấy, tôi cũng không cự cãi. Cố gắng chiều theo ý các cụ hết mức có thể, còn khác nhau quá, tức quá thì cũng chỉ im lặng và lánh qua chỗ khác, chờ cho các cụ và mình cùng dịu lại. Và tôi luôn xin lỗi trước, rất sớm. Vì người già hay cả nghĩ, chuyện nọ dắt chuyện kia lại suy diễn tủi thân. Tuyệt đối tránh làm bố mẹ mất ngủ vì uất giận con – đó cũng là nguyên tắc của tôi.

Càng ngày tôi càng thấy, còn bố mẹ bên mình là điều lớn lao nhất. Có thể chẳng ở với nhau, có thể cả tháng mới ngó được bố mẹ một lần. Nhưng tung cánh giang hồ ở góc bể chân trời nào cũng được yên tâm là có bố mẹ ở đó, vẫn đợi mình về – cảm giác ấy kỳ diệu và ấm áp lắm. Còn bố mẹ là còn Quê còn Cội, còn Nhà. Mái nhà xưa sẽ không là gia đình hay biểu tượng xum vầy, nếu không có cha mẹ chúng ta ở đó. Tôi cứ nghĩ bố mẹ như cụm rễ neo giữ chúng ta. Cụm rễ buồn bã và bị bỏ quên, để những nhánh cây vui vẻ trổ lá trổ hoa với cả bầu trời nắng ấm. Khi gió bão cuộc đời lớn quá, có lúc cái cây có thể bị phạt ngọn hay gục ngã, thì cụm rễ buồn vẫn bám nơi đất ấy sẽ là sinh lực lõi để cành lá lại trổ lên… Tôi có thể vẫn tiếp tục không nói được lời yêu mẹ. Những cuộc điện thoại về nhà lại luôn ngập ngừng giữa câu hỏi quen thuộc “bố mẹ khỏe không?”, mà từ “Con nhớ, con thương ….” sẽ vẫn ngượng ngịu chẳng thể cất lên. Nhưng có hề gì đâu – Tình Yêu Vĩnh cửu luôn im lặng, nó chỉ vang động trong lồng ngực bé nhỏ của tôi, suốt kiếp này…

Facebook Nguyên Quỳnh Hương

Xem thêm: