Thời sự gần đây nóng hổi sau tuyên bố cấm dạy thêm học thêm của Bí thư Đinh La Thăng. Là một giáo viên đã giảng dạy hơn 20 năm tại 1 trường THPT của TP.HCM, là người trực tiếp liên quan đến cái mà Bác Thăng gọi là “vấn nạn dạy thêm học thêm”, tôi xin chia sẻ một vài suy nghĩ trong việc này.

Trước hết, đứng ở góc độ là một phụ huynh có con đã và đang là học sinh, tôi cũng đã từng có những trải nghiệm liên quan đến việc học thêm của con mình. Từ khi các cháu còn học mẫu giáo cho đến khi tốt nghiệp đại học, tôi đã phải ngược xuôi tìm chỗ học cho con mình, từ học chính khoa đến học thêm. Và tôi cũng không phủ nhận là có một vài lần con tôi về nói với tôi là mẹ ơi, cô/ thầy con bảo ở nhà cô/ thầy con có lớp dạy thêm, ai học thì đăng ký. Tôi, trong những tình huống đó cũng không vội vàng ra quyết định học hay không ở nhà thầy cô. Thông thường thì tôi sẽ tìm hiểu môi trường học tập nơi đó, vị trí có gần nhà tôi không, và quan trọng hơn cả là con tôi có cần thiết phải bổ sung kiến thức ngoài lớp học về môn nào đó hay không. Mặc dù tôi là một giáo viên nhưng không phải tất cả các môn học tôi đều có thể dạy con mình, ngoài ra lịch làm việc đôi khi cũng không cho phép tôi có thời gian để dạy con mình. Và vì vậy, để giải quyết vấn đề này, tôi thường chọn các thầy/ cô gần nhà, dạy học có uy tín, được nhiều phụ huynh và học sinh tín nhiệm để gửi gắm con mình. Thú thật, tôi đôi lúc cũng thấy con cái phải học quá nhiều, muốn các con được vui chơi giải trí, muốn rèn luyện kỹ năng sống cho con mình, nhưng hầu như lực bất tòng tâm. Thứ nhất, mẹ con tôi sống ở TP, điều kiện không gian không có, bước ra cửa không phải là khoảng sân ngập hoa vàng và cỏ xanh, mà là con hẻm nhỏ tấp nập người xe qua lại buôn bán. Do đó con tôi hầu như từ trường về nhà chỉ ru rú ở trong nhà với bốn bức tường, trò giải trí cũng như người bạn thân của con là cái tivi, ipad. Thứ hai, bỏ qua khó khăn về không gian sống, khi tôi nghĩ đến việc cho con tham gia các lớp kỹ năng sống, các trại hè, các học kỳ quân sự, các lớp năng khiếu, thì vấn đề nảy sinh là điều kiện tài chính và thời gian đưa đón con đi học. Mỗi khoá học như vậy hiện nay tốn từ triệu đến chục triệu một tuần, thử hỏi với đồng lương hơn 5 triệu sau 20 năm dạy học tôi có thể cho con mình tham gia các khoá học đó không? Và cuối cùng, vì không muốn con mình suốt ngày lủi thủi với ipad, tivi, tôi đã chọn đăng ký cho con mình học các lớp học thêm về văn hoá, vừa để con có cơ hội gặp gỡ bạn bè, vừa để có thể ôn tập thêm kiến thức, bổ sung hoặc hiểu rõ hơn các vấn đề mà trên lớp con chưa kịp hiểu, nơi đó có thầy cô đủ chuyên môn để dìu dắt con mình, học phí vừa với điều kiện tài chính của mình. Và quan trọng hơn nữa là con tôi không bị những khoảng thời gian cô đơn tự kỷ có thể sa đà vào các tệ nạn xã hội.

Đó là lí do tôi cho con tôi đến các lớp học thêm- hoàn toàn tự nguyện và là nhu cầu chính đáng của gia đình tôi.

Vấn đề ở đây là gì? Có một số phụ huynh học sinh kêu ca về việc giáo viên bắt phải đi học thêm nếu không sẽ bị điểm xấu trong lớp, bị thầy cô đì, bị ảnh hưởng đến kết quả học tập… Xin lỗi, tôi cũng là phụ huynh và tôi có thể thẳng thắn nói điều này: tôi cho con tôi đi học thêm chưa bao giờ là vì lí do như vậy cả, có thể là học lớp của thầy cô trong lớp hoặc học thêm thầy cô của trường lớp khác, chọn lựa tôi chỉ ưu tiên về thời gian, không gian, uy tín của thầy cô. Chưa bao giờ tiếng nói của phụ huynh, học sinh và báo chí lại mạnh và nhanh như thời đại thông tin này, vậy, nếu bị o ép để phải đi học thêm, tại sao chúng ta không mạnh dạn, thẳng thắn nêu vấn đề cho báo chí, ban giám hiệu. Tại sao chúng ta lại âm thầm chịu đựng mà không góp ý xây dựng cho nhau? Nếu thầy cô trong lớp dạy con mình đã không hiểu rồi thì tại sao lại phải cho con tiếp tục học thầy cô đó ngoài giờ trên lớp? Là phụ huynh, thiết nghĩ chúng ta hãy nên có tiếng nói công bằng với việc này- nếu con chúng ta sức tiếp thu kém và phải học thêm, học lại, thì đó là vấn đề của chúng ta, chứ không phải là vấn đề của thầy cô. Nếu chúng ta không đủ chuyên môn, thời gian để kèm cặp con mình để phải đưa con đi học thêm thì đó là vấn đề của chúng ta. Nếu chúng ta sợ hãi con mình bị thầy cô đì và không dám lên tiếng bảo vệ con mình, bảo vệ lẽ phải, thì đó là lỗi của chúng ta.

Nói cho cùng học thêm hay không học thêm là do chính phụ huynh, học sinh, chương trình học quyết định. Chúng ta không nên gọi đó là vấn nạn, mà hãy xem đó như là một quy luật cung cầu bình thường của xã hội.

Đứng ở góc độ một giáo viên DẠY THÊM CHUYÊN NGHIỆP, tôi xin kể câu chuyện nghề nghiệp cho các phụ huynh và học sinh của tôi. Tôi ra trường cách đây 23 năm, may mắn tôi được nhận vào dạy ngay sau khi ra trường chứ không thất nghiệp như nhiều bạn đồng môn của mình. Ngày ấy, tôi, với tấm bằng cử nhân, lương hợp đồng và một bầu nhiệt huyết lí tưởng cống hiến cho nghề, vẫn ăn cơm mẹ, ở nhà cha và đạp xe đạp đến trường hàng ngày. Lương của tôi phải thật tiết kiệm mới đủ cho các chi phí sinh hoạt cá nhân( sinh nhật, đám cưới bạn bè, lâu lâu đi cafe, quần áo giày dép rẻ tiền để lên lớp cho tươm tất). Lúc đó có đôi khi học sinh hỏi học thêm, tôi tự hào trả lời (kiểu của những người không coi trọng tiền bạc vật chất): “không, cô không dạy thêm em à!“. Rồi tôi lập gia đình, lại chuyển sang trạng thái phụ thuộc tạm thời khác : ăn cơm mẹ chồng, ở nhà chồng và chồng đưa đón đi dạy. Lương tháng góp cho bữa cơm gia đình một ít gọi là, còn lại để chi phí sinh hoạt cá nhân.

Rồi con tôi ra đời. Gia đình nhỏ chúng tôi phải chuyển ra ngoài thuê nhà sống. Bắt đầu từ đó cuộc sống của tôi bước vào một trang hoàn toàn mới: tự lèo lái con thuyền của cuộc đời mình. Hai vợ chồng trẻ với đồng lương ban đầu, chúng tôi chật vật với cơm áo gạo tiền, cháo sữa, bỉm tã thuốc men cho đứa con nhỏ. Tiết kiệm ki bo chắt bóp… kiểu gì cũng thiếu, cũng lại phải nhờ đến cha mẹ anh em. Bao nhiêu áp lực cuộc sống cứ thế đè nặng lên đôi vai và trái tim vợ chồng tôi khiến chúng tôi không còn lời ngọt ngào nào giành cho nhau được nữa, những gì có thể nói với nhau chỉ còn là tiền chợ, tiền điện, tiền nước, tiền nhà, tiền học cho con, tiền khám bệnh cho con, tiền..và tiền thôi. Thấy cuộc sống chúng tôi khó khăn vậy, một người bạn đã không thương xót thông cảm mà còn thẳng thắn buông lời đắng cay : nhà bạn nghèo là do bạn thôi, bạn có chuyên môn, có nghề nghiệp mà không biết vận dụng làm giàu thì đó là lỗi của bạn, làm sao bạn có thể thanh cao, sáng tạo và lí tưởng được với cái bao tử đói meo, con cái eo sèo vì đói khát đau bệnh, làm sao bạn có thể hạnh phúc được khi bạn bê nguyên cái bếp u ám lên giường? Mình không phải là không muốn giúp đỡ, nhưng bạn có sẵn cái cần câu rồi, hãy dùng nó mà câu cá đi, đừng chờ đợi ban bố của người khác bạn à! Sau buổi nói chuyện đó bạn tôi giới thiệu cho tôi một chỗ dạy kèm, con của bạn chị ấy. Tôi, vì không muốn bạn nghĩ là mình lười biếng không chịu kiếm tiên và vì bản thân cũng thật sự cần tiền, đã nhận lời dạy kèm đứa học sinh đầu tiên đó của mình, và khởi đầu cho việc DẠY THÊM CHUYÊN NGHIỆP sau này. Từ một học sinh duy nhất đó, phụ huynh em đã giới thiệu tôi với các em học sinh có nhu cầu học thêm khác, tôi từ từ được rất nhiều phụ huynh và học sinh tín nhiệm, và giờ đang làm công việc đó như việc kiếm tiền hết sức chân chính của mình: đem kiến thức và kinh nghiệm của mình truyền đạt cho các em, và đổi lại là cuộc sống cho gia đình, cho con cái và cha mẹ già. Bao năm đi dạy thêm, tôi rất ít khi nhận học sinh trong các lớp tôi đang dạy, vì nhiều lí do: khi dạy học sinh trong lớp mình, tôi phải soạn rất nhiều bài, sao cho bài trên lớp với bài chỗ dạy thêm không trùng với nhau, không làm các em lơ là chủ quan vì đã học rồi, thứ hai, tôi không muốn dạy thêm cho các em đã học trên lớp với mình vì tôi không muốn các em còn lại nghĩ rằng có sự thiên vị đối xử giữa em học em không học. Chỉ những trường hợp rất đặc biệt tôi mới nhận dạy học sinh trong lớp mình: phụ huynh tha thiết yêu cầu, đồng nghiệp gửi gắm, học sinh sống gần nơi mình dạy hoặc các em tiếp thu chậm và mong muốn được học lại một lần nữa. Đa số học sinh trong lớp dạy thêm của tôi đến từ các trường khác, lớp khác.

Vậy, câu hỏi là công việc của tôi như vậy, có thể gọi đó là vấn nạn được không?

Tôi, cũng như rất nhiều đồng nghiệp đang sống bằng nghề của mình, cái nghề mà xã hội ghép vào hai chữ CAO QUÝ, cảm thấy bị xúc phạm khi ai đó ghép vào công việc của mình hai chữ VẤN NẠN. Bao nhiêu năm trước kia, một Bộ Trưởng GD hứa là tới năm 2010 giáo viên sẽ sống được bằng lương, và chúng tôi đã chờ đợi cái giấc mơ ấy hơn 10 năm rồi mà nó vẫn không trở thành hiện thực. Chúng tôi đã phải cố gắng xoay xở để sống với nghề cao quý của mình bằng mọi cách : người thì buôn bán thêm đồ trên mạng, người thì may vá thêm hàng gia công, người thì làm thêm công tác kiêm nhiệm, người thì làm bánh trồng rau…đủ thứ nghề, miễn là lương thiện, để chờ đợi lương đủ sống. May mắn như tôi và một số đồng nghiệp khác còn có lớp dạy thêm, cày ngày cày đêm mới hơn được các đồng nghiệp kém may mắn chút đỉnh. Chúng tôi thật sự cũng mong muốn có thể sống được nhàn hạ bằng đồng lương, để không phải cái cảnh 9-10g tối mới xong lớp dạy thêm, thân xác rã rời, cổ họng đặc khan, đôi mắt hoa lên vì cạn kiệt năng lượng, mới bắt đầu được dọn dẹp nhà cửa, ăn vội miếng cơm, lấy bài vở sổ sách của trường ra soạn tới khuya, đôi khi gục cả trên bàn làm việc. Chúng tôi cũng mong sống được bằng lương của mình để có thể để đầu óc tâm trí mà sáng tạo cho nghề. Chúng tôi cũng mong muốn sống được bằng lương để có thể tự hào kiểu không quan tâm vật chất mà trả lời học sinh: thầy cô không dạy thêm.

Tôi đi dạy hơn 20 năm, lương giờ hơn 5 triệu, có ai đó chỉ cho tôi cách sống đủ với đồng lương như vậy trong điều kiện nuôi hai con đi học và cha mẹ già yếu giữa Sài Gòn này? Cho nên nếu không dạy thêm thì tôi cũng phải làm thêm công việc khác. Làm công việc khác chắc hình ảnh tôi sẽ cao quý hơn, với thúng xôi trước cổng trường, với nồi bún bò lề đường hoặc với tiệm phô tô cho thuê sách cũ, chắc tôi sẽ có nhiều thời gian và sức lực hơn để cống hiến sáng tạo?! Nhưng cũng có người gợi ý cho chúng tôi là nếu muốn làm giàu thì chuyển nghề sang kinh doanh buôn bán đi. Thưa, đây là công việc chúng tôi đã chọn lựa, đã được đào tạo, thật lòng mà nói chúng tôi không thể làm việc khác được, cũng như doanh nhân không thể đi dạy mà thôi. Chỉ muốn một câu trả lời thuyết phục là tại sao nhà giáo phải nghèo?

Bác Thăng nói với mấy anh kỹ sư: “Lương 8-10 triệu mà làm phần mềm thì sao sống được, chỉ bằng công nhân may. Người ta chỉ có thể ở nhà mình, ăn cơm nhà nấu, đi xe máy đi làm, chứ ở nhà trọ thì không đủ sống

Bác Thăng nói với giám đốc lương 24 triệu: Lương cậu phải 10 lần như thế thì mới xứng đáng, mới có động lực làm việc.

Bác Thăng nói với các bác sĩ: biên chế lương 10 triệu mà không biên chế trả 15 triệu thì chả ai dại chọn biên chế!

Vậy còn chúng tôi, những giáo viên chắc không cần phải sống, không cần sáng tạo, không cần động lực, mà chỉ cần bám vào hai từ biên chế cao quý để sống?

Bác Thăng nói : “Tại sao các trường quốc tế thu học phí cao, không dạy thêm học thêm mà phụ huynh người ta vẫn vào? “. Thưa bác, là học phí cao đó bác, học phí cao, bác cũng biết mà. Ở đó người ta thu học phí cao, mọi chế độ chính sách lương bổng cho giáo viên đều do phụ huynh chi trả, giáo viên không bị áp lực bởi điểm số thành tích của những môn không thi tốt nghiệp, học sinh học nhẹ nhàng và có nhiều thời gian cho các hoạt động ngoại khoá. Và có bao nhiêu phụ huynh có thể chi trả học phí cao ngất ngưởng như vậy để học trong môi trường quốc tế! Câu nói của bác cũng là câu trả lời rồi, nên chăng hỏi chúng tôi?

Kết thúc bài viết này tôi mong muốn được một giải pháp uyển chuyển hơn để giải quyết vấn đề, nên chăng TP lập đường giây nóng cho phụ huynh và học sinh để tố cáo những tiêu cực trong dạy thêm học thêm, trả lại môi trường sư phạm trong sạch và uy tín cho các thầy cô giỏi, sống chân chính bằng nghề của mình mà trong thời gian qua đã bị đánh đồng với những tiêu cực của xã hội? Xin một giải pháp để cả phụ huynh, học sinh hiểu rằng học thêm có nên hay không là nhu cầu và quyền của chính họ chứ không do một tác động nào hết trước khi chương trình học và thi cử thay đổi. Xin một giải pháp để các giáo viên tham gia dạy thêm hiểu rằng để tồn tại với công việc đó họ phải có năng lực, phẩm chất, uy tín đủ để được sự tín nhiệm của phụ huynh, học sinh và xã hội.

Một giải pháp có phải hay hơn nhiều so với một biện pháp?