Sau vụ thảm sát phong trào dân chủ ngày 4/6/1989 tại Quảng trường Thiên An Môn, ông Giang Trạch Dân đã từ sông Hoàng Phố (Thượng Hải) tiến thẳng vào Trung Nam Hải (Bắc Kinh), và ‘con cóc thành tinh’ đã trở thành ‘con rồng hung hiểm’, đôi mắt ma mãnh của con thú chăm chú vào đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử.

Bài viết của Tống Tử Phụng thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả.

Đập Tam Hiệp
Sau vụ thảm sát phong trào dân chủ tại Thiên An Môn ngày 4/6/1989, ông Giang Trạch Dân lên nắm quyền. Vận số của sinh linh hai bờ hạ lưu sông Dương Tử đã thay đổi. Hình ảnh Đập Tam Hiệp. (Ảnh: SINITAR/Shutterstock)

Về vấn đề xây dựng đập Tam Hiệp, từ thời Mao Trạch Đông đã quan tâm đến, nhưng cho đến khi Mao qua đời thì ý tưởng vẫn chỉ là cái bánh vẽ. Đến thời ông Đặng Tiểu Bình từng có lúc tưởng như chiếc bánh vẽ trở thành hiện thực, nhưng nào ngờ xu thế phản đối quá mạnh mẽ, đến “lưỡng hội” năm 1989 thời Diêu Y Lâm (Yao Yilin) là Phó thủ tướng đã tuyên bố trước Nhân đại toàn quốc rằng trong 5 năm tới không bàn vấn đề này.

Những tưởng khi đó tranh luận về đập Tam Hiệp có thể dừng lại trong 5 năm tới, nhưng hơn 2 tháng sau nổ ra vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989 và ông Giang Trạch Dân lên nắm quyền, vậy là đã thay đổi vận số người dân hai bờ hạ lưu sông Dương Tử.

Bất kể vì lý do nào trong các lý do như làm theo Đặng Tiểu Bình, hay kết liên minh với Lý Bằng, hay để tạo dấu ấn chính trị, thì công trình đập Tam Hiệp luôn là lựa chọn tốt nhất cho ông Giang Trạch Dân giữ vững đỉnh cao quyền lực có được từ đàn áp phong trào dân chủ tại Thiên An Môn. Vì vậy, ngay sau thảm sát Thiên An Môn và chiếc ghế Tổng Bí thư của Giang ngồi còn chưa kịp ấm, ông đã vội đến Hồ Bắc để thị sát Tam Hiệp. Nhờ được ông thúc đẩy, “Nghị quyết về xây dựng công trình đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử” vào ngày 3/4/1992 đã được thông qua tại Nhân đại Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) với tỷ lệ phiếu ủng hộ thấp ở mức 67% (mức khó diễn ra đối với thể chế chính trị toàn trị). Ngày 14/12/1994, công trình đập Tam Hiệp đã chính thức khởi công.

Hiệu ứng Quỷ Môn Quan của đập Tam Hiệp

Trong Lễ khởi công hoành tráng với sự chú ý của cả nước Trung Quốc, công trình đập Tam Hiệp được ca tụng là “công lao đương đại lợi ích muôn đời”. Nhưng tại buổi lễ hoàn thành công trình vào năm 2009 thì tình cảnh hoàn toàn trái ngược với không khí hoành tráng oai phong của lễ khởi công: giới lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ không ai tham dự.

Đặc biệt là nhiều năm sau khi hoàn thành vẫn không ai sẵn sàng gánh trách nhiệm bằng cách ký vào bản chứng nhận tiêu chuẩn, đến nay vẫn chưa thể nghiệm thu.

Thực tế, công trình đập Tam Hiệp ban đầu được ĐCSTQ mô tả là “có lợi ích tổng hợp khổng lồ gồm kiểm soát lũ lụt, chống hạn hán, sản xuất điện, vận tải đường thủy, và bảo vệ môi trường”, cuối cùng chỉ thực hiện được một mục tiêu là sản xuất điện. Nhưng cho dù thực hiện được mục tiêu sản xuất điện thì hóa đơn tiền điện của người dân vẫn chỉ tăng mà không giảm, chính người dân Trung Quốc phải trả phí cho công trình đập Tam Hiệp tai hại thông qua hóa đơn tiền điện cao ngất ngưởng.

Còn về chức năng chính của công trình đập Tam Hiệp được quảng bá là để kiểm soát lũ thì hiệu quả thế nào? Qua một số thông tin được truyền thông ĐCSTQ đưa tin cho thấy: ngày 1/6/2003, Tân Hoa Xã có bài “Đập Tam Hiệp kiên cố có thể ngăn chặn hồng thủy vạn năm mới gặp”; ngày 8/5/2007, Tân Hoa Xã có bài “Năm nay đập Tam Hiệp có thể ngăn chặn hồng thủy nghìn năm mới gặp”; ngày 21/10/2008, Xinhuanet có bài “Đập Tam Hiệp có thể ngăn chặn hồng thủy đặc biệt lớn trăm năm mới gặp”; ngày 20/7/2010, CCTV đã có bài “Khả năng lưu trữ nước lũ của đập Tam Hiệp có giới hạn nên không đặt mọi kỳ vọng vào con đập”. Chuyên gia thủy lợi người Đức gốc Hoa là ông Vương Duy Lạc (Vương Duy Lạc) đã thẳng thừng chỉ ra rằng công trình đập Tam Hiệp căn bản không thể đủ giúp kiểm soát lũ!

Mặc dù hàng loạt lợi ích của công trình đập Tam Hiệp do ĐCSTQ quảng bá chưa thành hiện thực, nhưng rất nhiều chuyên gia thủy lợi phản đối xây dựng công trình này đã đưa ra các lập luận thuyết phục về tai hại. Đáng kể là giáo sư Hoàng Vạn Lý (Huang Wanli) chuyên gia thủy lợi của Đại học Thanh Hoa, người đã từng 6 lần viết thư cho chính quyền trung ương ĐCSTQ kể về tác hại của công trình đập Tam Hiệp, ông đã dự đoán 12 hậu quả thảm khốc của công trình này:

1. Sập kè ở hạ lưu sông Dương Tử; 2. Cản trở vận tải đường thủy; 3. Vấn đề di dân; 4. Vấn đề tích tụ phù sa; 5. Suy giảm chất lượng nước; 6. Sản xuất điện không đáng kể; 7. Khí hậu bất thường; 8. Gây động đất thường xuyên; 9. Gây nguy cơ dịch bệnh lây lan do muỗi; 10. Ảnh hưởng không tốt đối với môi trường sinh thái; 11. Lũ lụt ở thượng nguồn nghiêm trọng; 12. Cuối cùng sẽ bị ép nổ tung.

Ngày nay, ngoại trừ hậu quả cuối cùng chưa xảy ra, còn 11 dự đoán đã thành sự thật! ‘Quỷ Môn Quan’ đập Tam Hiệp cắt ngang dòng sông Dương Tử, khi nào chưa được phá bỏ thì sông Dương Tử luôn như trái bom hẹn giờ.

Ai sẽ dỡ bỏ đập Tam Hiệp?

Dự đoán cuối cùng của ông Hoàng Vạn Lý về đập Tam Hiệp là bị ép nổ tung. Nhưng chuyên gia thủy lợi Vương Duy Lạc chỉ thêm rằng, với thời gian khi đập Tam Hiệp tồn tại càng lâu thì bùn sẽ tích tụ càng nhiều, đến khi phù sa vượt quá 4 tỷ tấn thì có muốn dỡ bỏ con đập cũng không thể thực hiện, vì nước sông Dương Tử sẽ không thể đưa được số phù sa khổng lồ đó ra biển, trường hợp như vậy sẽ dẫn đến chặn dòng nước vùng trung và hạ lưu sông Dương Tử làm đổi hướng dòng nước. Tóm lại, nếu hiện nay không quyết tâm phá bỏ đập Tam Hiệp thì sau này có muốn phá bỏ cũng không thể làm được.

Để khởi công công trình đập Tam Hiệp đã khó, nhưng để tháo dỡ cũng không dễ, chuyện khó khăn trong việc tháo dỡ không phải vấn đề kỹ thuật mà vấn đề thể diện. Dỡ bỏ công trình mà ĐCSTQ vẫn hãnh diện là điều không dễ cho ông Tập Cận Bình. Có lẽ chính quyền ông Tập nghĩ rằng để phù sa đạt đến 4 tỷ tấn thì sẽ mất một thời gian dài. Đúng vậy, thời gian mà ông Vương Duy Lạc đưa ra là 30 năm sau khi đập Tam Hiệp đi vào hoạt động, còn tính từ hiện nay (năm 2020) thì còn 20 năm. Thời gian này là quá đủ cho ông Tập ném trách nhiệm vào người kế nhiệm. Hy vọng rằng chính quyền Tập Cận Bình sẽ không nghĩ vấn đề như vậy, bởi vì thời gian Trời ban cho ông Tập có thể không tới mức 20 năm nữa.

Trên thực tế, người ta nói rằng đập Tam Hiệp là ‘Quỷ Môn Quan’ vì ngoài những nguy cơ sinh thái và di dân thì còn vấn đề gây nguy hiểm hơn đó là chiến tranh.

Vào những năm 1950, dưới thời Mao Trạch Đông thì dự án đập Tam Hiệp còn trong giai đoạn là ý tưởng, khi đó lo ngại hàng đầu của Mao Trạch Đông là vấn đề an ninh phòng không. Đó là làm sao xây dựng được con đập có thể tránh được bom oanh tạc của kẻ thù và chịu được vũ khí thông thường và thậm chí cả vũ khí hạt nhân. Sau khi nghiên cứu, Phó Tổng tham mưu Trương Ái Bình (Zhang Aiping) kết luận rằng hoàn cảnh khi đó không thể đảm bảo được an toàn của công trình đập Tam Hiệp.

Việc tranh luận chứng minh tính khả thi cho công trình đập Tam Hiệp bắt đầu vào năm 1986. Dựa theo luận chứng, đến năm 1992 công trình đập Tam Hiệp đã được ĐCSTQ phê chuẩn, theo đó kết luận về an ninh phòng không là:

“Trong thời chiến, công trình đập Tam Hiệp có thể trở thành một trong những mục tiêu tấn công chiến lược của kẻ thù”.

Năm 1991, một năm trước khi công trình đập Tam Hiệp được Nhân đại Trung Quốc thông qua, ông Phó chủ tịch Chính hiệp khi đó là giáo sư vật lý Tiền Vệ Trưởng (Qian Weichang) công bố bài viết “Gợi ý từ Chiến tranh vùng Vịnh”. Theo đó ông nhìn từ bài học chiến tranh vùng Vịnh để cảnh báo về an ninh đập Tam Hiệp nếu có chiến tranh: Nếu xảy ra tấn công bất ngờ, chỉ cần dùng vũ khí thông thường cũng đủ để phá vỡ đập Tam Hiệp, khiến sáu tỉnh và thành phố ở hạ lưu sông Dương Tử chìm trong nước, làm hàng trăm triệu người sẽ rơi vào cảnh tuyệt vọng; với công nghệ tên lửa hiện đại thì khả năng phòng thủ của đập Tam Hiệp là không thể.

Nói cách khác, ngoài những thiệt hại đối với hệ sinh thái và thảm họa di dân do đập Tam Hiệp gây ra, còn có nguy hiểm tiềm ẩn khủng khiếp hơn là trường hợp nếu có chiến tranh. Từng có người chỉ ra rằng nếu ĐCSTQ dùng vũ lực thống nhất Đài Loan, chỉ cần Đài Loan tấn công thành công đập Tam Hiệp là ngay lập tức ĐCSTQ không còn ý chí chiến đấu. Ngoài ra, trong cuốn sách “Sông Dương Tử ơi sông Dương Tử”, ông Dương Lang (Yang Lang) – cựu Phó chủ tịch của SEEC Media đã phân tích rằng: Vùng hạ lưu của Tam Hiệp là nơi quân đội dự bị Trung Quốc đóng quân, nếu con đập bị bể thì quân dự bị của ĐCSTQ cũng sẽ tan tành.

Nhưng dù gì thì Chính phủ Đài Loan không phải là ĐCSTQ, cho nên cách tiếp cận thất đức vô nhân tính như vậy là khó xảy ra. Tuy nhiên, chiến tranh thì khó kể tình nghĩa, giả sử ông ‘đại ca’ ác ôn quá thì cũng không loại trừ vấn đề lựa chọn đập Tam Hiệp thành mục tiêu tấn công. Nhưng cho dù là Đài Loan hay Bắc Triều Tiên thì cũng chỉ là kẻ thù bên ngoài, điều khó phòng ngừa hơn chính là kẻ thù chính trị bên trong ĐCSTQ. Trong chiến dịch “chống tham nhũng”, ông Tập Cận Bình đã khiến nhiều đối thủ lâm nạn, chắc chắn luôn có kẻ núp trong bóng tối tìm cách trả thù. Hai bên đấu nhau, kết quả cuối cùng hoặc là đối thủ thành công hạ bệ ông Tập hoặc là bị ông Tập ép vào đường cùng. Trong trường hợp đối phó bị ép vào đường cùng thì hoàn toàn có khả năng đi nước cờ “chết cùng chết” bằng cách nhắm vào con đập Tam Hiệp.

Trước đây ông Mao Trạch Đông muốn động thổ đập Tam Hiệp nhưng đã do dự hết lần này đến lần khác, đã tuyên bố “Đỉnh đầu treo lơ lửng bồn nước thì liệu có thể ngủ ngon không?” Ngày nay đập Tam Hiệp đã trở thành hiện thực, đỉnh đầu ông Tập Cận Bình không phải bồn nước mà là một quả bom hạt nhân, thử nghĩ như vậy trong 20 năm tới ông Tập có thể ngủ ngon giấc không?

Không ai dám dỡ bỏ thì để “Ông Trời” làm

Nếu ông Tập Cận Bình không dỡ bỏ, hay địch thủ của ông không dỡ bỏ, thì có một khả năng khác đó là “Ông Trời” sẽ làm thay. Kể từ đầu mùa hè năm nay, mưa lớn ở 24 tỉnh phía nam đã gây ra thảm họa và một lần nữa chuông báo động đập Tam Hiệp được gióng lên. Thành phố Trùng Khánh nằm ở thượng nguồn sông Dương Tử cũng đã phải nhận trận lụt lớn nhất trong 80 năm qua. Việc đập Tam Hiệp có sụp đổ hay không hoàn toàn phụ thuộc vào sức mạnh bất khả kháng của thiên nhiên, không ai có thể biết trước được, và điều này ngoài khả năng kiểm soát của con người. Về chuyện này, điều duy nhất con người có thể làm cầu xin may mắn, mong mưa sớm ngừng và nước sớm rút.

Nhưng khi thiên nhiên ra tay phá hủy con đập thì hậu quả sẽ rất khủng khiếp. Như ông Vương Duy Lạc đã nói: “Nếu đập Tam Hiệp bị vỡ sẽ không chỉ gây thảm họa lũ lụt, mà còn có 2 đến 3 tỷ mét khối trầm tích bùn. Sức tàn phá của trầm tích bùn này khủng khiếp hơn lũ lụt. Khi trận lũ đầu tiên đổ xuống, nếu con người có thể ngăn chặn được thì sẽ sống sót, nhưng toàn bộ hệ sinh thái sẽ bị phá hủy khi trầm tích đổ xuống. Có thể dòng sông Dương Tử sẽ bị chặn lại và chúng ta không biết nước sẽ chảy về hướng nào. Trong trường hợp này, một khi trầm tích chảy xuống thì toàn bộ vùng trung và hạ lưu của sông Dương Tử cho đến cửa sông Thượng Hải sẽ gặp cảnh thê thảm.” Trước cảnh tượng gần đây mực nước của hồ chứa Tam Hiệp dâng cao, một lần nữa ông Vương Duy Lạc nhắc nhở người dân về tình trạng nguy hiểm, hãy tự ý thức cứu mình.

Nhưng một khi đập Tam Hiệp sụp đổ, ĐCSTQ vốn đang trong cảnh nguy nan, chỉ cần gặp thêm thảm họa khủng khiếp như vậy thì sẽ nhanh chóng tan rã. Ông Giang Trạch Dân xây đập Tam Hiệp giống như đặt ‘Quỷ Môn Quan’ ở sông Dương Tử. Đối diện với ‘cổng quỷ’ này, ông Tập chỉ có hai con đường để chọn, hoặc chủ động phá dỡ con đập để tránh trước thảm họa có thể xảy ra, hoặc không hành động gì cho đến khi thảm họa bùn đổ xuống khiến sinh linh bi thảm đưa tang ĐCSTQ và bản thân ông Tập sẽ trở thành tội nhân thiên cổ.

Cuối cùng, bất kể ông Tập đi đâu, người dân Trung Quốc sống trong cảnh nguy hiểm sẽ không còn tin lời tuyên truyền của ĐCSTQ nữa, sẽ theo cảnh báo mà tiên sinh Vương Duy Lạc đưa ra để sớm chạy thoát thân!

Tống Tử Phụng
(Bài viết chỉ đại diện cho quan điểm của ​​cá nhân tác giả)

Xem thêm:

MỜI NGHE PODCAST: Kỷ niệm 31 năm Lục Tứ: Bản chất tà ác của ĐCSTQ không hề thay đổi