Thủ tướng giao việc xử lý tro xỉ nhiệt điện cho 6 bộ gồm: Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải. Giải pháp được đưa ra là đem đi san lấp như lời tuyên bố của Bộ trưởng Trần Hồng Hà trước Quốc hội mới đây.

nhiet dien than
Một giếng nước tại Vĩnh Tân đã bị ô nhiễm nặng. Hệ sinh thái nơi này cũng đã biến dạng nghiêm trọng. Quanh nhiệt điện Duyên Hải cũng rơi vào tình trạng tương tự. (Ảnh: Mai Quốc Ấn)

Vậy nếu việc đem tro xỉ đi san lấp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì ai sẽ chịu trách nhiệm?

San lấp không khác về bản chất so với chôn lấp – thứ đã khiến không khí, đất và nước tại xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) ô nhiễm đến mức biến dạng hệ tự nhiên và môi trường sống của con người. San lấp, hiểu đơn giản chính là nhân rộng ô nhiễm. Và có rất nhiều vấn đề cần làm rõ bởi người dân các nơi được triển khai san lấp cần được biết việc này có thể khiến cuộc sống sẽ đảo lộn ra sao, môi trường thay đổi thế nào.

Tôi xin đưa ra các vấn đề cần các bộ làm rõ như sau:

1- Đối với Bộ Công thương:

Các nhiệt điện tại Việt Nam có thể đạt nhiệt trị siêu siêu tới hạn hay không và bao nhiêu nhiệt điện tại Việt Nam đạt tỷ lệ này? Hiểu đơn giản đốt siêu siêu tới hạn là than được đốt tối ưu gần như hoàn toàn cacbon trong than. Và đốt siêu siêu tới hạn liệu thực hiện thế nào khi các nhiệt điện đốt than nhập từ nhiều quốc gia khác nhau, cách vận hành có những điểm khác nhau, chất lượng nhân công vận hành cũng khác nhau, nguồn than cung cấp cũng khác nhau.v.v…? Việc vận hành hệ thống tĩnh điện lọc bụi sẽ tiêu hao điện. Có hay không việc ban ngày thì vận hành lọc bụi, ban đêm (và cả ngày mưa) tắt đi nên bụi vẫn mịt mù?

Xin lưu ý: Hiện nay, có nhiều nhà máy vẫn đốt không tối ưu với mức carbon trên 20%. Số tiêu hao điện giữa có và không có lọc tĩnh điện sẽ chênh bao nhiêu cần được công bố để dân giám sát bởi độ chênh ấy chính là ô nhiễm? Vật liệu “đốt mồi” cho việc đốt lò hơi nhiệt điện là gì, có nguồn gốc ra sao, hóa đơn đầy đủ không; cũng cần được giám sát bởi nó có thể gây thêm tác hại khác.

2- Đối với Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT):

Các nhiệt điện đã có quan trắc môi trường tự động chưa? Bản đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là cơ sở để đối chiếu số liệu quan trắc môi trường tự động vì sao không công bố mỗi ngày lên website của bộ và website của các Sở TN&MT các tỉnh có nhiệt điện để dân giám sát? Tro xỉ có phải là chất thải nguy hại căn cứ theo Luật Môi trường hiện hành không và nếu đúng thế thì các văn bản dưới luật cho phép đem tro xỉ đi san lấp có phải hành vi vi phạm pháp luật hay không? Chất lượng tro xỉ mỗi ngày ở một nhiệt điện không giống nhau và chất lượng tro xỉ mỗi ngày ở các nhiệt điện không giống nhau thì 1 mẫu kiểm định tro xỉ được xác định thời điểm lại được cấp phép 3 năm có phải sai khoa học hay không? Hiện tượng cộng hưởng ô nhiễm ở các cụm có nhiều nhiệt điện mà ĐTM “tách riêng” được tính ra sao cũng cần làm rõ. Nhiệt và các hóa chất trong nước làm mát nhiệt điện đổ ra biển cũng vậy.

Tại sao Bộ TN&MT không công bố so sánh tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn Mỹ, EU về chất lượng tro xỉ có thể tái chế? Độ chênh lêch giữa các tiêu chuẩn ấy sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người, môi trường tự nhiên là bao nhiêu? Đã có và công bố nghiên cứu tổng hợp nào về việc này đối với tro xỉ toàn bộ nhiệt điện tại Việt Nam? Đã có nghiên cứu nào của Bộ TN&MT phối hợp với Bộ Y tế về việc tro xỉ ngấm xuống đất và nước sẽ gây tác hại đến môi trường và con người chưa? Có nghiên cứu và công bố về nồng độ bụi PM1.0 và PM2.5 của tro xỉ nhiệt điện có trong các chất san lấp chưa, thời gian nghiên cứu trong bao lâu?.v.v..

Luật Môi trường 2014 được Bộ TN&MT đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều vì “nhận thức về bảo vệ môi trường của mọi tầng lớp nhân dân ngày một nâng cao, yêu cầu bảo đảm phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường trở nên cấp thiết, trong khi đó các vấn đề môi trường diễn biến ngày càng nhanh, phức tạp và khó lường”. Để phù hợp với các quy chuẩn quốc tế ngày càng nghiêm ngặt, thì phải nâng chuẩn môi trường thay vì hạ chuẩn môi trường như cách hợp thức hóa tro xỉ đem đi san lấp. Ngoài Luật Môi trường 2014, không lẽ Bộ TN&MT tính “phủi sạch” Nghị định 38/2015 và chính Thông tư 36/2015 mà bộ này quy định tro bay, bụi lò hơi có dầu là chất thải nguy hại?

Xin lưu ý: Tiêu chuẩn tro xỉ của EU cao hơn tiêu chuẩn Mỹ và cả hai đều cao hơn TCVN. Đã có nghiên cứu về việc nhiệt điện chuẩn EU ảnh hưởng đến 200.000 người/năm. “Pháp có đến 99% lượng tro bay xỉ than thải ra được tái sử dụng, tại Nhật Bản, con số này là 80%, tại Hàn Quốc là 85%” là cách thức tuyên truyền hiện nay nhưng “quên” so sánh TCVN so với tiêu chuẩn các quốc gia trên.

3- Đối với Bộ Xây dựng (XD):

Bộ XD là đơn vị được giao nhiệm vụ chính căn cứ theo Nghị định 124/2007, Nghị định 24a/2016, đều của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký. Bên cạnh đó là Quyết định 1696/2014 của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký. Tất cả đều không có bất cứ dòng nào về việc đem tro xỉ đi san lấp. Cả 3 văn bản này đều có chung một cơ sở là xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Đến văn bản 452/2017 do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký thì ngay tại Điều 1, phần I về quan điểm về quản lý, sử dụng tro xỉ, thạch cao, khoản 4 có quy định cụ thể như sau: “Ưu tiên sử dụng tro xỉ, thạch cao FGD, thạch cao PG đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng (công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn, hoàn nguyên mỏ…).” Đáng chú ý là cũng trong Điều 1, phần II về mục tiêu, khoản 2 có đoạn: “làm vật liệu san lấp mặt bằng công trình, hoàn nguyên mỏ và làm đường giao thông khoảng 25 triệu tấn.” Văn bản này vẫn trên cơ sở là xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Từ tháng 8/2011-4/2016, ông Trịnh Đình Dũng là Bộ trưởng Bộ Xây dựng căn cứ trên website của Chính phủ. Nếu đề xuất ở vai trò Bộ trưởng rồi ký đồng ý ở vai trò Phó Thủ tướng thì có khách quan không?

Bộ XD đóng vai trò chính thì việc tham mưu cho Chính phủ để ra Nghị định, Quyết định nào cũng dựa trên căn cứ khoa học, pháp lý. Mà trong trường hợp này, hệ thống pháp luật Quốc gia thì thứ tự sẽ là Hiến pháp, Luật, Nghị quyết (Quốc hội), Pháp lệnh, Nghị quyết (Ủy ban Thường vụ Quốc hội), Lệnh, Quyết định (Chủ tịch nước), Nghị định, Quyết định (Chính phủ), Quyết định, Chỉ thị (Thủ tướng).v.v.. Như vậy, các văn bản dưới luật cho đem đi SAN LẤP mà trái với tinh thần bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền được an toàn của nhân dân theo Hiến pháp, Pháp luật chính là các vi phạm nghiêm trọng.

Xin lưu ý: Theo đề xuất thì Việt Nam tái chế gần như toàn bộ tro xỉ để san lấp, trong đó tính đến 2020 là 25 triệu tấn với hơn 20 nhiệt điện, là vấn đề không thể không nghĩ, không thể không bàn. Bởi đến năm 2030 con số nhiệt điện này sẽ là 54 và vẫn đa phần là nhiệt điện than. Không thể không lo sợ khi Đại học Havard đã công bố tổng số nhiệt điện tại Việt Nam đến năm 2030 có thể khiến 25.000 người chết/năm và số liệu này chưa tính đến việc san lấp tro xỉ.

Ngoài ra, với các điểm nêu ra trong phần viết về Bộ Xây dựng, thì các học phiệt tham gia tư vấn, các cá nhân tập thể thuộc lĩnh vực pháp chế các bộ đã ủng hộ san lấp hay bất cứ chính khách nào cho phép đem tro xỉ san lấp bằng văn bản, đều vi phạm pháp luật nghiêm trọng nếu tính vi phạm theo thứ tự khi hành vi san lấp gây hậu quả. Nhẹ thì bị các địa phương phạt hành chính (đã từng ở nhiều nơi), kỷ luật nội bộ trong Đảng hay cách chức, nặng hơn là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì đi tù hoặc cao hơn mức phạt tù…

4- Đối với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN):

Đề nghị công bố Tiêu chuẩn Việt Nam 12249:2018 Tro xỉ nhiệt điện đốt than làm vật liệu san lấp theo văn bản 2847/2018 mà Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đã ký. Văn bản này căn cứ vào 3 Nghị định của Chính phủ và tôi chú ý có Nghị định 78/2018 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Xem hết nghị định 78/2018 thì cũng không có dòng nào về việc cho các bộ đem tro xỉ đi san lấp cả!

5- Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT):

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo Quốc hội, Chính phủ về việc sản xuất gạch nung sẽ dẫn tới đất nông nghiệp thành “đất chết” do khai thác đất sét nên không thể giữ nước. Nếu dũng cảm, nên nói rõ vì sao việc khai thác đất sét không bị đánh thuế nặng trong khi gạch hoffmann, gạch tuynel, gạch ceramic “ngốn” của quốc gia khoảng 500 triệu m3 đất sét (khai thác 1m2 đất canh tác được 2 m3 đất sét), tương đương mất 25.000ha ruộng, tiêu tốn 40 triệu tấn than và thải ra bầu khí quyển khoảng 148 triệu tấn khí độc hại (theo báo cáo 2011- 2020).

Đề xuất chấm dứt toàn bộ gạch nung mới chính là giải pháp căn cơ cho vấn đề môi trường. Làm việc này mới có ích cho quốc gia thay vì chiều ý doanh nghiệp kiểu Nhiệt điện Mông Dương xin 18ha rừng ngập mặn để chôn tro xỉ.

6- Đối với Bộ Giao thông vận tải (GTVT):

Bộ GTVN nên tập trung giải quyết các bất cập của BOT sai vị trí gây bức xúc cho nhân dân thay vì đồng ý cho đem tro xỉ đi san lấp đường nông thôn. Riêng cá nhân ông Nguyễn Văn Thể, vốn xuất thân là người Miền Tây, nếu đồng ý đem tro xỉ đi san lấp đường nông thôn và nhất là tại VỰA LÚA CẢ NƯỚC- Đồng bằng sông cửu Long, thì hậu quả khó mà tưởng tưởng được! Nếu điều đó diễn ra, ông sẽ không chỉ khó ăn nói với quê hương. Đây là lời chân thành từ đáy lòng tôi.

7- Đối với Bộ Y tế:

Cần có một đề tài khoa học NGHIÊM TÚC và TOÀN DIỆN tại các địa phương có nhiệt điện để đánh giá xem sự đi xuống về sức khỏe của người dân ở nơi đã vận hành nhiệt điện lẫn xung quanh liên quan đến các độc chất trong tro xỉ phát tán trong đất, nước và không khí để công bố trước nhân đân, cảnh báo cho Quốc hội, Chính phủ. 

8- Đối với Bộ Tư pháp:

Cần rà soát lại toàn bộ văn bản liên quan đến việc cho phép đem tro xỉ đi san lấp và báo cáo Quốc hội và Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Chính phủ.

9- Đối với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an:

Bộ máy phụ trách về khoa học của 2 bộ này hoàn toàn có thể đánh giá được các cảnh báo trước nay của tôi về môi trường nói chung và san lấp tro xỉ nhiệt điện nói riêng, là có cơ sở hay không. Các báo cáo về việc 2 lần bạo loạn đã qua và sự bất ổn tại Vĩnh Tân được gửi đến Bộ chính trị, “tứ trụ”, các Đại biểu Quốc hội hay các Ủy viên Trung ương Đảng xin “bớt” phần “Việt Tân kích động”, “con nghiện xúi giục”; mà tập trung vào việc làng tôm giống, làng chài và môi trường sống Vĩnh tân đã đảo lộn ra sao và khả năng nhân rộng điều đó như thế nào ở các định dạng khác, nếu đem đi san lấp mà không có các nghiên cứu khoa học đảm bảo.

Lực lượng an ninh cao cấp 2 bộ này cũng hoàn toàn đủ các báo cáo từ thật tới láo về tôi để đánh giá động cơ, mục đích của tôi là chống phá hay xây dựng. Tôi cũng sẽ không đi đâu khỏi quốc gia này như những kẻ từng vu khống tôi và sẵn sàng hợp tác thông tin, tìm giải pháp xử lý ô nhiễm cũng như không để các nhóm lợi ích thao túng chính sách, tàn hại môi trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân và các lực lượng có gắn chữ nhân dân.

Xin lưu ý: Việc san lấp tro xỉ chưa diễn ra diện rộng nhưng nếu nó gấp gáp diễn ra thì dự đoán của tôi là Việt Nam sẽ có tội phạm môi trường cấp quốc tế trong tương lai. Tôi chưa đoán sai xu hướng bao giờ và tôi càng không hy vọng điều này diễn ra.

Bài viết này là quan điểm cá nhân của tôi và tôi chịu trách nhiệm về các dữ liệu đưa ra. Bài viết này đánh đổi bằng sức khỏe vì đi thực tế đến các vùng ô nhiễm, xâm nhập các nguồn thải và cả những đêm thức trắng, ho ra máu để làm tròn trách nhiệm một viết. Hoặc chí ít là làm đúng lương tâm của một con người đối với đồng loại.

Vẫn là một cảnh báo cũ: Ô nhiễm quốc gia đã vượt ngưỡng và không một ai an toàn cả. Cuộc đếm xác nghĩa đen đã diễn ra khoảng 10 năm nay và sẽ còn khốc liệt hơn vào 10 năm tới, nếu nhìn vào sự tăng trưởng các loại bệnh tật liên quan ô nhiễm. Thay đổi bây giờ là muộn nhưng không thể không thay đổi. Vì bệnh tật và cái chết của các cá nhân chưa đáng sợ bằng thoái hóa giống nòi.

Nếu không bị “xử”, bị “gài” để im miệng thì tôi sẽ tiếp tục phản ánh về các nguồn ô nhiễm khác (ví dụ, xỉ thép, tác hại ghê gớm hơn) có nguy cơ được “nhân rộng”. Dĩ nhiên, trong khả năng cá nhân, sẽ tìm giải pháp cho chúng và cho môi trường nói chung như đã từng. Tôi sẽ viết tiếp về một số giải pháp ngắn hạn và dài hạn về việc này.

Theo Facebook Nhà báo Mai Quốc Ấn

Xem thêm: