Vì đâu những người trẻ tuổi Hồng Kông, sinh viên từ bỏ sự an toàn yên ổn học hành công việc để xuống đường tranh đấu suốt chuỗi ngày tháng qua? Họ không hề bị đói khát – nhưng họ khát khao dân chủ và tự do…

tinh thần hong kong, ánh mắt tự do
Cô gái trẻ biểu tình chống chính phủ bị bắt giữ trong một cuộc tuần hành ở Tuen Mun, Hồng Kông, ngày 21/9/2019. (Ảnh chụp màn hình/qua Reuters/Jorge Silva)

Hãy nhìn ánh mắt cô gái Hồng Kông đang bị cảnh sát giữ chặt trên đường phố chiều tối qua sau khi bị cảnh sát giật khẩu trang che mặt. Mắt cô bé như đang nhìn về một nơi rất xa xăm – nơi đó không biết ở đâu – nhưng sự không sợ hãi, dám chấp nhận và khát vọng tự do hiện rõ trong ánh mắt – ánh mắt cứng rắn trước tuổi ánh lên sâu xa mong muốn ước vọng, cùng với sự nín lặng căm hờn ít thấy ở Việt Nam. Cô gái dường như quên đi thực tại đang bị ghì chặt tay bắt giữ và tiếp theo đó là những gì chờ đợi của chuỗi ngày không lường hết được đoạ đày khi bước vào song sắt trại giam.

Vì đâu những người trẻ tuổi Hồng Kông, sinh viên từ bỏ sự an toàn yên ổn học hành công việc để xuống đường tranh đấu suốt chuỗi ngày tháng qua? Họ không hề bị đói khát – nhưng họ khát khao dân chủ và tự do thực sự! Vâng. Một cách thực – sự – lay – động – lòng – người. Cường độ và tinh thần phản kháng của các cuộc biểu tình tăng lên thấy rõ thay vì sợ hãi sau các biến cố trấn áp công khai dã man của giang hồ Phúc Kiến, Hội Tam Hoàng tối ngày 5/8 ở khu North Point và cuộc bạo hành dã man của cảnh sát Hồng Kông thẳng tay quyết liệt đánh, bắt nhiều sinh viên tối ngày 31/8 trên ga tàu điện ngầm Prince Edward. Sự phẫn uất đã thay thế cho sự sợ hãi, sự quyết liệt từng nhóm nhỏ đã thay thế cho sự tuần hành ôn hoà hàng triệu người vốn có – những ngày gần đây bạo lực từ cả hai phía đều gia tăng.

Tôi có thể cảm thông nguyên do cảm xúc sâu xa dồn nén nhưng không ủng hộ các hành động đập phá quá khích hay dẫm cờ của các bạn trẻ gần đây, vì đó chính là những chứng cớ để ra tay – điều Bắc Kinh đang mong chờ. Hồng Kông khát vọng muốn đánh động thu hút lan truyền thức tỉnh sự quan tâm của hành tinh này, còn Trung Quốc thì rất mong muốn giải quyết vấn đề Hồng Kông ở ốc đảo này triệt để bằng mọi giá, kể cả dùng Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) từ đại lục chuyển quân qua. Sẽ có thể không có một đêm biển máu Thiên An Môn thứ hai xảy ra vì hàng tỷ người trên thế giới đang dõi theo Hồng Kông từng ngày – nhưng sẽ có diễn ra hàng nghìn kịch bản Thiên An Môn tấn công triệt phá xé lẻ tinh thần bó đũa tượng thuỷ nhất dạng Be Water tuyệt vời của sinh viên cùng các giới xuống đường Hồng Kông.

Cả thế giới nể phục và xúc động với tinh thần đấu tranh quả cảm dấn thân thông minh chưa từng có như các chiến binh trên đấu trường đòi tự do từ các thế kỷ trước của những người trẻ Hồng Kông. Nhưng sự an toàn của họ quá mong manh – hiểm nguy và tù tội có thể giáng xuống đầu họ bất cứ lúc nào vì phải đối đầu với lực lượng cảnh sát có võ thuật chuyên nghiệp hùng hậu hung hãn trang bị vũ khí tận răng, vẻ mặt đằng đằng sát khí như những thú dữ đường phố. Cảnh sát sẵn sàng vung gậy baton được chế tạo cứng như thép quật đánh thẳng vào mặt, vào đầu toé máu những người tình nghi bất kể nam nữ. Đối với những sinh viên và người biểu tình Hồng Kông, chiếc khẩu trang che danh tính nhân dạng rất quan trọng để tránh máy quay cảnh sát và camera lưu dữ liệu đường phố. Mỗi người trong ba lô gọn trên lưng, ngoài chai nước, mặt nạ phòng độc, đèn pin, pin sạc, băng cứu thương, thuốc sơ cấp cứu luôn có vài khẩu trang để thay đổi và dành cho đồng đội – một khi bị cảnh sát giật khẩu trang là khả năng bị bắt ngồi tù không tránh khỏi. Hàng chục người bị đánh đến chết trong đó nhiều người bị mang đi tạo hiện trường tai nạn khác. Số phận hơn 1.500 sinh viên, người biểu tình bị bắt giam 3 tháng qua ít người được biết họ bị đối xử như thế nào. Nhiều người sẽ bị kết án 10 năm tù.

Những ngày qua cảnh sát Hồng Kông đã tăng cường đột biến đánh, bắt giam, trấn áp mạnh những người biểu tình trên diện rộng. Nhiều sinh viên bị bắt ngay trên đường phố sau khi bị cảnh sát đặc nhiệm đánh, quật ngã xuống đường, dùng đầu gối đè lên đầu và trói giật hai tay ra sau. Nhiều người từ Trung Quốc sang tập hợp phản đối biểu tình, xé bỏ bóc gỡ các apphich, thông tin ở các bức tường truyền cảm hứng Lenon. Nhiều người phía cảnh sát giả dạng người biểu tình (có đèn ký hiệu) tấn công bạo loạn, ném bom xăng vào xe cảnh sát và đập phá những nơi công cộng để tạo chứng cứ truyền thông ở đại lục và tích luỹ hình ảnh nguyên cớ cho sự trấn áp triệt phá biểu tình sắp tới. Dường như cảnh sát được lệnh đánh bắt công khai càng nhiều để càng có thể uy hiếp tinh thần người Hong Kong khi chuyển cuộc đấu tranh từ đòi tự do, dân chủ qua làn sóng mới đòi ly khai, độc lập của người Hồng Kông. Nhiều học sinh bãi khoá và trẻ em, người lớn tuổi cũng bị đánh đập bắt bớ. Đọc link sau với những lời kể nhân chứng sống bị bắt này mới thấy ghê sợ cảnh sát Hong Kong với cách thức trả thù vô nhân tính rất hằn học kiểu Trung Hoa đại lục thời tận diệt Pháp Luân Công.

Dường như chính quyền Trung Quốc đang có kế hoạch với những những người biểu tình mạnh hơn sau chuyến đi châu Âu và điều trần trước Quốc hội Mỹ về nhân quyền và hiện thực đàn áp ở Hồng Kông của Hoàng Chi Phong. Ngày quốc khánh 1/10 sắp tới là một sự cân nhắc. Sự trở về Hồng Kông hay không của nhóm này cùng với Agnes Chow qua châu Âu vận động đang được mọi người quan tâm vì chắc chắn chính quyền Hồng Kông bị điều khiển bởi Bắc Kinh sẽ không để yên cho họ khi đáp xuống phi trường Hong Kong. Và cũng có thể để tạo thu hút dư luận trong và ngoài nước nên Trung Quốc gây căng thẳng ở bãi Tư Chính của Việt Nam và vùng biển lân cận bằng những tuyên bố cực vô lý ngang ngược của Bộ Ngoại giao Trung Quốc gây bất bình căm phẫn cho người Việt Nam.

Sự đối đầu căng thẳng ngày một tăng ở Hồng Kông, và mới đây chính quyền Hồng Kông tuyên bố có thể sẽ dùng súng đạn thật để trấn áp đối phó với người biểu tình.

Ánh mắt này đọng mãi trong tôi đêm nay như một niềm trắc ẩn không diễn tả được bằng lời, tôi xót xa không dám tưởng tượng thêm những ngày tiếp theo của cô bé trong trại giam sẽ như thế nào – chỉ biết thầm lặng cầu nguyện cho em và Hồng Kông. Cái giá của tự do không thể cân đong đo đếm, nhưng chỉ biết nó có giá rất đắt, rất đắt. Và không chỉ ở Hồng Kông.

Nguyễn Văn Phước (Người sáng lập, giám đốc của Công ty Sáng tạo văn hóa Trí Việt – First News)

Đăng theo Facebook Nguyễn Văn Phước dưới sự đồng ý của tác giả. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.

Xem thêm: