Tôi đến thủ đô Cairo mùa hè năm 2010 – đất nước Kim tự tháp chỉ vài tháng ngay trước ngày chính biến.

thue nha dat
Cairo trong ánh xế chiều. (Ảnh: Getty Images/Nirian)

Đường phố Cairo nóng và khô rát. Không có phụ nữ, chỉ có đàn ông và những bóng khăn trùm kín mít. Những bóng khăn này đi cũng rất nhanh và cúi mặt, thấp thoáng cho xong việc rồi lại ẩn vào nơi họ thuộc về, làm cho những người khách ngoại quốc cũng bất giác mua thêm một chiếc khăn choàng qua vai, vừa là để che nắng gắt, vừa để hòa mình vào cộng đồng, nơi mà hình hài của phụ nữ không được hoan nghênh này.

Dọc những con phố nhỏ hẹp là những quầy hàng tạp hóa, chủ yếu là pin, vài nhu yếu phẩm rẻ tiền và sim điện thoại. Đàn ông Bắc Phi cao và khỏe mạnh, mắt sáng thông minh, hay làm, nói nhiều và tiêu dùng ít. Khách du lịch mua vải vóc và đồ lưu niệm. Quầy tạp hóa chẳng biết bán cho ai.

Khách sạn chúng tôi ở kiểm soát khách ra vào bằng chó. Chó xem túi, ngửi cả người. Chó đứng sau cùng, kiểm duyệt sau khi khách và túi của họ đã qua máy soi và được kiểm tra bởi những người bảo vệ đeo súng. Chó và người làm việc công tâm, kiểm tra kỹ càng tất cả khách, không trừ một ai, không đối thoại.

Kim tự tháp và tượng nhân sư không to lớn và thần bí như trong phim Mỹ. Chỉ là những công trình kiến trúc lạ kỳ, nằm nhỏ nhoi và cô độc trong gió cát. Những xác ướp khô quấn vải kín mít, không còn não, không còn ruột gan, chỉ còn trái tim, được gìn giữ thờ cúng cẩn mật và thiêng liêng như những giá trị cuối cùng về tình yêu, niềm tin và quyền lực.

6 giờ chiều là giờ cầu nguyện. Khi ấy mặt trời đã tắt nắng bên bờ sông Nile. Mặt trời ở đất Bắc Phi này không hào sảng chiếu sáng tới tận đêm như mùa hè Mỹ. Nó giống như mùa hè châu Á, buổi trưa thì ầm ầm thiêu đốt, nhưng xế chiều là tắt rụi, hắt lại những hơi nóng gay gắt cho màn đêm. Có điều tàn khốc hơn châu Á, thiêu đốt cũng thiêu đốt hơn và khi lụi tàn thì âm u hơn, để lại một bầu trời nằng nặng.

6h chiều, tất cả những người đạo Hồi có mặt tại Cairo khi ấy đều hát. Không chuông nhà thờ, không ai bảo ai, không tập trung, không hiệu lệnh, nhưng họ hát cùng lời hát với nhau, giai điệu ngân nga và bế tắc, người ngoài nghe không chịu nổi.

Điều kỳ lạ nhất ở Cairo khi ấy có lẽ là những tòa nhà. Một thành phố của những tòa nhà dang dở. Khách sạn, khu mua sắm, nhà dân, bãi xe, khu chợ, những tòa nhà đang sống nhưng lại không được hoàn thành. Tường dở dang không trát, mái nham nhở, lem nhem, cả một thành phố đua nhau khoác lên mình bộ áo của những tòa nhà hoang.

Đến ngày thứ hai thì tôi không chịu nổi nữa, đi hỏi xem tại sao sinh hoạt bên trong mà bên ngoài lại bỏ hoang lạ lùng như thế. Hóa ra khi đó chính phủ Ai Cập đánh thuế quá cao cho những tòa nhà hoàn thành, và không thu thuế đối với những tòa nhà đang xây dở. Họ cũng chẳng nghĩ ra biện pháp nào cho việc dân sinh hoạt và kinh doanh trong những công trình xây dựng dở dang chưa lợp mái. Chỉ một sắc thuế không đến đầu đến đuôi, hỏng luôn một thành phố xưa nay được nhân loại tôn thờ về kiến trúc.

Người dân Ai Cập khô héo, cùng quẫn nhưng họ không lừa đảo, không chèo kéo và không ăn cắp. Không có hàng rong, taxi chạy đúng km, cửa hàng nhỏ hay khu du lịch đều một giá như nhau. Đồ may mặc bằng vải bông của họ bền và rất đẹp, bán giá phải chăng. Họ không loay hoay theo cái cách từng cá nhân tìm giải pháp cho mình trên lưng những cá nhân khác.

Khi sự khắc nghiệt của thiên nhiên tự do tung hoành trên đường phố và bất cập của sưu thuế hằn lên những công trình kiến trúc, khi quá nhiều người dân thất nghiệp, vật lộn kiếm chác cho cuộc mưu sinh và khi tiếng cầu nguyện đã có mùi ai oán, chỉ một que đóm nhỏ vứt ra, đám cháy sẽ bắt đầu.

Vài tháng sau đó, chúng tôi có cuộc họp liên vùng qua máy tính.
– Có Ai Cập đấy không?
– Ai Cập đây, Ai Cập đây.
– Khỏe không, đang ở đâu rồi?
– Khỏe hết, sơ tán hết rồi, đang ngồi nhờ văn phòng Yemen.

2017

Theo facebook Khăn Piêu

Xem thêm: