Các bản đồ vệ tinh được chụp liên tục từ năm 2000 đến nay và sử dụng phương pháp tách các lớp ảnh, chạy time-lapse thì không thể không sốc với diện tích rừng bị mất đi trong vòng 20 năm qua. Sự thật là chúng ta đã mất đi lớp thực bì vô cùng quan trọng là các khu rừng nguyên sinh phía Đông Trường Sơn, Tây Trường Sơn, Khu vực Tây Nguyên và cả phần rừng bên Lào và Campuchia vốn rất quan trọng trong điều hòa khí hậu của Việt Nam.

mat rung vn 4 image

Những diện tích rừng nguyên sinh bị mất đi (diện tích có màu đỏ trong các bản đồ) được thay thế bằng diện tích trồng cây công nghiệp (cao su, cà phê, tiêu, điều, chuối, và đặc biệt là trồng keo lấy gỗ) đã biến các rừng hỗn giao thành rừng độc canh loài. Bản chất các rừng này không có chức năng giữ nước và điều hòa khí hậu. Chúng chỉ ngốn nước và ngốn rất nhiều nước. Chúng làm tụt mạch nước ngầm, hoặc mất đi vĩnh viễn mạch nước ngầm vì con người phải khoan giếng để lấy nước tưới cho chúng. Việc gia tăng diện tích rừng sản xuất, diện tích cây công nghiệp đã đẩy Việt Nam vào hoàn cảnh khủng hoảng nước hiện tại và tương lai.

mat rung vn 2 image

Nóng! Tất nhiên rồi! Sẽ rất nóng và nóng nữa!

Tôi quan sát gió Tây Nam (gió Lào) từ năm 2016 đến nay và thấy chỉ có năm 2017 là gió này tương đối yếu nên gây mưa nhiều ở miền Trung. Những năm 2016, 2018, 2019 và năm nay, gió Tây Nam hoạt động hầu như quanh năm và chúng dễ dàng vượt qua dãy Trường Sơn không còn lớp thực bì. Gió khô nóng đi vào Việt Nam gây nên hiện tượng nắng nóng kéo dài và khô hạn ở hầu hết các vùng ở Việt Nam. Ngay cả Mekong không nhận trực tiếp gió Tây Nam nhưng bị thiếu nước do phía Tây Trường Sơn thiếu mưa nên nước về Đồng bằng sông Cửu Long cũng thiếu.

mat rung vn 5 image

Gió khô nóng Tây Nam thổi vào mùa Đông gặp phải không khí lạnh từ phương Bắc về thì gây mưa đá thường xuyên thời gian gần đây.

mat rung vn 3 image

Từ nay đến hết tháng 7 vẫn còn xảy ra hạn hán ở miền Trung. Chúng ta vẫn sẽ có thể đón những cơn mưa rào cục bộ. Lâu lâu mới mưa một lần ở Tây Nguyên và Trung Bộ và mỗi lần mưa có khoảng thời gian mưa ngắn. Những Áp thấp nhiệt đới và hoàn lưu bão hình thành trước tháng 8 khó lên được Tây Nguyên đề cân bằng lượng nước mà đa số các cơn mưa được phát triển từ phía Tây.

Đến khoảng tháng 8 và tháng 9 khi gió Đông và Đông Nam phát triển từ phía biển Đông thì mưa mới đều hơn. Nhưng cũng rất cần cảnh giác với các cơn mưa kiểu này vì chúng sẽ dồn tổng lực mưa trong 3-4 ngày liện tục dội vào miền Trung gây ngập lụt.

Điều đáng lo lắng là lụt xong thì nước cũng hết luôn vì rừng nguyên sinh đã mất, không thể giữ nước được nữa.

Nguyễn Ngọc Huy (Chuyên gia Biến đổi khí hậu)

Đăng theo Facebook Huy Nguyen với sự đồng ý của tác giả. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.