Khi tôi còn học y khoa, bệnh nhân khó là bệnh nhân mắc bệnh phức tạp. Khi tôi làm bác sĩ nội trú, bệnh nhân khó là bệnh nhân có mạng sống chỉ tính bằng giờ. Đến khi tôi làm cho công ty luật, bệnh nhân khó là bệnh nhân có thể sẽ kiện tôi sau này.

Bây giờ, bệnh nhân khó là bệnh nhân tôi biết mình sẽ phải tạm biệt họ một ngày gần đây.

benh nhan tinh thuong
Sự an lòng là điều mà mỗi bệnh nhân đều đang tìm kiếm. (Ảnh minh họa/Shutterstock)

Trong y khoa, thảo luận tiên lượng với bệnh nhân là một kỹ năng và là sự kết hợp giữa khoa học và nghệ thuật. Nhiều bệnh nhân của tôi mắc ung thư kỳ cuối hay các bệnh tự miễn khó chữa, họ thường hay hỏi “Bác sĩ nói tôi còn sống khoảng bao lâu nữa?” hay “Bác sĩ có nghĩ tôi nên tiếp tục hoá trị/xạ trị?”

Cách đây nhiều tháng, tôi có một bệnh nhân mắc ung thư phổi di căn lên não và nhiều cơ quan khác. Cô đã qua một lần xạ trị não, cơ thể cô gầy yếu đi rất nhiều. Bác sĩ điều trị ung thư khuyên cô làm hoá trị nhưng cô không chắc sẽ làm vì thấy mình cơ thể mình còn yếu.

Hôm gặp tôi, hai tay cô nắm chặt bàn tay tôi, siết nhẹ, ánh mắt trong veo nhìn thẳng, gương mặt giãn ra: “Tôi nên làm gì bây giờ bác sĩ?”

Ở góc nhìn y khoa, dựa vào kết quả xét nghiệm và hình ảnh, tôi biết bệnh ung thư của cô đã di căn ra nhiều nơi. Bệnh nhân bị phù chân do chức năng gan đang suy giảm. Tôi nói chuyện với bác sĩ điều trị ung thư cho cô và chúng tôi đồng ý quyết định hoá trị chưa hẳn là quyết định tốt nhất trong lúc này. Nhưng nếu không làm hoá trị, chúng tôi có thể sẽ không còn cơ hội dùng hoá trị để làm chậm ung thư nữa.

Ở góc nhìn khác, đây là một người mẹ đơn thân, cô có một đứa con trai vừa tốt nghiệp đại học. Anh chàng vừa có được việc làm tại Amazon với thu nhập cao. Tương lai đang mở rộng ra với người con nhưng đôt nhiên đóng sầm với người mẹ. Anh con trai đã xin tạm nghỉ làm mặc dù anh mới vào làm cho Amazon vài tháng. Anh muốn dành thời gian cho mẹ của mình.

“Thưa cô, với cô thì bây giờ cái gì là quan trọng nhất?”, tôi hỏi.

“Công việc của con trai của tôi. Nó đã học cực khổ mấy chục năm mới vào được USC, ra trường với tấm bằng giỏi. Giờ thì nó phải nghỉ làm ở nhà lo cho tôi. Tôi thấy áy náy quá bác sĩ à.”

Tôi nói chuyện với người con trai. Cặp mắt anh đỏ hoe. Anh nói anh sẽ không thể tập trung làm việc nếu như anh nhìn thấy mẹ anh thêm tiều tuỵ mỗi ngày. Anh quyết định nghỉ làm để dành thời gian cho mẹ.

“Bác sĩ biết không, mấy chục năm tôi toàn học ở xa nhà, tôi đâu có thời gian cho mẹ. Giờ bà chẳng may mắc bệnh ung thư không còn sống bao lâu. Tôi không thể đi làm được nữa.”

Tôi khuyên anh đi làm lại và xin hỗ trợ y tá và người chăm sóc đến nhà lo cho cô. Chúng tôi quyết định không dùng hoá trị. Cô hiểu có thể cuộc sống của cô sẽ ngắn đi vài ngày (hoặc vài tuần) do không dùng hoá trị nhưng chất lượng cuộc sống có thể sẽ tốt hơn.

Những ngày kế tiếp, cuộc sống của bà mẹ đơn thân đã nhẹ nhàng hơn. Cô có người đến nhà giúp đỡ vệ sinh và ăn uống. Cô có xe lăn để ra ngoài di chợ mua đồ nấu ăn. Con trai cô đưa cô đi thăm bà con trong vùng. Anh con trai trở lại đi là một tuần 3 buổi theo như ước nguyện của cô. Một buổi tối, cô ra đi nhẹ nhàng trong giấc ngủ.

Lần tôi gặp gần đây nhất, anh con trai đã có người yêu và anh sắp lập gia đình. Anh muốn tôi sẽ là bác sĩ cho cả nhà anh sau này.

“Tôi không phải là một bệnh nhân khó”, anh con trai nói đùa.

“Được chứ.” 

Tôi đồng ý làm bác sĩ gia đình cho anh vì tôi cũng không nghĩ anh sẽ là một bệnh nhân khó như mẹ anh.

Trần Huỳnh (Bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp và nội tổng quát tại phòng khám Wynn Medical Center và Bệnh viện ĐH Y khoa Keck, ĐH Nam California (Mỹ)

Đăng theo Facebook Huynh Wynn Tran. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.

Xem thêm: