Việc ca ngợi chính phủ và Vietnam Airlines vì đã “giải cứu” các công dân Việt Nam ở Châu Âu là một tình cảm rất bình thường của người vừa về từ vùng dịch. Thế nhưng, cũng cần phải cẩn thận khi đưa ra và lan truyền những lời khen này. Nó có thể gây ra những ngộ nhận rất nguy hiểm.

covid-19
Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt hành khách trên máy bay. (Ảnh minh họa: Delpixel/Shutterstock)

Ngộ nhận thứ nhất là khi so sánh thành công của Việt Nam với sự thất bại của nước khác theo kiểu “may mà mình tốt, chả bù cho nước A B C để dân chết” có thể khiến chúng ta nghĩ các quốc gia ở Châu Âu như những chính phủ ác quỷ, sẵn sàng thí mạng người dân khi có dịch bệnh. Điều này có thể được củng cố phần nào nhất là khi Hà Lan đã kiên quyết đi theo con đường “miễn dịch tập thể”. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một cách công bằng rằng chính sách này đã được đưa ra chỉ sau khi các nỗ lực dập dịch bị xem là bất thành do đặc thù về văn hoá, địa lý, địa chính trị của các quốc gia này. Các quốc gia Châu Âu ở vào một vị thế khó hơn Việt Nam hay Hàn Quốc trong việc ra quyết định cấm biên. Mình có niềm tin rằng bác sĩ dù ở bất kỳ quốc gia nào, thể chế nào đều muốn cứu người cả. Và “miễn dịch tập thể” rất có thể đã phải được lựa chọn khi các nỗ lực dập dịch thất bại. Chúng ta cũng không thể biết được lựa chọn của chính phủ Việt Nam như thế nào nếu con số dịch lên đến hơn 500 người.

Ngộ nhận thứ hai, và có lẽ sẽ là hậu quả, đó là việc chúng ta tin rằng chiến lược dập dịch sẽ mãi mãi như bây giờ (ai bệnh đều chữa). Như đã nói ở trên, chúng ta không thể biết được chuyện gì sẽ xảy ra nếu con số người bệnh tăng lên trên 500 ca hoặc 1000 ca. Điều này có nghĩa là những ca ngợi về một chính phủ nhân từ có thể đúng nhưng cũng có thể gây hại, khi nó sẽ tạo làn sóng người Việt và không phải người Việt hồi hương hoặc chạy trốn sang Việt Nam để lánh nạn. Có thể về mặt vị thế và hình ảnh, chúng ta sẽ được lợi. Nhưng song song đó nó đặt gánh nặng lên các trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh và hệ thống bảo vệ biên giới ở Việt Nam. Việc đóng cửa các biên giới trong thời gian này một phần cũng là để giảm gánh nặng cho hệ thống này.

Cuối cùng, như luôn luôn chia sẻ, tâm lý biết ơn rất dễ xuất hiện nhưng đó là cái không nên có giữa một chính phủ dân chủ và người dân của mình. Khi Bí thư Vũ Hán răn bảo người dân nên “biết ơn” Tập Cận Bình vì đã cứu họ qua cơn đại dịch, người dân Trung Quốc đã rất giận dữ. Tương tự, mình cũng rất giận dữ khi có tờ báo nói rằng các bệnh nhân đang phá hoại công sức của “Đảng và Nhà nước” trong chống dịch. Xin lưu ý rằng người Việt Nam nào cũng đang góp phần chống dịch bằng việc này hay việc khác và đó là công sức chung của xã hội. Hiểu như vậy giúp chúng ta nâng cao ý thức công dân và chủ động hơn trong việc chống dịch, thay vì ngồi chờ đợi ơn trên ban xuống. Chúng ta có thể khen chính phủ hoàn thành tốt nhiệm vụ nhưng tuyệt đối không được xem đó là công lao trời bể cứu nhân độ thế.

Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận nỗ lực của chính phủ. Nhưng lòng biết ơn nên dành cho những con người cụ thể ở tuyến đầu, các y bác sĩ, tổ bay, thay vì dành cho những nhà chính trị. Mùa dịch này cũng đã giúp nhiều người nhìn nhận ra nhiều vấn đề về thể chế để có cái nhìn công bằng hơn. Nhưng như đã nhiều lần chia sẻ, luôn phải nhìn được những điểm ở giữa của một vấn đề, thay vì đi từ thái cực này (chống đối mù quáng) sang thái cực khác (yêu thích cuồng si).

Lê Nguyễn Duy Hậu (Luật sư)

Đăng theo Facebook Le Nguyen Duy Hau với sự đồng ý của tác giả. Tựa bài do TTVN đặt. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.

Xem thêm: