Nói về cương thổ Quốc gia, vị vua anh minh Lê Thánh Tông có nhận định quyết liệt: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại tự tiện vứt bỏ?… Nếu người nào dám đem một tấc đất của vua Thái Tổ để lại làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di” (Đại Việt sử ký toàn thư).

hoang sa truong sa
Đại Nam Nhất thống toàn đồ, lập năm 1834, dưới triều vua Minh Mạng. Năm 1833, vua Minh Mạng lập kế hoạch phái người ra Hoàng Sa dựng miếu, lập bia và trồng cây, từ năm 1834 đến năm 1839, thưởng công cho những người đi vẽ bản đồ ở ngoài đảo Hoàng Sa về.

Điều 44 Hiến Pháp nước CHXHCN Việt Nam (năm 2013) quy định rất rõ như sau: “Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc. Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất”.

Ở thời đại này, một nhận định khác cũng chính xác và vô cùng thời sự: “Ngoại xâm đâu chỉ là lấn đất, lấn biển mà nó còn lấn cả cái đầu“.(GS Cao Huy Thuần)

Mới đây, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đã băn khoăn về chủ quyền Quốc gia tại phần thảo luận tại tổ của Quốc hội vào sáng ngày 23/3/2018.

Ông Dương Trung Quốc nói: “Bảo vệ chủ quyền quốc gia trước hết phải qua giáo dục thế hệ trẻ. Thế nhưng, nhìn vào sách giáo khoa, chiến tranh biên giới 1979 chỉ được nhắc 11 dòng. Về biển đảo, các vị cứ nói là có nêu nhưng thực tế làm sử tôi biết, việc chiếm đảo chưa được nêu trong sách giáo khoa, có chăng chỉ ở một vài địa phương đưa vào chương trình học. Cá nhân tôi đã trực tiếp gặp Thủ tướng nêu vấn đề này. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo ngay Bộ Giáo dục – Đào tạo thế nhưng có làm đâu. Gần đây, Bộ có hứa đưa nội dung Trung Quốc chiếm đảo của Việt Nam vào sách giáo khoa nhưng bao giờ mới đưa vào thì không ai rõ. Người ta hiểu có chỉ đạo nào đó? Ai chỉ đạo?

Chắc chắn một điều: Dân không có quyền chỉ đạo! Nên có lẽ cần làm rõ ai chỉ đạo và ai tham mưu chỉ đạo để những thông tin nói trên không được đưa vào sách hay tuyên truyền rộng rãi. Vì thực tại cho thấy rất rất hiếm người biết quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc cưỡng chiếm của Việt Nam có bao nhiêu đảo. Tương tự, cũng rất rất ít người biết Quần đảo Trường Sa có bao nhiêu đảo và bao nhiêu quốc gia đang chiếm đóng ở đó.

Có một lãnh đạo đã nói để đời con, đời cháu đòi lại chủ quyền biển đảo nhưng không cho cháu con biết chính xác thì làm sao đòi?

HOANG sa truong sa
Bản đồ do Jodocus Hondius vẽ năm 1613, thể hiện quần đảo Pracel (Hoàng Sa), bao gồm tất cả các đảo của Việt Nam từ nam vịnh Bắc Bộ cho đến hết vùng biển phía nam của Việt Nam, trừ Pulo Condor (Côn Đảo) và Pulo Cici (đảo Phú Quốc) được vẽ riêng. Theo TS Trần Đức Anh Sơn, trên những tấm bản đồ của người phương Tây, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thường được miêu tả như “lưỡi dao” dài, kéo dọc suốt ngoài khơi đối diện với bờ biển Việt Nam.

Và Đại biểu Dương Trung Quốc đưa ra một thực tế khác: “Đất đai thì cho thuê bừa bãi, “đấu thầu quản lý thế nào để Trung Quốc thắng thầu hầu hết”. Ngay cả việc kinh tế chúng ta có bị phụ thuộc Trung Quốc hay không, trong báo cáo không nêu nhưng nhìn thực tế từ hoạt động kinh doanh ở từng dãy phố thì thấy đáng lo…

Nếu cần tìm ví dụ cho những vấn đề này thì không thiếu trên báo chí chính thống lẫn mạng xã hội. Gõ thử “Trung Quốc thâu tóm đất vàng” trên Google, các bạn sẽ có một chuỗi thông tin. Trong xu thế thế giới ngày càng “phẳng” hơn thì ai có tiền, người đó đầu tư là bình thường. Nhưng nếu biết rằng có những “con ngựa thành Troa” vẫn âm thầm chờ đợi cơ hội thì đó không phải chuyện đầu tư đơn thuần nữa rồi. Ví dụ: một lô đất vàng ở vị trí điểm cao nhìn xuống sân bay hay cảng biển là một mối nguy về an ninh quốc phòng cực lớn.

Chính phủ Mỹ, Canada, Anh, Đức, Pháp, Úc đều có những động thái điều tra và phản đối các nhà đầu tư Trung Quốc mua lại hoặc đầu tư vào các mạng lưới điện, nhà máy điện hạt nhân, công nghệ rô-bốt, dầu hỏa, sân bay, chứng khoán,.v.v..

Có một lý do đơn giản: gián điệp Trung Quốc là một nỗi lo trên toàn thế giới! Viết trên tờ Financial Review ngày 21/12, nhà báo người Úc Angus Grigg cho biết ông đã được đề nghị làm gián điệp khi ông làm việc tại Trung Quốc. Bà Bonnie Glasser, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, trụ sở ở Washington D.C.) cũng viết trên Twitter cá nhân rằng từng “có trải nghiệm tương tự“.

Tại Việt Nam, cựu phóng viên báo Thế giới và Việt Nam thuộc Bộ Ngoại giao là Hà Huy Hoàng từng bị án 6 năm tù theo điều 80 Bộ Luật hình sự vì cung cấp thông tin cho tình báo Trung Quốc.

Nghĩ về những “con ngựa thành Troa” và câu nói “Ngoại xâm đâu chỉ là lấn đất, lấn biển mà nó còn lấn cả cái đầu” của giáo sư Cao Huy Thuần mà rùng mình. Rùng mình khi nhìn những công trình “made in China” xây tại Việt Nam đội vốn nhiều lần hay thua lỗ tính bằng trăm tỉ, nghìn tỉ. Rùng mình với thực phẩm có khả năng gây ung thư chuyển từ biên giới. Rùng mình với những ô nhiễm từ công nghệ và các chuyên gia “gieo giống” từ “bạn vàng”.v.v..

Đất nước có những ngày buồn quá…

Theo facebook Nhà báo Mai Quốc Ấn

Xem thêm: